Saturday, September 10, 2022

 


Hạnh Các Thánh

11/09/2022

11 Tháng Chín
Thánh Cyprian

 

Thánh Cyprian góp phần quan trọng trong sự phát triển tư duy và tập tục Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, nhất là ở bắc Phi Châu.

 

 Là một người được giáo dục rất kỹ lưỡng và có tài hùng biện, ngài trở lại Kitô Giáo khi đã trưởng thành. Ngài phân phát tài sản cho người nghèo, và trước khi chịu Rửa Tội ngài đã làm mọi người kinh ngạc khi thề giữ đức khiết tịnh. Trong vòng hai năm ngài được thụ phong linh mục và được chọn làm Giám Mục Carthage (gần Tunis bây giờ), trái với ý của ngài.

 

Thánh Cyprian than phiền rằng sự ổn định mà Giáo Hội đang được hưởng đã làm suy nhược tinh thần của nhiều Kitô Hữu, và đã mở cửa cho những người trở lại đạo mà không thực sự có đức tin. Khi cuộc bắt đạo dưới thời hoàng đế Decian bắt đầu, nhiều Kitô Hữu đã bỏ Giáo Hội cách dễ dàng. Chính sự kiện tái nhập đạo (sau khi từ chối đức tin) đã khuấy động nhiều tranh luận trong thế kỷ thứ ba, và đã giúp Giáo Hội hiểu biết hơn về Bí Tích Hòa Giải. Novatus, một linh mục từng chống đối việc tuyển chọn Cyprian làm giám mục, đã tự tấn phong y làm giám mục khi Cyprian vắng mặt và tiếp nhận tất cả những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Hiển nhiên Novatus bị lên án. Cyprian có lập trường trung dung, ngài chủ trương rằng những người đã thực sự thờ tà thần thì chỉ được rước Mình Thánh khi sắp chết, trong khi những ai chỉ mua giấy xác nhận rằng họ đã thờ tà thần thì có thể được tiếp nhận lại sau một thời gian đền tội. Tuy nhiên lập trường này đã được nới lỏng trong thời kỳ bắt đạo sau này.

 

Khi thành phố Carthage bị bệnh dịch, Ðức Cyprian khuyến khích người Kitô giúp đỡ mọi người khác, kể cả những kẻ thù nghịch và bắt đạo.

 

Là bạn thân của Ðức Giáo Hoàng Cornelius, Ðức Cyprian chống đối vị giáo hoàng kế tiếp là Stephen. Ðức Cyprian và các giám mục Phi Châu khác không công nhận giá trị của bí tích Rửa Tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành. Ðây không phải là quan điểm chung của Giáo Hội, nhưng Ðức Cyprian không nao núng ngay cả khi Ðức Giáo Hoàng Stephen dọa tuyệt thông.

 

Ngài bị lưu đầy bởi lệnh của hoàng đế và sau đó được gọi về để xét xử. Ngài từ chối không chịu rời thành phố, nhất quyết để người dân chứng kiến việc tử đạo của ngài.

 

Ðức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từ và can đảm, của hăng hái và điềm tĩnh. Ngài vui vẻ nhưng nghiêm nghị nên dân chúng không biết là nên quý mến hay tôn trọng ngài hơn. Ngài nóng nẩy trong cuộc tranh luận về bí tích rửa tội; nhưng ngài đã suy nghĩ lại, vì đó chính là lúc ngài viết luận thuyết về sự kiên nhẫn. Thánh Augustine nhận xét rằng Ðức Cyprian đã đền tội nóng nẩy của ngài bằng sự tử đạo.

 

Lời Bàn

 

Những tương tranh về bí tích Rửa Tội và Hòa Giải trong thế kỷ thứ ba cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi không có những giải pháp có sẵn xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Các vị lãnh đạo và giáo dân thời ấy đã phải đau khổ tiến dần qua các giai đoạn phán đoán tốt nhất mà họ có thể thi hành, để theo sát lời giảng dạy của Ðức Kitô mà không bị thiên lệch bên này hay bên kia.

 

Lời Trích

 

"Bạn không thể coi Thiên Chúa như người Cha của bạn nếu bạn không coi Giáo Hội như người mẹ của bạn& Thiên Chúa là một và Ðức Kitô là một, và Giáo Hội của Người là một; chỉ có một đức tin, và mọi người gắn bó với nhau là một qua sự hài hòa trong một thân thể được kết hợp chắc chắn& Nếu chúng ta là người thừa kế của Ðức Kitô, hãy kết hợp trong sự bình an của Ðức Kitô; nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy trở nên người yêu chuộng hòa bình"(Thánh Cyprian, Sự Hợp Nhất của Giáo Hội Công Giáo).

 


Trích NguoiTinHuu.com

Friday, September 9, 2022

 


Hạnh Các Thánh

10/09/2022

10 Tháng Chín
Thánh Tôma ở Villanova
(1488-1555)

 

Thánh Tôma sinh ở Castile Tây Ban Nha, và tên Villanova là thành phố nơi ngài lớn lên. Ngài được giáo dục rất chu đáo ở Ðại Học Alcala và trở nên một giáo sư triết của đại học này.

 

Sau khi gia nhập dòng Augustine ở Salamanca ngài được thụ phong linh mục và tiếp tục dạy học, mặc dù ngài hay đãng trí và kém trí nhớ. Ngài làm tu viện trưởng và bề trên tỉnh dòng, và là người đầu tiên gửi các cha Augustine đến Tân Thế Giới. Ngài được hoàng đế đề nghị làm tổng giám mục ở Granada, nhưng ngài từ chối. Và khi tòa giám mục trống ngôi thì ngài lại bị áp lực phải chấp nhận. Số tiền ngài được hưởng để sắm sửa cho tòa giám mục thì ngài đã tặng cho một bệnh viện. Ngài giải thích "Khi dùng tiền cho người nghèo ở bệnh viện thì đó là việc phục vụ Chúa tốt đẹp hơn. Một tu sĩ khó nghèo như tôi thì muốn bàn ghế để làm gì?"

 

Ngài vẫn mặc các bộ quần áo từ khi còn là đệ tử sinh, mà chính tay ngài khâu vá lại. Các giáo sĩ và người trong dòng xấu hổ vì ngài, nhưng họ không thể thuyết phục ngài thay đổi. Mỗi sáng có đến vài trăm người nghèo đến nhà ngài để được ăn uống và được cho tiền. Khi người ta chỉ trích là ngài bị lợi dụng, ngài trả lời, "Nếu có những người không chịu làm việc thì đó là phần của chính phủ và cảnh sát phải đối phó. Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ và an ủi những người đến với tôi." Ngài nhận nuôi các trẻ mồ côi và ngài thưởng tiền cho những ai đem các trẻ về cho ngài. Ngài khuyến khích những người giầu có hãy bắt chước ngài để trở nên giầu lòng thương xót và bác ái hơn là giầu của cải trần gian.

 

Ngài thường bị chỉ trích là không khắt khe và không mau chóng trừng phạt những kẻ có tội, ngài nói, "Hãy để họ (người chỉ trích) tìm hiểu xem Thánh Augustine và Thánh Gioan Kim Khẩu có rút phép thông công hay ra vạ tuyệt thông để ngăn chặn những người say sưa và phạm thượng, là những người mà các ngài đang săn sóc không."

 

Khi ngài sắp chết, Thánh Tôma ra lệnh lấy tất cả tiền của ngài có mà phân phát cho người nghèo. Các vật dụng của ngài thì được tặng cho văn phòng hiệu trưởng trường cũ của ngài. Thánh Lễ được cử hành và sau khi Truyền Phép, ngài thở hơi cuối cùng với những lời: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa."

 

Ngay khi còn sống Thánh Tôma Villanova đã được gọi là "người bố thí" và "cha của người nghèo." Ngài được phong thánh năm 1658.

Ngài được phong thánh năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.

 

Trích NguoiTinHuu.com

Thursday, September 8, 2022

 

Hạnh Các Thánh

09/09/2022

9 Tháng Chín
Thánh Phêrô Claver
(1581-1654)

 

L à người gốc Tây Ban Nha, Phêrô Claver -- một người trẻ thuộc dòng Tên -- đã từ bỏ quê nhà vĩnh viễn vào năm 1610 để trở nên nhà truyền giáo ở Tân Thế Giới. Ngài đi thuyền đến Cartagena (bây giờ thuộc Colombia), là một hải cảng sầm uất ở bờ biển Caribbean. Ngài thụ phong linh mục ở đây vào năm 1615.

 

Vào lúc đó, việc buôn bán nô lệ đã được thịnh hành ở Mỹ Châu khoảng 100 năm, và Cartagena là trung tâm. Hàng năm, có đến mười ngàn người nô lệ từ Tây Phi Châu đổ về hải cảng này sau khi vượt biển Atlantic trong những điều kiện tệ hại và bất nhân đến nỗi có đến một phần ba đã chết trong cuộc hành trình. Mặc dù việc buôn bán nô lệ bị Ðức Giáo Hoàng Phaolô III lên án và sau này Ðức Piô IX gọi là "hành động vô cùng ghê tởm", nhưng nó vẫn phát đạt.

 

Cha Alfonso de Sandoval, là một linh mục dòng Tên đã hy sinh cuộc đời để phục vụ người nô lệ ở đây trước khi Cha Phêrô Claver đến để tiếp tục công việc của ngài, và cha tự nhận mình là "người nô lệ muôn đời của người da đen."

 

Ngay sau khi thuyền chở người nô lệ cập bến, Cha Phêrô Claver đi xuống khoang thuyền hôi hám để giúp đỡ những người đau yếu và những hành khách khốn cùng. Sau khi người nô lệ bị lùa ra khỏi tầu và bị xích với nhau như đàn vật trong một khu đất có hàng rào để người ta chọn lựa, Cha Claver lại lẩn quẩn trong bọn họ để cung cấp thuốc men, thực phẩm, rượu, chanh và thuốc lá. Với sự giúp đỡ của thông dịch viên, ngài nói về giáo lý căn bản và đảm bảo các anh chị em của ngài về nhân phẩm và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trong 40 năm phục vụ, Cha Claver đã giảng dạy và rửa tội cho khoảng 300,000 người nô lệ.

 

Sứ vụ tông đồ của ngài không chỉ hạn hẹp trong việc săn sóc người nô lệ, ngài trở nên một người có uy quyền về luân lý, quả thật, ngài là tông đồ của Cartagena. Ngài rao giảng trong trung tâm thành phố, truyền giáo cho các thủy thủ và thương gia, và nếu có thể, ngài cố tránh né lòng quý mến của các nông gia và chủ nhân mà chỉ muốn sống trong các khu dành riêng cho người nô lệ.

 

Sau bốn năm bị bệnh khiến thánh nhân ngừng hoạt động và hầu như bị lãng quên, ngài chết ngày 8-9-1654. Ông toà của thành phố, trước đây rất khó chịu vì sự quan tâm của ngài đối với người da đen thấp hèn, đã ra lệnh chôn cất ngài với công quỹ và với nghi thức long trọng.

 

Ngài được phong thánh năm 1888, và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên xưng ngài là quan thầy công việc truyền giáo cho người nô lệ da đen ở khắp nơi trên thế giới.

 

Lời Bàn

 

Quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã thể hiện trong hành động đáng khâm phục của Cha Phêrô Claver. Quyết định từ bỏ quê nhà không bao giờ trở lại cho thấy một ý chí phi thường thật khó cho người thời nay tưởng tượng nổi. Quyết tâm phục vụ những người bị bạc đãi, thấp hèn nhất trong xã hội là một hành động cực kỳ anh hùng của Thánh Phêrô Claver. Khi so sánh cuộc đời chúng ta với cuộc đời của một người như vậy, chúng ta mới thấy sự ích kỷ và sự hẹp hòi của chúng ta trước những nhu cầu của người khác, và chúng ta cần mở lòng ra cho sự tác động của quyền năng vô cùng của Thần Khí Ðức Giêsu.

 

Lời Trích

 

Thánh Phêrô Claver hiểu rằng việc phục vụ cụ thể như phân phát thuốc men, thực phẩm cho anh chị em da đen thì cũng hữu hiệu để loan truyền lời Chúa như rao giảng bằng lời nói. Như Thánh Phêrô Claver thường nói, "Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta."

 


Trích NguoiTinHuu.com

 

Hạnh Các Thánh

08/09/2022

8 Tháng Chín

Sinh Nhật Ðức Trinh Nữ Maria

 

Giáo Hội mừng kính ngày sinh nhật Ðức Maria từ thế kỷ thứ sáu. Ngày sinh nhật được chọn trong tháng Chín vì Giáo Hội Ðông Phương bắt đầu niên lịch phụng vụ từ tháng Chín. Ngày mùng tám là vì lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngày 8 tháng Mười Hai (chín tháng trước).

 

Kinh Thánh không đề cập gì đến việc sinh hạ Ðức Maria. Tuy nhiên, bản văn mà người ta cho là phúc âm nguyên thủy của Thánh Giacôbê có đề cập đến sự kiện này. Bản văn này không có giá trị lịch sử, nhưng nó cho thấy quá trình sùng đạo của Kitô Hữu. Theo bản văn, bà Anna và ông Gioankim vì hiếm muộn nên cầu xin cho được một đứa con. Họ được hứa cho một người con mà trẻ này sẽ giúp hình thành kế hoạch cứu chuộc trần gian của Thiên Chúa. Câu truyện trên (cũng như nhiều câu truyện khác trong phúc âm) cho thấy sự hiện diện quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời Ðức Maria ngay từ đầu.

 

Thánh Augustine nối kết việc sinh hạ của Ðức Maria với công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu. Thánh nhân nói trái đất hãy vui mừng và bừng sáng vì việc sinh hạ Ðức Maria. "Ngài là bông hoa trong cánh đồng mà từ đó đã nẩy sinh hoa huệ quý nhất vùng châu thổ. Qua sự sinh hạ của ngài, bản chất mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ đã thay đổi."

 

Lời Bàn

 

Chúng ta có thể xem việc sinh hạ của mỗi một người là lời mời gọi đem hy vọng đến cho thế gian. Qua tình yêu, hai cha mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa trong công việc sáng tạo. Họ có thể đem lại hy vọng cho một thế giới lao nhọc. Vì mỗi một đứa con đều có thể trở nên máng chuyển tình yêu và bình an của Thiên Chúa đến cho thế giới.

 

Ðiều này thật đúng với Ðức Maria. Nếu Ðức Giêsu là sự biểu lộ tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa thì Ðức Maria là điềm báo của tình yêu ấy. Nếu Ðức Giêsu đã hoàn tất công trình cứu chuộc thì Ðức Maria là bình minh hé mở của công trình ấy.

 

Việc mừng sinh nhật đem lại niềm vui cho chính cá nhân cũng như gia đình, bạn hữu. Ngoài việc giáng trần của Ðức Giêsu, việc sinh hạ Ðức Maria đã đem lại niềm vui lớn lao nhất cho nhân trần. Mỗi khi chúng ta cử mừng sinh nhật của ngài, chúng ta có thể hy vọng chắc chắn là sự bình an trong tâm hồn chúng ta và trong thế giới sẽ gia tăng.

 

Lời Trích

 

"Ngày hôm nay bà Anna hiếm muộn vỗ tay reo mừng, trái đất bừng sáng, các vua hát mừng, các tư tế hân hoan chúc lành, toàn thể vũ trụ vui mừng, vì ngài là hoàng hậu và là nàng dâu tinh khiết của Chúa Cha đã nẩy sinh từ gốc Jesse" (phỏng theo Kinh Nhật Tụng của Ðông Phương).

 


Trích NguoiTinHuu.com

Tuesday, September 6, 2022

 

Hạnh Các Thánh

07/09/2022

7 Tháng Chín
Chân Phước Frederick Ozanam
(1813 -1853)

 

Vì tin tưởng ở giá trị vô cùng của mỗi một con người, Frederick đã phục vụ người nghèo ở Balê và đã lôi cuốn những người khác phục vụ người nghèo trên thế giới. Qua tổ chức St. Vincent de Paul, công việc của Chân Phước Frederick còn tiếp tục cho đến ngày nay.

 

Frederick là con thứ năm trong 14 người con của ông bà Jean và Marie Ozanam, và là một trong ba người còn sống cho đến tuổi trưởng thành. Khi là thiếu niên, anh nghi ngờ tôn giáo của mình. Việc đọc sách thánh và cầu nguyện dường như không giúp ích gì, nhưng sau những lần thảo luận với Cha Noirot của Ðại Học Lyons đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

 

Frederick muốn học về văn chương, mặc dù cha anh, một bác sĩ, muốn anh trở thành một luật sư. Frederick vâng theo ý cha và năm 1831 anh đến Balê học luật tại đại học Sorbonne. Khi một vài giáo sư chế nhạo giáo huấn Công Giáo trong các bài giảng, Frederick lên tiếng bảo vệ Giáo Hội.

 

Một câu lạc bộ về biện luận do Frederick thành lập đã thay đổi hướng đi cuộc đời anh. Trong câu lạc bộ này, người Công Giáo, người vô thần và người chủ trương bất-khả-tri tranh luận về những vấn đề xảy ra hàng ngày. Có một lần, sau khi Frederick nói về vai trò của Kitô Giáo trong nền văn minh, một hội viên lên tiếng: "Này ông Ozanam, chúng ta hãy thành thật với nhau và hãy thiết thực. Tôi hỏi ông, ngoài việc thảo luận ông còn làm gì để chứng tỏ đức tin của ông?"

 

Frederick đau điếng bởi câu hỏi ấy. Sau đó anh quyết tâm rằng lời nói phải đi đôi với hành động. Và cùng với một người bạn, anh đến thăm những người nghèo ở chung cư Balê và giúp đỡ bất cứ gì họ có thể. Không bao lâu một nhóm người thiện chí nhằm giúp đỡ những ai có nhu cầu được thành lập dưới sự bảo trợ của tổ chức St. Vincent de Paul do Frederick đứng đầu.

 

Nghĩ rằng đức tin Công Giáo cần phải được một nhà thuyết giảng nổi tiếng giải thích các giáo huấn, Frederick nài nỉ Ðức Tổng Giám Mục Balê chỉ định Cha Lacordaire, nhà thuyết giảng đại tài của Pháp thời ấy, đến giảng trong Tuần Thánh ở Vương Cung Thánh Ðường Notre Dame. Người ta tham dự rất đông và từ đó trở đi đã trở thành một truyền thống hàng năm ở Balê.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne, Frederick dạy luật tại Ðại Học Lyons. Ngài cũng đậu bằng tiến sĩ văn chương. Sau đó, vào ngày 23-6-1841, ngài kết hôn với Amelie Soulacroix, và trở về Sorbonne dạy văn chương. Là một giảng viên đáng kính nể, Frederick đã đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Trong khi đó, tổ chức St. Vincent de Paul lan tràn khắp Âu Châu. Riêng ở Balê có tới 25 chi nhánh.

 

Vào năm 1846, Frederick, Amelie và cô con gái Marie đến nước Ý; ở đây Frederick hy vọng sẽ phục hồi sức khỏe yếu kém của mình. Và họ đã trở lại Ý vào năm sau đó. Cuộc cách mạng 1848 đã khiến nhiều người ở Balê cần đến sự giúp đỡ của tổ chức St. Vincent de Paul. Số người thất nghiệp lên đến 275,000. Chính phủ yêu cầu Frederick và các cộng tác viên của ngài trông coi tổ chức giúp đỡ người nghèo của chính phủ. Các hội viên St. Vincent de Paul ở khắp Âu Châu tuốn đến Balê để giúp đỡ.

 

Sau đó Frederick thành lập tờ báo, Thời Ðại Mới, để bảo vệ sự công chính cho người nghèo và giới lao động. Nhiều người Công Giáo không vui với những bài viết của Frederick. Cho rằng người nghèo là "tư tế của dân tộc," Frederick nói rằng sự đói khát và mồ hôi của người nghèo tạo thành một hy lễ có thể đền bù tội lỗi nhân loại.

 

Vào năm 1852, sức khỏe yếu kém buộc Frederick phải trở về Ý với vợ và cô con gái. Ngài từ trần ngày 8-9-1853. Trong tang lễ của Frederick, Cha Lacordaire mô tả ngài như "một trong những tạo vật được đặc ân trực tiếp xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa, mà trong con người ấy Thiên Chúa đã nối kết sự nhạy cảm với kỳ tài để khích động thế giới."

 

Frederick được phong chân phước năm 1997. Vì ngài có viết một tuyệt tác nhan đề Thơ Thánh Phanxicô Trong Thế Kỷ 13, và vì cảm nhận của ngài về phẩm giá của người nghèo rất gần với tư tưởng của Thánh Phanxicô, nên thật thích hợp để coi ngài là một trong những "vĩ nhân" của dòng Phanxicô.

 

Lời Bàn

 

"Ai chế nhạo người nghèo là xúc phạm đến Thiên Chúa"(Cách Ngôn 17:5). Frederick Ozanam không bao giờ coi thường người nghèo trong bất cứ sự phục vụ nào mà ngài có thể thi hành. Ðối với ngài, mỗi một người, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ em đều thật đáng quý. Sự phục vụ người nghèo đã dạy cho Frederick những điều về Thiên Chúa mà ngài không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác.

 

Lời Trích

 

Giáo sư Bailly, giám đốc linh hướng cho chi nhánh đầu tiên của tổ chức St. Vincent de Paul, nói với Frederick và các cộng sự viên về đức ái, "Cũng như Thánh Vinh Sơn, các bạn cũng sẽ nhận ra rằng người nghèo giúp các bạn nhiều hơn là các bạn giúp họ."

 


Trích NguoiTinHuu.com

Monday, September 5, 2022

 

Hạnh Các Thánh

05/09/2022

Ngày 5 Tháng 9
Tôi Tớ Thiên Chúa Anacleto Gonzales

(1890 - 1927)


 

Khi là sinh viên luật trong thời kỳ Công Giáo bị bách hại ở Mễ Tây Cơ, Anacleto Gonzales cảm thấy cần phải đương đầu với các giáo sư vô tôn giáo, và vì thế anh đã quy tụ các sinh viên Công Giáo trong một tổ chức với mục đích bảo vệ Giáo Hội. Chính anh gia nhập dòng Ba Phanxicô. Tin tưởng ở sức mạnh của báo chí, anh sáng lập tờ tuần báo lấy tên Word (Lời), và thường xuyên viết bài cho các tờ báo Công Giáo khác. Anh cũng sáng lập tờ tuần báo thứ hai lấy tên Sword (Kiếm). Nhiều lần nhà cầm quyền đã bịt miệng anh bằng cách tống giam. Nhưng anh lại dùng năng lực của mình trong việc rao giảng Tin Mừng cho các bạn đồng tù.

 

Sau cùng nhà cầm quyền quyết định dùng Anacleto như một tấm gương để cảnh cáo. Vì anh từ chối không chịu tiết lộ nơi trú ẩn của đức tổng giám mục, anh bị treo lên cao, bị đánh bằng roi và bị rạch bằng dao. Anacleto vẫn giữ im lặng, và anh nói với một tên lý hình, "Tôi hoạt động một cách vô vị lợi để bảo vệ chính nghĩa là Ðức Kitô và Giáo Hội. Anh giết tôi, nhưng chính nghĩa ấy sẽ không chết với tôi. Tôi sẽ ra đi, nhưng tôi tin chắc rằng từ thiên đàng tôi sẽ nhìn ngắm sự chiến thắng của đạo trên quê hương tôi."

 

Anacleto bị một lưỡi lê đâm xuyên qua người và sau cùng anh từ trần vì hàng loạt viên đạn bắn vào thân thể. Ðó là ngày 1 tháng Tư, 1927. Anh để lại một vợ và hai con nhỏ.

 

Ðám tang của anh tạo nên một sức sống đức tin mãnh liệt nơi các tín hữu với những tiếng hô to "Viva Christo Rey!" (Vạn tuế Vua Kitô!), tất cả là nhờ sự hy sinh của một giáo dân đã sống và chết vì nước trời.

 


Trích NguoiTinHuu.com