Saturday, February 24, 2024

 


 

 

25 Tháng Hai
    Chân Phước Sebastian ở Aparicio
    (1502 - 1600)

 

    Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.

 

    Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương thuyết với những người thổ dân.

 

    Sau cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Ðộng lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.

 

    Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ. Ðược giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."

 

    Thầy Sebastian được phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ hành.

 


    Lời Bàn

 

    Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.

 


    Lời Trích

 

    Có lần Thánh Phanxicô nói với các môn sinh:"Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).

    

    Trích từ NguoiTinHuu.com
 

Friday, February 23, 2024

 

Hạnh Các Thánh

24/02/2024

 

24/2 – CHÂN PHƯỚC LUCA BELLUDI (1200-1285)

Năm 1220, Thánh Antôn đang giảng đạo cho cư dân ở Padua thì chàng trai Luca Belludi đến gặp ngài và xin nhận y phục của những người theo Thánh Phanxicô. Thánh Antôn thấy Luca có tài và có giáo dục nên giới thiệu với thánh Phanxicô. Luca được Thánh Phanxicô nhận vào Dòng Phanxicô.

Lúc 20 tuổi, Luca theo Thánh Antôn đi giảng đạo và được bổ nhiệm làm vệ sĩ của các tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn (Friars Minor) ở thành phố Padua. Năm 1239,thành phố rơi vào tay kẻ thù. Giới quý tộc bị giết chết, thị trưởng và hội đồng thành phố bị giải tán, trường đại học Padua dần dần đóng cửa và nhà thờ dâng kính thánh Antôn bị bỏ dở. Luca cũng bị đi đày nhưng đã bí mật trở lại. Ban đêm, Luca và vệ sĩ mới có thể đến viếng mộ thánh Antôn để cầu nguyện và xin trợ giúp. Một đêm nọ, có tiếng nói vọng lên từ mộ xác định rằng thành phố sẽ mau chóng được giao lại từ tay bạo chúa.

Biết được sứ điệp tiên tri, người ta chọn Luca làm trưởng thành phố và xúc tiến việc hoàn tất đại giáo đường dâng kính Thánh Antôn, thầy dạy của mình. Cũng như Thánh Antôn, Thánh Luca Belludi đã lập 5 tu viện và làm nhiều phép lạ. Ngài qua đời và được an táng tại đại giáo đường đó, ngài vẫn được tôn kính cho tới ngày nay.

 

 

 

Thursday, February 22, 2024

 

Hạnh Các Thánh

23/02/2024

23/2 – THÁNH PÔLYCARP, GIÁM MỤC TỬ ĐẠO (+ 156)

Pôlycarp, giám mục giáo phận Smyrna (nay là Izmir, Thổ nhĩ kỳ), môn đệ của Thánh Gioan tông đồ và người bạn là Thánh Inhaxiô thành Antiôkia,là người được kính trọng trong nửa đầu của thế kỷ II.

Thánh Inhaxiô, trên đường tới Rôma chịu tử đạo, đã ghé thăm Pôlycarp tại Smyrna, và sau đó tại thành Troas,THÁNH Inhaxiô đã viết thư riêng cho Pôlycarp. Các giáo hội Tiểu Á nhận ra khả năng lãnh đạo của thánh Pôlycarp nên chọn ngài làm đại diện để thảo luận với ĐGH Anicêtô vào ngày lễ Phục Sinh ở Rôma – một kiểu khá tranh luận trong thời Giáo hội sơ khai.Chỉ còn một trong nhiều lá thư của Thánh Pôlycarp được lưu giữ, đó là thư ngài viết cho giáo đoàn Philippi, Maxêđônia.

Lúc 86 tuổi, Thánh Pôlycarp bị thiêu sống tại Smyrna. Lửa không thiêu cháy ngài, cuối cùng ngài bị đâm chết. Viên sĩ quan chỉ huy ra lệnh thiêu xác thánh nhân. Các chứng tích về cuộc tử đạo của Thánh Pôlycarp còn được lưu giữ, rất đáng tin cậy về cái chết của một nhân chứng Kitô hữu.

 

 

 

Wednesday, February 21, 2024

 22/2 – TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ

Lễ này kỷ niệm việc Chúa Giêsu chọn Thánh Phêrô làm đầu Giáo hội.

Thiên thần nói với Maria Madalêna:“Ngài đã sống lại! Hãy đi nói với các tông đồ và Phêrô.” Thánh sử Gioan kể lại rằng khi ngài và thánh Phêrô tới mộ, người trẻ đến trước người già nên đứng đợi. Phêrô vào mộ, thấy khăn liệm trên đất, khăn trùm cuộn lại gọn gàng. Gioan thấy và tin. Nhưng thánh Gioan nói thêm: “...Hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20:9) Họ trở về. Tin Mừng lan truyền, điều không thể trở nên có thể. Chúa Giêsu hiện ra với họ khi họ đang sợ hãi chờ đợi trong căn phòng được khóa chặt. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em,” (Ga 20:21b) và họ vui mừng.

Lễ Hiện xuống hoàn tất kinh nghiệm của Thánh Phêrô về Đức Kitô phục sinh: “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2:4a)

Chỉ khi đó Thánh Phêrô mới hoàn tất trọng trách Chúa Giêsu đã trao: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22:32) Ngay lúc đó ngài trở thành phát ngôn viên cho Nhóm Mười Hai về kinh nghiệm Thánh Thần – trước mặt chính quyền đời, những người muốn cấm các tông đồ rao giảng, trước công hội Giêrusalem, đối với cộng đoàn Ananias và Sapphira đang gặp rắc rối. Ngài là người đầu tiên rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại. Khả năng chữa bệnh của Chúa Giêsu nơi ngài được minh chứng: làm cho Tabitha sống lại, chữa lành người ăn xin bị què. Người ta đem các bệnh nhân ra đường khi Thánh Phêrô đi ngang qua với hy vọng bóng ngài sẽ lướt trên các bệnh nhân và được khỏi.

Ngay cả thánh nhân cũng phải trải qua khó khăn trong đời sống Kitô giáo. Khi Thánh Phêrô không ăn uống với các tân tòng vì ngài không muốn làm tổn thương các Kitô hữu người Do thái, Thánh Phaolô nói: “Tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?” (Gl 2:11b, 14a)

Cuối Phúc Âm theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô:“Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21:18). Lời Chúa Giêsu nói cho thấy cách chết của Thánh Phêrô. Trên Đồi Vatican ở Rôma, thời Nero, Thánh Phêrô đã làm vinh danh Chúa bằng cái chết: bị đóng đinh ngược.

 

Tuesday, February 20, 2024

 

Hạnh Các Thánh

21/02/2024

21/2 – THÁNH PHÊRÔ ĐAMIANÔ, GIÁM MỤC TIẾN SĨ (1007-1072)

Có thể vì ngài mồ côi và bị anh em đối xử tồi tệ mà Phêrô Đamianô rất tốt với người nghèo. Chỉ là “chuyện nhỏ” khi ngài thường có một vài người nghèo đồng bàn ăn và ngài thích đích thân hảo tâm với những người nghèo.

Phêrô Đamianô thoát nghèo và làm ngơ với người anh khi người anh này, là linh mục hạt trưởng giáo hạt Ravenna, muốn “che chở” cho ngài, dù người anh này đã gởi ngài đi học và trở thành giáo sư.

Ngài luôn nghiêm khắc với chính mình, mặc áo nhặm, ăn chay và cầu nguyện nhiều. Ngài quyết định bỏ dạy học và dành thời gian cầu nguyện với các tu sĩ Dòng Benêđíctô cải cách của Thánh Rômualđô tại Fonte Avellana. Ngài cầu nguyện nhiều và ngủ ít đến nỗi ngài bị chứng mất ngủ, rồi ngài thấy phải cẩn thận và quan tâm sức khỏe. Khi ngài không cầu nguyện, ngài nghiên cứu Kinh Thánh.

Tu viện trưởng truyền rằng khi bề trên qua đời thì ngài phải kế vị. Và rồi tu viện trưởng Phêrô Đamianô đã thành lập thêm 5 đan viện khác. Ngài khuyến khích các đan sĩ sống cầu nguyện và cô tịch, ngài không muốn gì khác cho mình. Tòa Thánh kêu gọi ngài làm người hòa giải giữa hai đan viện có mâu thuẫn hoặc chính phủ bất đồng ý kiến với Rôma.

Cuối cùng, ĐGH Stephanô IX phong ngài làm Hồng y Giám mục GP Ostia. Ngài làm việc cật lực để loại bỏ việc buôn chức bán quyền trong Giáo hội, ngài khuyến khích các linh mục tuân thủ luật độc thân và thúc đẩy các linh mục giáo phận sống đoàn kết và duy trì việc cầu nguyện. Ngài muốn duy trì quy luật ban đầu trong giới linh mục triều và linh mục dòng, tránh những chuyến đi không cần thiết, sống thoải mái và vi phạm đức khó nghèo. Ngài đã viết thư cho giám mục giáo phận Besancon để than phiền rằng giáo luật đã bị áp dụng sai khi hát thánh vịnh trong kinh nhật tụng (Divine Office). Ngài viết nhiều thư, hiện còn khoảng 170 thư. Ngoài ra còn có 53 bài giảng của ngài và 7 bản tiểu sử mà ngài đã viết. Ngài thích những tấm gương và truyện thật hơn lý thuyết. Nghi thức Phụng vụ bằng tiếng Latin mà ngài viết là chứng cớ về tài năng của ngài.

Ngài thường xuyên xin nghỉ hưu, cuối cùng được ĐGH Alexander II chấp thuận. Ngài vui mừng vì lại được làm đan sĩ, nhưng ngài vẫn được mời làm khâm sứ tại Ravenna. Sau khi mãn nhiệm trở về nhà dòng, ngài bị sốt cao. Ngày 22-2-1072, ngài qua đời khi các tu sĩ đang vây quanh ngài để đọc kinh nhật tụng. Năm 1828 ngài được tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội.

 

 

 

Monday, February 19, 2024

 20/2 – CÁC THÁNH GIAXINTA (1910-1920) và PHANXICÔ MARTÔ (1908-1919)

Trong thời gian từ 13-5 đến 13-10-1917, ba trẻ chăn chiên ở Aljustrel, Bồ Đào Nha, đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Cova da Iria, gần Fátima, một thành phố cách Lisbon 110 dặm về phía Bắc. Ba trẻ chăn chiên đó là Giaxinta, Phanxicô Martô và Luxia. Lúc đó, Âu châu đang chiến tranh khốc liệt. Bồ Đào Nha ở trong tình trạng hỗn loạn chính trị, chế độ quân chủ (monarchy) bị lật đổ năm 1910. Chính phủ giải tán các tổ chức tôn giáo ngay sau đó.

Trong lần hiện ra đầu tiên, Đức Mẹ yêu cầu các em trở lại chỗ đó vào ngày 13 trong vòng 6 tháng kế tiếp. Đức Mẹ còn yêu cầu các em lần chuỗi Mân Côi để “cầu cho hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.” Các em phải cầu cho những người tội lỗi và cho nước Nga trở lại. Nga hoàng Nicholas II đã bị lật đổ và không lâu sau là chế độ cộng sản. Có đến 90.000 người đã tụ họp trong lần Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng vào ngày 13-10-1917.

Chưa đầy 2 năm sau, Phanxicô qua đời vì bệnh cúm (influenza). Phanxicô được an táng tại nghĩa trang giáo xứ và rồi được cải táng về Thánh Đường Fátima năm 1952. Giaxinta cũng qua đời vì bệnh cúm tại Lisbon. Giaxinta dâng mọi đau khổ của mình để cầu cho các tội nhân biết ăn năn trở lại, cho hòa bình thế giới và Đức Thánh Cha. Giaxinta được cải táng về Thánh Đường Fátima năm 1951. Chị họ của Giaxinta và Phanxicô là Luxia (Lúcia dos Santos) trở thành nữ tu Dòng Kín Camêlô. Luxia vẫn sống khi Phanxicô và Giaxinta được ĐGH Gioan Phaolô II tuyên chân phước năm 2000. Nữ tu Luxia qua đời hồi tháng 2-2005,thọ 97 tuổi. Hằng năm có tới 20 triệu người đến viếng Đền Thờ Đức Mẹ Fátima. Phanxicô và Giaxinta được ĐGH Phanxicô tuyên thánh ngày 13-5-2017.

 

 

Sunday, February 18, 2024

 19/2 – THÁNH CONRAD PIACENZA (1290-1350)

Conrad Piacenza sinh trưởng trong một gia đình quý tộc tại Piacenza, thuộc Bắc Ý. Conrad kết hôn với Euphrosyne, con gái một nhà quý tộc. Một hôm, trong lúc đi săn, Conrad bảo những người tùy tùng đốt một bụi cây để con thú chạy ra. Lửa cháy đến cánh đồng và khu rừng gần đó. Conrad chạy trốn. Một nông dân vô tội bị bắt vào tù, bị hành hạ và phải nhận tội, rồi người này bị kết án tử hình. Thấy vậy, Conrad đầu thú để cứu người kia và chịu bồi thường thiệt hại.

Sau sự cố này, Conrad và vợ đồng ý chia tay: Vợ vô dòng Thánh Clara, chồng sống ẩn tu theo Luật Dòng Ba. Tuy nhiên, danh tiếng ngài thánh thiện lan truyền mau chóng. Thấy nhiều người đến làm rộn cuộc sống ẩn dật, ngài đến một nơi xa hơn, là vùng Sicily, và tại đây ngài sống ẩn tu 36 năm, chuyên chăm cầu nguyện cho mình và thế giới.

Sự cầu nguyện và hãm mình của ngài là tiếng đáp trả những cơn cám dỗ cản bước ngài. Ngài chết khi đang quỳ cầu nguyện trước Thánh giá. Ngài được tuyên thánh năm 1625.