Saturday, March 5, 2022


 

Hạnh Các Thánh

05/03/2022

 

 Ngày 5 Tháng 3


Thánh Gioan Giuse của Thánh Giá
(1654 - 1734)

 

Sự khắc kỷ tự nó không phải là cùng đích nhưng chỉ là một trợ giúp để sống bác ái hơn -- như cuộc đời Thánh Gioan Giuse đã minh chứng.

 

Gioan Giuse sống rất khắc khổ ngay từ khi còn trẻ. Năm 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô ở Naples; ngài là người Ý đầu tiên theo phong trào cải cách của Thánh Phêrô Alcantara. Sự thánh thiện nổi tiếng của Gioan Giuse là động lực khiến cha bề trên giao cho ngài trách nhiệm thành lập một tu viện mới, ngay cả trước khi được thụ phong linh mục.

 

Với đức vâng lời, ngài chấp nhận mọi bổ nhiệm, từ giám đốc đệ tử, quản gia và, sau cùng là bề trên giám tỉnh. Những năm dài hãm mình phạt xác đã giúp ngài thi hành các nhiệm vụ trên với lòng bác ái cao cả. Khi là quản gia ngài không ngần ngại làm việc trong nhà bếp, hoặc gánh củi, gánh nước cho các tu sĩ. Khi thời gian làm giám tỉnh đã mãn, Cha Gioan Giuse tận tụy trong công việc giải tội và hãm mình phạt xác, là hai điều trái ngược với tinh thần ban đầu của Thời Khai Minh (*). Ngài cũng được ban cho nhiều ơn siêu nhiên, tỉ như ơn tiên tri và làm phép lạ. Ngài từ trần vào năm 80 tuổi ở tu viện Naples.

 

Cha Gioan Giuse được phong thánh năm 1839.

 

 

Lời Bàn

 

Sự hãm mình phạt xác của Thánh Gioan Giuse đã giúp ngài trở nên một bề trên đầy khoan dung mà Thánh Phanxicô đã nhắm đến. Sự khắc kỷ phải đưa chúng ta đến đức ái -- chứ không phải sự cay đắng; nó phải giúp chúng ta nhận ra đâu là những ưu tiên trong cuộc sống, và giúp chúng ta sống yêu thương hơn. Thánh Gioan Giuse là bằng chứng sống động của điều mà Chesterton nhận xét: "Ðể thời đại lôi cuốn thì quá dễ; sự khó khăn là giữ được lập trường của mình" (G.K. Chesterton, Orthodoxy, trang 101).

 

 

(*) Thời Khai Minh (Age of Enlightenment), là trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 17 và 18, chủ trương dùng lý trí con người để chế ngự toàn thể văn hóa hay tư duy nhân loại.

 

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

 

Friday, March 4, 2022

 

Hạnh Các Thánh

04/03/2022

 

Ngày 4 Tháng 3


Thánh Casimir
(1458 - 1483)

 

Casimir lớn lên trong một thế giới mà đó không phải là cuộc đời ngài mong muốn. Là hoàng tử Ba Lan, con trai thứ hai của Vua Casimir IV và Hoàng Hậu Elizabeth của Áo, cuộc đời ngài được đặt định để nối tiếp quyền bính của vua cha và gia tăng quyền thế của Ba Lan.

 

 

Ngay từ nhỏ, Casimir đã cảm thấy cuộc đời mình thuộc về một người nào đó, mà vị Vua ấy cao cả hơn cha ngài nhiều. Bất kể những áp lực, nhục nhã và bị tẩy chay, ngài vẫn giữ sự trung tín ấy trong suốt cuộc đời.

 

 

Ngay từ nhỏ Casimir đã dâng mình cho Chúa. Một trong những động lực tận hiến ấy là nhờ người giám hộ, John Dlugosz, mà sự thánh thiện của ông đã khuyến khích Casimir trên hành trình cuộc đời.

 

 

Thật khó để chúng ta tưởng tượng rằng đời sống vương giả lại là một áp lực. Nhưng đối với Casimir, sự sang trọng chung quanh ngài là những cám dỗ để phản bội sự trung tín đích thực. Ðể chống đối những quần áo sang trọng, đắt tiền mà người ta cho rằng ngài sẽ vui thích, ngài mặc những quần áo bình dân nhất.

 

 

Khước từ ngay cả sự tiện nghi bình thường, ngài ngủ ít và dành thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Và thay vì nằm trên giường nệm, ngài ngủ trên sàn nhà. Mặc dù ngài là hoàng tử, nhiều người chung quanh đã nhạo cười ngài về những điều ấy. Tuy nhiên, trước bất cứ áp lực nào, Casimir vẫn thản nhiên và thân thiện.

 

 

Chắc chắn cha ngài phải kinh ngạc về thái độ của con mình, nhưng có lẽ ông cũng nhìn thấy và thán phục sức khỏe của Casimir. Lầm tưởng về điều ấy nên ông đã sai Casimir dẫn một đạo quân sang xâm chiếm Hungary, theo như lời yêu cầu của một số nhà quý tộc ở đây. Mặc dù cảm thấy cuộc viễn chinh thật sai lầm, Casimir cũng đã vâng lời vua cha. Nhưng mỗi một bước tiến ngài linh cảm rằng đó là sự bất tuân Cha trên trời. Do đó khi binh lính bắt đầu bỏ trốn vì không được trả lương, ngài rất hân hoan nghe theo lời khuyên của các sĩ quan mà đưa quân trở về nhà. Khi được biết Ðức Giáo Hoàng Sixtus IV chống đối cuộc xâm lăng ấy, Casimir biết rằng linh cảm của mình là đúng.

 

 

Tuy nhiên, vua cha quá tức giận vì hoạch định của ông bị thất bại, nên ông đã trục xuất Casimir, lúc ấy mới 15 tuổi, đến một lâu đài ở Dobzki, hy vọng rằng sự tù đầy sẽ thay đổi ý định của Casimir. Nhưng trong thời gian lưu đầy, ý định ban đầu của Casimir mà ngài tin là đúng lại càng gia tăng mạnh mẽ hơn, và ngài từ chối cộng tác trong mọi hoạch định của vua cha bất kể bất cứ áp lực nào. Ngài từ chối cả cuộc hôn nhân do cha ngài sắp đặt. Ngài chỉ cộng tác với chương trình của vị Vua đích thực qua sự cầu nguyện, học hỏi và giúp đỡ người bất hạnh.

 

 

Ngài từ trần vì bệnh phổi khi mới 23 tuổi trong thời gian đến thăm Lithuania, mà ngài cũng là Ðại Công Tước của quốc gia này. Ngài được mai táng ở Vilna, Lithuania.

 

Ngài được đặt làm thánh quan thầy của Ba Lan và Lithuania.

 


Lời Bàn

 

Trong nhiều năm trời, các quốc gia Ba Lan và Lithuania đã mờ nhạt trong nhà tù vĩ đại bên kia Bức Màn Sắt. Bất kể những đàn áp, người Ba Lan và Lithuania vẫn kiên trì giữ vững đức tin mà đức tin ấy đã trở nên đồng hoá với tên của họ. Vị thánh quan thầy trẻ tuổi đã đem cho họ một hy vọng: Hòa bình không thể chiếm được bằng chiến tranh; đôi khi ngay cả nhân đức cũng không chiếm được sự an bình thoải mái, nhưng sự bình an của Ðức Kitô có thể thấm nhập vào cả các bức màn sắt.

 


Lời Trích

 

Thánh Casimir vô cùng quý mến Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa; đặc biệt là ngài yêu thích bài thánh ca Latinh về Ðức Mẹ, "Omni die dic Mariae" (Ca Ngợi Mẹ Hàng Ngày). Ngài đã yêu cầu bản nhạc ấy được chôn theo với ngài.

 

*****************************************************

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

Thursday, March 3, 2022

 

Hạnh Các Thánh

03/03/2022

Ngày 3 Tháng 3


Thánh Katharine Drexel
(1858 - 1955)

 


 Nếu cha bạn là một ông chủ ngân hàng quốc tế và bạn có xe lửa riêng, có lẽ khó để bạn bị lôi cuốn đến những công việc tình nguyện cho người nghèo. Nhưng nếu hàng tuần mẹ bạn dành ba ngày để tiếp đón người nghèo, và cha bạn dành nửa giờ mỗi ngày để cầu nguyện, có lẽ không khó để bạn hy sinh cuộc đời cho người nghèo và cho đi 12 triệu đô la. Ðó là điều mà Thánh Katharine Drexel đã thực hiện.

 

Ngài sinh ở Philadelphia, Hoa Kỳ, năm 1858 và là cô con gái thứ hai của ông bà Drexel. Sau khi chào đời được hai năm thì người mẹ ruột từ trần. Hai năm sau, cha ngài tái hôn và họ có thêm một cô con gái nữa. Tất cả ba cô đều có một nền tảng giáo dục vững chắc và thường đi du lịch nhiều nơi. Khi Katharine hai mươi mốt tuổi, là con gái nhà giầu, ngài sẵn sàng có địa vị trong xã hội, nhưng khi chăm sóc người mẹ ghẻ trong ba năm bị bệnh ung thư, ngài thấy rằng mọi tài sản của dòng họ Drexel cũng không thể cứu được con người khỏi sự đau khổ và cái chết, từ đó cuộc đời ngài thay đổi đáng kể.

 

 

Vào năm 1885, ông Drexel từ trần để lại gia tài kếch sù cho ba cô con gái. Lúc bấy giờ, Katharine và hai chị em đều gia nhập tổ chức Tông Ðồ Giáo Dân. Họ thường để ý đến hoàn cảnh khó khăn của người da đỏ, và thường bàng hoàng khi đọc những câu truyện về người da đỏ Mỹ Châu. Trong chuyến du lịch Âu Châu, ngài được gặp Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII và xin Ðức Thánh Cha gửi thêm các nhà truyền giáo đến Wyoming để giúp đỡ bạn của ngài, là Ðức Giám Mục James O'Connor. Ðức giáo hoàng trả lời, "Tại sao chính con không trở nên nhà tryền giáo?" Câu trả lời ấy đã khích động ngài đến độ phải nằm bệnh trong vài ngày.

 

Trở về Hoa Kỳ, ngài đến thăm người da đỏ Dakota, gặp tù trưởng Red Cloud và bắt đầu giúp đỡ họ.

 

Việc lập gia đình đối với Katharine thì quá dễ dàng. Nhưng sau các cuộc thảo luận với Ðức Giám Mục O'Connor, Katharine viết trong nhật ký năm 1889, "Ngày lễ Thánh Giuse năm ấy đã đem lại cho tôi một ơn sủng lớn lao để có thể hy sinh quãng đời còn lại cho người da đỏ và da mầu." Vào ngày 7 tháng Mười Một 1889, ngài mặc áo dòng và lấy tên Sơ Mary Katharine. Năm ấy, các nhật báo lớn ở Hoa Kỳ đều chạy hàng chữ ngay trang đầu, "Dám Bỏ 7 Triệu Ðôla!"

 

Sau ba năm rưỡi huấn luyện, Katharine và mười ba nữ tu đầu tiên của ngài (Sisters of the Blessed Sacrament for Indians and Colored - Nữ Tu Thánh Thể cho Người Da Ðỏ và Da Mầu) mở trường học ở Santa Fe. Tiếp đó các trường học nối đuôi nhau thành lập. Vào năm 1915, ngài thành lập Ðại Học Xavier ở New Orleans, là đại học đầu tiên ở Hoa Kỳ dành cho người da đen.

 

 

Cho đến năm 1942, ngài đã thiết lập xong hệ thống trường Công Giáo cho người da đen trong 13 tiểu bang, cộng thêm 40 trung tâm truyền giáo và 23 trường làng. Những người kỳ thị chủng tộc đã quấy phá công việc của ngài, họ đốt cả một trường học của ngài ở Pennsylvania. Tổng cộng, ngài đã thành lập 50 trung tâm truyền giáo cho người da đỏ trong 16 tiểu bang.

 

Khi 77 tuổi, ngài bị kích xúc tim nhưng vẫn tiếp tục đến các trung tâm truyền giáo để hướng dẫn các sơ trong dòng. Vào năm 1941, ngài cử mừng lễ kim khánh thành lập dòng, và Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã đề cập đến thành quả của ngài như "một trang sử huy hoàng trong biên niên sử của Giáo Hội."

 

 

Trong những năm cuối đời, Mẹ Katharine Drexel bị liệt, ngài sống âm thầm cầu nguyện trong căn phòng nhỏ nhìn về phía cung thánh. Nhiều mẩu giấy ghi lại các lời cầu nguyện của ngài, cũng như những suy niệm và những nguyện vọng vô tận. Ngài từ trần khi 96 tuổi. Tổng cộng ngài đã dùng 12 triệu đô la tài sản của ngài cho công cuộc truyền giáo cho người da đỏ và da đen ở Hoa Kỳ.

 

Vào tháng Mười Một 1988, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước. Và đầu tháng Mười năm 2000, ngài đã được phong thánh.

 


Lời Bàn

 

Các thánh luôn luôn có những lời khuyên giống nhau: Hãy cầu nguyện, sống khiêm tốn, chấp nhận thập giá, hãy yêu thương và tha thứ cho tha nhân. Nhưng khi được nghe những lời ấy từ một người, có tất cả những giầu sang của trần thế, được báo chí phỏng vấn, được du lịch trên các toa xe lửa hạng sang, thì đó là một nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta biết, sự thánh thiện có thể thực hiện được trong thế giới hôm nay cũng như ở Giêrusalem hoặc Rôma thuở xưa.

 


Lời Trích

 

"Sự kiên nhẫn và khiêm tốn chịu đựng thập giá - dù bất cứ thập giá nào - là công việc cao cả nhất mà chúng ta phải thi hành.


"Ôi, dù đã 84 tuổi mà tôi vẫn còn xa vời với hình ảnh của Ðức Giêsu trong cuộc đời thánh thiện của Ngài ở trần thế!" (Mẹ Katherine Drexel)

 

*********************************************

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

Wednesday, March 2, 2022

 


 

Lịch sử và ý nghĩa của Tro ngày Lễ Tro

 

Thứ Tư trước Lễ Phục sinh sáu tuần, Giáo Hội cử hành Lễ Tro. Với Thứ Tư Lễ Tro Giáo Hội khai mạc Mùa Chay Thánh. Lễ này có nguồn gốc từ tên gọi của nó, vì sau bài giảng có nghi thức làm phép tro được đốt từ cành lá dừa của Chúa nhật Lễ Lá năm trước, ngày này khắp nơi ăn chay” (x. Quy luật tổng quát phụng vụ, số 28 và 29). Tro đã được làm phép sẽ được rắc lên đầu hay xức trên trán các tín hữu theo dấu thánh giá và nói : “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro” (x. St 3,19) hay “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro”. Năm 2021, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành hướng dẫn đề xuất rằng các linh mục nên sử dụng phương pháp rắc tro trong mọi trường hợp, do đại dịch COVID-19.

 

Tro trong Cựu Ước

 

Thời Cựu Ước, Tro được dùng để chỉ sự u buồn, thống hối và sự chết. Cụ thể như trong sách Esther, Mordecai mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ của vua Ahasuerus (hay Xerxes, 485-464 BC) ra lệnh giết hết người Do Thái trong Đế quốc Ba Tư (Et 4,1).

 

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ VII và V trước Chúa Giêsu giáng sinh, Ông Gióp đã mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối (G 42, 6). Khoảng 550 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh, khi tiên báo thành Giêrusalem bị quân Babylon chiếm đóng, Đaniel đã viết: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Tiếp đến là Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải, cả thành Ninivê mặc áo vải nhặm, ngồi trên đống tro và ăn chay (Gn 3, 5-6). Những bằng chứng trên cho thấy Tro được sử dụng từ lâu trong Cựu Ước với những ý đặc biệt của nó. việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).

 

Tro trong Tân Ước

 

Chính Chúa Giêsu cũng nhắc đến tro: khi dân các thành phố không nghe lời Chúa Giêsu rao giảng, họ từ chối thống hối dù đã chứng kiến những phép lạ và nghe Tin Mừng, Người nói: “Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Siđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối”  (Mt 11, 21).

 

Tro trong tuyền thống Kitô Giáo

 

Việc thực hành Mùa Chay đã có ngay ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm. Trong suốt thời kỳ giáo hội sơ khai, tro được dùng với các ý nghĩa biểu tượng của nó như rắc lên đầu những người bị buộc phải thú tội và sám hối công khai. Trong cuốn De Poenitentia (về sự sám hối), Tertullian (khoảng năm 160-220) quy định người sám hối phải “sống u buồn sầu thảm trong sự thô ráp của áo vải nhặm và tro bụi dơ dáy”. 

 

Trong lịch sử phụng vụ của Giáo Hội, Tro được dùng để bỏ trên đầu hay trên mình người phạm tội nặng công khai, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình... và bị loại ra khỏi cộng đoàn. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, định chế Giáo hội qui định, ngoài việc thống hối công khai, mặc áo vải nhặm, vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay hối nhân phải nhận tro nữa.

 

Vào khoảng thế kỷ thứ VIII, Tro được các đan sĩ và tu viện dùng để chỉ mối liên hệ sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, tại một số nơi các đan sĩ, tu sĩ có thói quen nằm trên đống tro với chiếc áo nhậm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: “Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm để nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. 

 

Từ đó, những người sắp qua đời được đặt nằm trong tấm vải rắc tro để trên đất. Linh mục rảy nước thánh trên người đấy và nói: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Tiếp theo, linh mục hỏi: “Anh (chị) có đồng ý mặc áo vải thô và rắc tro trên minh để chứng lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét không?”. Người ấy đáp: “Con xin đồng ý”. Đây là những bằng chứng cho thấy ý nghĩa biểu trưng cho tang chế, cái chết và thống hối.

 

Sang thế kỷ thứ X, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo. Sang thế kỷ thứ XI, chính Ðức Giáo Hoàng làm phép tro, trước đó chỉ xức cho giáo dân, nay bỏ tro trên hết mọi người, và kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhặm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đến nhà thờ, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài “Chúng ta hãy thay đổi đời sống, xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵn sàng tha thứ mọi tội khiên” (Immutemur, xc. Ge 2, 13).

 

Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước Thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa.

 

Tóm lại, Lễ Tro có nghi thức làm phép tro và xức tro là dịp để chúng ta suy nghĩ về bụi tro, cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng, nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Tuesday, March 1, 2022


 

Hạnh Các Thánh

01/03/2022

Ngày 1 Tháng 03

Thánh Ðavít (k. 589)

 

Ðavít là thánh quan thầy của xứ Wales và có lẽ là vị thánh nổi tiếng nhất nước Anh. Nhưng không may, chúng ta không biết nhiều về người.

 

Ðược biết người là một linh mục, tham dự trong công cuộc truyền giáo và sáng lập nhiều đan viện, kể cả đan viện chính của người ở phía nam xứ Wales. Có nhiều truyền thuyết kể về người và các đan sĩ. Các đấng sống rất khắc khổ. Họ làm việc trong im lặng và cầy cấy bằng chân tay mà không dùng đến sức loài vật. Thực phẩm của các đấng chỉ giới hạn là bánh mì, rau trái và nước lạnh.

 

Vào khoảng năm 550, thánh nhân tham dự một thượng hội đồng ở Brevi thuộc Cardiganshire. Sự đóng góp của người trong thượng hội đồng được coi là chủ yếu và các giáo sĩ đã chọn người làm giáo chủ của Giáo Hội Cambrian. Người ta nói người được tấn phong tổng giám mục bởi vị thượng phụ của Giêrusalem trong một chuyến hành hương Ðất Thánh. Người cũng được cho là đã triệu tập một công đồng để chấm dứt vết tích của lạc giáo Pelagiô (*). Thánh Ðavít từ trần ở tu viện của người ở Menevia khoảng 589. Việc sùng kính người được Ðức Giáo Hoàng Callistus II chấp thuận vào năm 1120. Người được tôn kính là vị quan thầy của xứ Wales.

 

Thánh Ðavít thường được vẽ đứng trên một gò đất với chim bồ câu ở trên vai. Truyền thuyết nói rằng có lần người đang rao giảng thì một con bồ câu đáp xuống đậu trên vai người, và mặt đất chỗ người đứng dâng lên cao để mọi người có thể nghe người giảng dạy. Trong thời kỳ tiền-Cải Cách, trên 50 nhà thờ ở South Wales được xây dựng để kính người.

 

(*) Pelagiô là một tu sĩ thuộc thế kỷ thứ năm, chủ trương rằng tự do ý muốn của con người là yếu tố quyết định về sự trọn lành của mỗi một người, và ông cho rằng con người không cần ơn của Thiên Chúa để được cứu rỗi.

Monday, February 28, 2022

 

Hạnh Các Thánh

28/02/2022

Ngày 28 tháng 2    

Thánh Grêgôriô II
    (c. 731)

 

    Sinh ở Rôma, ngay từ khi còn trẻ Grêgôriô đã dính dáng đến công việc của Giáo Hội. Chính Thánh Giáo Hoàng Sergius I là người nhận thấy những đức tính cao quý nơi người trẻ tuổi này và đã tấn phong Grêgôriô làm trợ phó tế. Ngài phục vụ liên tiếp dưới bốn triều đại giáo hoàng với chức vụ thủ quỹ, và sau đó là quản thủ thư viện. Ngài được giao cho các nhiệm vụ quan trọng và tháp tùng Ðức Giáo Hoàng Constantine đến Constantinople để phản đối Hoàng Ðế Justinian II về các nghị định chống lại tây phương của Công Ðồng Trullan II (692). Sau khi Ðức Constantine từ trần, Grêgôriô được chọn làm giáo hoàng và được tấn phong năm 715.

 

    St. Gregory II Ðức Grêgôriô làm giáo hoàng trong 15 năm. Trong thời gian này, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm, ngăn chặn lạc giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý. Ngài tái xây dựng một phần lớn các tường thành Rôma để bảo vệ thành phố này chống với các cuộc tấn công của quân Lombard. Ngài tái thiết nhiều nhà thờ, và đặc biệt rất quan tâm đến người đau yếu và người già. Ðan viện thật lớn gần nhà thờ Thánh Phaolô đã được tái thiết, cũng như tu viện của Monte Cassino mà quân Lombard đã phá hủy cách đó 150 năm. Ngài tấn phong Thánh Boniface và Thánh Corbinian làm giám mục để đi truyền giáo cho các sắc dân ở Ðức. Và cũng như Ðức Grêgôriô I, ngài biến dinh thự của gia đình ngài thành một đan viện.

 

    Chính trong những cuộc thương thuyết với Hoàng Ðế Lêô III mà người ta mới thấy sức mạnh tinh thần cũng như sự kiên nhẫn của Ðức Grêgôriô. Hoàng Ðế Lêô đòi phải tiêu hủy tất cả các ảnh tượng thánh, và trừng phạt những ai không tuân lệnh. Khi các giám mục không thuyết phục được hoàng đế về sự sai lầm của ông, họ thỉnh cầu đến giáo hoàng. Một đàng, Ðức Grêgôriô cố gắng thay đổi ý nghĩ của hoàng đế. Ðàng khác, ngài khuyên dân chúng trung thành với hoàng tử, luôn luôn khuyến khích các giám mục chống với tà thuyết.

 

    Ðức Grêgôriô II từ trần năm 731.

 

 

    Trích từ NguoiTinHuu.com

Sunday, February 27, 2022

LỜI CHÚA HÔM NAY

 Chúa Nhật Thứ 8 Thường Niên Năm C

 Ngày  27 Tháng 02 Năm 2022

      Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.                   

- LK 6:39-45



     Jesus told his disciples a parable, ‘Can a blind person guide a blind person?  Will not both fall into a pit?  No disciple is superior to the teacher; but when fully trained, every disciple will be like his teacher.    

-LK 6:39-45

 

 

Lời Mời Ơn Gọi. Đức Giê-su dẫn tới nơi chúng ta cần tới.  Đừng nhắm mắt, bị tai, hoặc khóa  lòng anh em trước hoạch đinh của Đức Giê-su cho đời sống của anh em.

     Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời 

    Dòng Nữ Tôi Tớ Chúa Thánh Thần

     Hãy Gọi 1-800-553-3321



A Call To Vocation:  Jesus leads where we need to go.  Do not close your eyes, your ears or your heart to Jesus plan for your life.

 Divine Word Missionaries and

 Sister Servants of  The Holy Spirit

  Call  1-800-553-3321

 

 

 

Trách Nhiệm Thứ 4 Lễ Tro 02/03/2022 Năm C

* Giúp Lễ: Jacqueline Trần, Justin Trần, Joe Trần,

      và Đinh Diễm.

* B. Đọc I:  C. Tâm Long    * Đáp Ca:   Ca Đoàn

* B. Đọc II: A. Thành P. Nguyễn

* LN Giáo Dân & Dâng Của Lễ:  Khu 4

* Sóc Rỗ: Nhóm 3 * TTVThánhThể:  Thiện Nguyện

 

 

Trách Nhiệm Chúa Nhật Thứ 8 Thường Niên

          Ngày 06 tháng 03 năm 2022 Năm C

* Giúp Lễ: Nguyễn Long, Nguyễn Lam, Jonathan

và Đinh Diễm.

* Đọc Thông Báo:  A. Nguyễn P. Thành

* B. Đọc I:  A. Lương Xuyến .  * Đáp Ca:   Ca Đoàn

* B. Đọc II: C. An Di

* LN Giáo Dân & Dâng Của Lễ:  Khu 2

* Sóc Rỗ:  Nhóm 1.* TTVThánhThể, Thiện Nguyện

 

 

Cầu Nguyện Cho Những Người Cao Niên Và Những Người Đau Yếu Trong Cộng Đoàn. Võ Kiếm, Bà Chu Sử,  Bà Thuận (Mẹ chị Lan+Tùng), Ông Bà Diệm, Bà Phong, Ông Bà Phạm Nhân. Bà Cố Rật, Ông Bà Khải.  Ông Nguyễn Văn Tâm, Bà Viêm, Bà Nguyễn Hường, Vợ Ông Sinh, Bs Bùi Hải và Cha Cố Thomas Vũ Thái. 

 

 

Tin Đoàn Thiếu Nhi Cộng Đoàn. Trong Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng tại Troy Bang Missouri từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 8, 2022, 3 em thuộc Đoàn nhà  đã tham dự được đễ trở thành Huynh Trưởng.  Trong Nghi Thức Tuyên Hứa Trao Khăn Huynh Trưởng vào cuối thánh lễ Chúa nhật hôm nay, 3 em được thăng cấp Huynh Trưởng chính thức có tên như sau: 1) Theresa Phan Thị Thúy Phương, 2) Anna Đào Nguyễn Teena, 3)Anna Phan Thị Thanh Phương.  Xin Chúa chúc lành cho các Trưởng mới làm tông đồ cho giới thiếu nhi.

 

 

Tin Hội Các Bà Me.  Mời Các Bà Mẹ Công Giáo trong Hội thuộc Cộng Đoàn tới tham dự buỗi họp đông đủ ngay sau Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay ngày 27/2/2022 tại phòng Hầm Trường La Vang.

 

 

Hãy Cầu Nguyện Cho Hòa Bình.  Trong ánh sáng của những trường hợp hiện tại, Đức TGM Schnurr đã cho phép Làm Lễ cầu cho Các Nhu Cầu  và Những Hoàn Cành Biến Đổi “Cho Hòa Bình Và Công Lý”  được cử hành vào Chúa Nhật  ngày 27 tháng 2, 2022 cùng với các bài đọc trong ngày.  Thánh Lễ này cũng được dùng cho bất cứ những ngày khác trong tuần trước Thứ Tư Lễ Tro. Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con!

 

 

Thứ Tư Lễ Tro. Ngày 2 tháng 3 xắp tới.  Đó là ngày Ăn Chay và Kiêng Thịt .  Theo luật Hội Thánh (97,1252) mọi người từ 14 tuổi trở nên buộc kiêng thịt.  Từ 18 tới 59 tuôi buộc ăn chay. Có Thánh Lễ Tro vào lúc 7:30 pm/ tối.  Chúng ta hãy đền tham dự. Nhớ Ăn chay và cầu nguyện xám hối để chuẩn bị cử hành Tuần Thánh và Mừng Lễ Phục Sinh Chúa sắp tới.

 

 

Giờ Chầu Thánh Thể Cộng Đoàn Đầu Tháng 3, 2022. Chúng ta hãy tới tham dự.

-  Thứ 5 đầu tháng ngày 3/3/2022 lúc 8:00pm/tối tới 8:30pm/ tối.

-  Thứ 6 Đầu Tháng ngày 4/3/2022 từ 8:00pm/ tối tới 11:00pm / tối.

- Chúa Nhật đầu tháng ngày 6/3/2022 từ 10:20 am/ sáng tới 10:50am / sáng.

 

 

Hãy Cầu Nguyện Cho Các Anh Chị Em Dự Tòng Năm Nay 2022.  Hàng năm có hàng ngàn người Dự Tòng trở thành người Công Giáo.  Riêng Cộng đoàn chúng ta có 2 người danh tánh như sau:  Chị Lê Thanh Liễu và Anh Trần Thanh Minh.  Chúng ta hãy nhớ các anh chị em này trong kinh nguyện hàng ngày của gia đình chúng ta. Trong Thánh Lễ Chúa Nhật ngày 6/3/2022, Hai người chị em này sẽ được giới thiệu trước Cộng đoàn trong thánh lễ vối nghi thức Người Được Sai Đi.  Sau Thánh Lễ họ sẽ cùng với cha mẹ đỡ đầu lên Vương Cung Thánh Đường Thánh Peter in Chains Nhỏ để tham dự nghi thức cầu nguyện Những người được tuyển Chọn và Tiếp Tục Xám Hối vào lúc 3:00 pm / trưa bởi TGM Dennis Schnurr.

    

 

Ủng Hộ Hứa Đóng Góp Mục Vụ Công Giáo (Catholic Ministry Appeal).  Mọi ủng hộ ít nhiều đều giúp ích cho mọi người đang cần đến. nhờ bởi sự đóng góp của chúng ta.  Cuối nhà thờ có Thư CMA với Phiếu Đóng góp cho những hộ / gia đình   không có nhận được Thơ Đóng Góp từ Văn Phòng TGP nhưng muốn đóng góp.  Chúng ta có thể gửi thơ thẳng về địa chỉ của CMA hoặc đem theo khi đi lễ bỏ vào trong rỏ sóc rổ trong mỗi Thánh lễ Chúa nhật hay gởi về Địa chỉ Nhà Xứ chúng ta. Hãy vào thăm mạng CatholicAOC. org/CMA. Cám ơn.

 

 

Tin Từ CMA.  Hiện tại có 7 Gia đình/Hộ trong Cộng đoàn tham gia đóng góp cho Chương Trình CMA là $1,120.  Tổng số Cộng đoàn chúng ta  cần phải đóng góp ít nhất $5025 cho quỹ CMA năm nay. Xin Chúa chúc lành cho các gia đình cộng tác vào chương trình chứng nhân CMA.

 

 

Chúc Lành Ngân Khánh Hôn Nhân.  Các đôi vợ chồng sẽ mừng Ngân khánh 25,40,50,60,65,70 hoặc 75 năm hôn nhân vào năm này 2022 sẽ nhận được Văn Bằng Chúc Lành Ngân Khánh Hôn Nhân bởi Đức TGM Schnurr chúng ta.  Những cặp riêng rẻ có thể xin rên online hay  gọi Cô Ana Ramirez (513) 263-3384.  Cặp Vợ Chồng nào muốn nhận, hãy gọi cho Cha Quản Nhiệm biết tin trước tháng Bảy, 2022.

 

 

Tin Văn Phóng Tông Giáo Phận Cincinnati.  Theo Đèn Hải Đăng Chiếu Sáng (Beacon of Light) cho biết nhiều Giáo Xứ Mỹ đươc kết hợp nên một được gọi là Các Gia Đình Của Nhiều Giáo Xứ (Families of Parishes).  Những Giáo Xứ này sẽ được trông coi bởi 2 hay 3 linh mục tùy theo Bài Sai của Tổng Giám Mục.  Nhiều năm qua, TGP Cincinnati đã học để đi đến quyết định này bởi vì thiếu Linh Mục.  Công đoàn Đức Mẹ La Vang tại Cincinnati và Cộng Đoàn Thánh Tâm Dayton không bị ảnh hưởng bởi quyết định này.

 

 

Báo Cáo Tài Chánh CN 20/ 2/ 2022

+ Xóc Rổ:                                  $ 1,642

+ Bổng Lễ:                                $  451

+ Bán thực phầm 6/2/2022:     $ 786

+ Bánh Tết+Chưng 6/2/2022:  $ 210

+ Bán thực phẩm 13/2/2022:   $ 890

 

 

Hạnh Các Thánh

27/02/2022

   27 Tháng Hai
    Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi (c. 1862)

 

    Phanxicô, sinh trưởng trong một gia đình có đến 12 người con, và ngài mồ côi mẹ khi mới bốn tuổi. Phanxicô được các cha dòng Tên dạy dỗ, và sau hai lần thoát khỏi bệnh nặng, anh tin rằng Thiên Chúa kêu gọi anh vào đời sống tu trì. Tuy nhiên, ước ao gia nhập dòng Tên của anh bị từ chối, có lẽ vì tuổi còn nhỏ, lúc ấy anh chưa đến 17 tuổi. Sau cái chết của người chị vì bệnh dịch tả, quyết tâm đi tu của anh lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và anh được các cha dòng Passionist chấp nhận. Khi bắt đầu cuộc sống đệ tử, Phanxicô lấy tên là Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi.

 

    Là một con người luôn luôn bình dị và vui tươi, không bao lâu Gabrien đã tập được cho mình một đức tính: trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé. Anh khiến mọi người ngạc nhiên về tinh thần cầu nguyện của anh cũng như việc yêu thương người nghèo, quan tâm đến người khác, tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt và hãm mình phạt xác -- luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.

 

    Cha bề trên rất kỳ vọng nơi Gabrien khi anh đang chuẩn bị cho đời sống linh mục, nhưng chỉ sau bốn năm tu tập, các triệu chứng của bệnh lao bắt đầu xuất hiện. Luôn luôn vâng lời, anh kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và những hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi, không muốn được lưu ý cách đặc biệt. Anh từ trần cách êm ái vào ngày 27 tháng Hai 1862, khi mới 24 tuổi, sau khi sống gương mẫu cho mọi người.

 

    Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi được phong thánh năm 1920.

    

    Trích từ NguoiTinHuu.com