Saturday, November 25, 2023

 26 Tháng Mười Một

Thánh Leonard ở Cảng Maurice
(1676-1751)

 

Thánh Leonard, người được Thánh Alphonsus Liguori gọi là "nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 18", cũng là một tu sĩ Phanxicô cố gắng đến truyền giáo ở Trung Cộng nhưng thất bại, và ngài đã thành công lớn trong một số công việc khác. Cha của Leonard là một thuyền trưởng mà gia đình sinh sống ở cảng Maurice nằm về phía đông bắc của bờ biển nước Ý. Vào lúc 13 tuổi, Leonard đến Rôma sống với người chú là Agostino và học tại trường Roman College. Leonard là một sinh viên giỏi mà cha mẹ muốn ngài theo đuổi ngành y khoa. Tuy nhiên, vào năm 1697, ngài gia nhập dòng Phanxicô, trái với sự chống đối quyết liệt của người chú. Sau khi thụ phong linh mục, Leonard bị mắc bệnh lao và được gửi về nhà để tĩnh dưỡng hoặc chờ chết. Ngài hứa rằng nếu được khỏi bệnh ngài sẽ tận hiến cho việc truyền giáo và hoán cải kẻ tội lỗi. Không bao lâu, ngài được lành bệnh và bắt đầu quãng đời 40 năm tận tụy rao giảng trong các cuộc tĩnh tâm, trong mùa Chay và trong các cuộc canh tân giáo xứ (tuần đại phúc) trên toàn nước Ý. Cuộc tĩnh tâm thường kéo dài từ 15 đến 18 ngày và ngài thường ở lại thêm một tuần nữa để giải tội. Sau những lần tổ chức tĩnh tâm, để duy trì lòng đạo đức sốt sắng của giáo dân, Cha Leonard thường cổ võ việc Ngắm Ðàng Thánh Giá, mà thời ấy rất ít người tham dự. Ngài cũng thường rao giảng về Thánh Danh Giêsu. Cha Leonard được phong thánh vào năm 1867; vào năm 1923, ngài được đặt làm quan thầy cho những ai chuyên đi giảng về tuần đại phúc.

 

Lời Bàn

 

Sự thành công của một người đến rao giảng trong buổi tĩnh tâm thì tùy thuộc vào lòng nhiệt thành của họ có bền bỉ với thời gian hay không. Ðiều khác biệt là sự hoán cải của người tham dự. Ðối với Thánh Leonard, việc Ngắm Ðàng Thánh Giá và xưng tội thường xuyên sẽ giúp giáo dân giữ được lòng đạo đức mà ngài đã khơi dậy qua lời rao giảng. Lần sau cùng bạn Ngắm Ðàng Thánh Giá là khi nào?

 

Lời Trích

 

Có lần Thánh Leonard nói, "Nếu vào lúc tôi chết, Thiên Chúa khiển trách tôi vì quá nhân từ với kẻ tội lỗi, tôi sẽ thưa, 'Lạy Chúa Giêsu, nếu nhân từ với kẻ tội lỗi là một sai lầm thì đó là sự sai lầm con học được từ Ngài, vì Chúa không bao giờ khiển trách bất cứ ai đến với Ngài để xin được thương xót" (Trích trong cuốn Thánh Leonard ở Cảng Maurice, t. 9, của Leonard Foley, O.F.M.).



Trích từ NguoiTinHuu.com

 25 Tháng Mười Một

Thánh Columban
(543? - 615)

 

Thánh Columban là nhà truyền giáo nổi tiếng người Ái Nhĩ Lan, hoạt động ở Âu Châu. Khi còn là thanh niên, ngài bị đau khổ dữ dội vì sự cám dỗ của xác thịt, ngài phải xin sự cố vấn của một bà đạo đức sống ẩn tu lâu năm. Qua lời khuyên bảo của bà, ngài nhìn thấy ơn gọi của mình. Ðầu tiên ngài là một tu sĩ trên đảo Lough Erne, sau đó ngài theo học tại tu viện Bangor.

 

Sau nhiều năm sống tách biệt để cầu nguyện, ngài đến xứ Gaul (nước Pháp bây giờ) để truyền giáo cùng với 12 người bạn. Các ngài được dân chúng quý trọng vì sự hăng say rao giảng, làm việc tông đồ, và luôn tuân giữ lời khấn bác ái, trong khi tu sĩ thời ấy thì lười biếng và dân chúng luôn luôn xung đột. Thánh Columban thiết lập vài tu viện ở Âu Châu mà sau này trở thành các trung tâm tôn giáo và văn hóa.

 

Như mọi vị thánh khác, ngài cũng bị chống đối. Cuối cùng ngài phải cầu khẩn đến đức giáo hoàng để chống với cáo buộc của các giám mục người Pháp, nhằm minh xác điều ngài giảng dạy là chân thật và chấp thuận các tục lệ của Ái Nhĩ Lan. Ngài khiển trách nhà vua về đời sống dâm loạn của ông dù đã thành hôn. Do đó, thánh nhân đã bị trục xuất trở về Ái Nhĩ Lan. Vì bão lớn, tầu của ngài bị mắc cạn, và ngài lại tiếp tục công việc truyền giáo ở Âu Châu, sau cùng ngài đến nước Ý, là nơi ngài được tiếp đón ân cần bởi ông vua của người Lombard. Trong những năm cuối đời, ngài thiết lập một tu viện nổi tiếng ở Bobbio, và cũng là nơi ngài từ trần. Các văn tự ngài để lại gồm một luận án về sự ăn năn sám hối và các văn bản chống với bè rối Arian, các bài giảng, thi ca và quy luật tu viện.

 

Lời Bàn

 

Sự phóng túng tình dục ngày nay đã đến mức quá độ, chúng ta cần nhớ đến gương mẫu sống động của những thanh niên sống khiết tịnh như Thánh Columban. Và cuộc sống an nhàn của thế giới Tây Phương ngày nay trái ngược với hình ảnh bi thảm của hàng triệu người đang chết đói, chúng ta phải chịu khó sống khắc khổ và có kỷ luật như các tu sĩ Ái Nhĩ Lan. Chúng ta cho rằng, họ quá nghiêm khắc, họ đi quá xa. Nhưng chúng ta sẽ đi được tới đâu?

 

Lời Trích

 

Trong thư gửi cho đức giáo hoàng nói về sự tương tranh ở Lombardy, Thánh Columban viết: "Chúng con là người Ái Nhĩ Lan, sống ở bên kia quả địa cầu, là những người theo Thánh Phêrô và Phao-lô và các môn đệ đã viết ra những quy tắc thiêng liêng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con không chấp nhận những gì khác hơn là giáo huấn và truyền thống tông đồ này... Con thú nhận là con rất đau lòng vì điều tiếng xấu về ngai tòa Thánh Phêrô ở quốc gia này... Mặc dù Rôma thật xa cách, nhưng chúng con rất tôn trọng chỉ vì ngai tòa này... Xin Ðức Thánh Cha hãy để ý đến sự bình an của Giáo Hội, xin ngài đứng giữa đàn chiên và bầy sói."



Trích từ NguoiTinHuu.com

Thursday, November 23, 2023

 24 Tháng Mười Một

Thánh Anrê Dũng Lạc và Các Bạn

 

Thánh Anrê Dũng Lạc là một trong 117 vị tử đạo ở Việt Nam trong những năm từ 1820 đến 1862. Các ngài được phong chân phước làm bốn đợt, từ 1900 đến 1951. Sau cùng, các ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1988.

 

Kitô Giáo được người Bồ Ðào Nha đưa vào Việt Nam qua ba triều đại. Vào năm 1615, các linh mục dòng Tên mở khu hội truyền giáo đầu tiên ở Ðà Nẵng. Ở đây các cha coi sóc các người Công Giáo Nhật Bản bị tống ra khỏi nước.

 

Vua chúa thời ấy cấm các nhà truyền giáo ngoại quốc không được du nhập vào Việt Nam và họ dụ dỗ người Việt chối đạo bằng cách bước qua thập giá. Giống như thời kỳ cấm đạo ở bên Anh, các linh mục ở Việt Nam cũng phải trốn tránh trong nhà của giáo dân.

 

Có đến ba lần bắt đạo cực kỳ khủng khiếp trong thế kỷ 19. Kể từ năm 1820, trong sáu thập niên, có khoảng 100,000 đến 300,000 người Công Giáo đã bị giết hoặc bi đầy ải. Trong đợt bách hại đầu tiên các nhà truyền giáo ngoại quốc gồm các linh mục của Tu Hội Thừa Sai Ba Lê, cũng như các linh mục Ða Minh người Tây Ban Nha và các người dòng ba.

 

Vào năm 1847 xảy ra cuộc bách hại lần thứ hai, khi nhà vua nghi ngờ các vị thừa sai và giáo dân Việt Nam đồng loã với lực lượng phản loạn để giết các con trai của vua.

 

Các vị tử đạo sau cùng là 17 giáo dân, trong đó có một em 9 tuổi, được tử đạo năm 1862. Chính năm đó một hiệp ước được Việt Nam ký kết với Pháp nhằm đảm bảo sự tự do tôn giáo cho người dân, nhưng hiệp ước đó không được tôn trọng.

 

Vào năm 1954, có khoảng một triệu rưỡi người Công Giáo -- khoảng bảy phần trăm dân số -- sống ở miền Bắc. Người Phật Giáo chiếm khoảng 60 phần trăm dân số. Vỉ sự tàn ác của chế độ cộng sản, 670,000 người Công Giáo đã từ bỏ đất đai, nhà cửa và tài sản để di cư vào miền Nam. Sau cuộc chiến Việt Nam, vào năm 1975 cộng sản đã làm chủ toàn thể lãnh thổ quốc gia này.

 

Lời Bàn

 

Lịch sử tử đạo của dân tộc Việt giúp cho những ai chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến giữa tự do và cộng sản thấy rằng, ngay tự xa xưa, thập giá đã là một phần của đời sống người Việt. Trong khi lý do của sự can thiệp hoặc bỏ rơi của Hoa Kỳ vào vấn đề Việt Nam chưa được giải đáp thỏa đáng, thì chính đức tin Kitô Giáo từng ăn sâu vào lòng đất Việt đã chứng tỏ sự can trường hơn bất cứ sức lực nào muốn tiêu diệt đức tin ấy.

 

Lời Trích

 

"Giáo Hội Việt Nam thì sống động và đầy sinh lực, với nhiều giám mục trung tín và hăng hái, và nhiều giáo dân tận tụy và can đảm& Giáo Hội Việt Nam đang sống phúc âm trong một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp với một sức mạnh đáng kể" (nhận định của ba vị tổng giám mục Hoa Kỳ sau chuyến thăm viếng Việt Nam vào tháng Giêng 1989).



Trích từ NguoiTinHuu.com

Wednesday, November 22, 2023

 23 Tháng Mười Một

Thánh Giáo Hoàng Clement I
(c. 101)

 

Ðức Clement của giáo phận Rôma là người thứ ba kế vị Thánh Phêrô, và cai quản Giáo Hội trong thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Lịch sử cho chúng ta biết ngài tử đạo năm 101. Tuy nhiên, chi tiết về sự tử đạo của ngài đều là truyền thuyết, được góp nhặt trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Có lẽ Ðền Thánh Clement ở Rôma, là một trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này, được xây trên khu đất xưa là nơi cư ngụ của Thánh Clement. Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho giáo đoàn Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi trong thời tiên khởi. Ðó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Ðức Clement, gửi cho Giáo Hội ở Côrintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ. Ðức Clement phàn nàn về sự chia rẽ trái phép và vô lý ấy trong Giáo Hội Côrintô, và ngài khuyên hãy đoàn kết lại. Ngài coi lý do của sự tranh chấp ấy là vì "đố kỵ và ganh ghét."

 

Lời Bàn

 

Ðức Clement đã chủ trương dùng đức ái để hàn gắn chia cắt trong Giáo Hội Côrintô, vì "nếu không có đức ái, không có gì làm hài lòng Thiên Chúa." Sau Công Ðồng Vatican II, toàn thể Giáo Hội cảm nhận được sự tách biệt giữa mới và cũ. Cầu mong sao mọi Kitô Hữu ngày nay hãy nhớ đến sự cổ vũ của Thánh Clement mà thể hiện lời Thánh Phao-lô: "Và trên tất cả những điều ấy hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện" (Colossê 3:14).

 

Lời Trích

 

"Ðức ái kết hợp chúng ta với Thiên Chúa& Trong đức ái không có gì là xấu hổ, không có gì là ngạo mạn. Ðức ái không đi với ly giáo, không nổi loạn, nhưng hài hòa mọi sự. Trong đức ái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ trở nên tuyệt hảo" (Thư Thứ Nhất Gửi Giáo Ðoàn Corinto).



Trích từ NguoiTinHuu.com

Tuesday, November 21, 2023

 22 Tháng Mười Một

Thánh Cecilia
(Thế kỷ III)

 

Mặc dù Thánh Cecilia là vị tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm 545.

 

 Theo truyền thuyết, Cecilia là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh nữ nói với đức lang quân, "Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh phải hứa đừng nói với ai." Và khi ông hứa, ngài nói: "Có một thiên thần luôn trông chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến." Ông nói, "Em yêu dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần ấy," và ngài trả lời, "Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên Chúa, và được rửa tội."

 

Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào phòng và ông ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông hoa.

 

Khi ông này được kể cho biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em ông tận tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị chém đầu.

 

Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius nghe biết điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu tuôn đổ. Ðám đông đổ xô đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.

 

Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.

 

Lời Bàn

 

Như bất cứ Kitô Hữu tốt lành nào khác, Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác. Trong thời đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại những lời của Công Ðồng Vatican II dưới đây.

 

Lời Trích

 

"Hành động phụng vụ thêm cao quý khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ giúp của các thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn... Phải luôn luôn khuyến khích các ca đoàn, nhưng các giám mục và cha sở phải để ý rằng, bất cứ lúc nào phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn phải có thể góp phần tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ... Bình ca phải có vị trí xứng đáng trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác. Nhưng điều đó không có nghĩa gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa âm điệu... Thánh ca dành cho giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc phụng tự và nghi lễ, họ có thể cùng góp tiếng hát" (Sắc Lệnh Về Phụng Vụ, 112-118).



Trích từ NguoiTinHuu.com

Monday, November 20, 2023

 21/11/2023

Ngày 21/11

Lễ Dâng Ðức Maria Vào Ðền Thánh

 

Ngày lễ dâng Ðức Maria được cử hành ở Giêrusalem từ thế kỷ thứ sáu, và một nhà thờ được xây cất ở đây để kính nhớ. Giáo Hội Ðông Phương rất tha thiết với ngày lễ này, trong khi Giáo Hội Tây Phương chỉ mừng lễ này vào thế kỷ 11. Sau đó, có quãng thời gian không thấy ngày lễ này trong niên lịch phụng vụ, và mãi cho đến thế kỷ 16, lễ này mới được chính thức đưa vào lịch Giáo Hội.

 

Như sự sinh hạ của Ðức Maria, chúng ta biết về việc dâng Ðức Maria vào đền thờ cũng qua các văn bản được gọi là ngụy thư. Trong một văn bản không có giá trị lịch sử là Tiền Tin Mừng Giacôbê cho chúng ta biết, khi Ðức Maria lên ba tuổi, Thánh Anna và Thánh Gioankim đã lên Ðền Thánh để dâng người cho Thiên Chúa. Ðiều này được thực hiện là vì một lời hứa với Thiên Chúa của Thánh Anna khi người còn hiếm muộn.

 

Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Ðức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng. Ngày lễ này được coi như tiếp nối lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội và lễ sinh nhật của Ðức Maria. Nó nói lên sự thánh thiện được trao ban cho Ðức Maria từ lúc lọt lòng, qua thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.

 

Lời Bàn

Ðôi khi thật khó để người Tây Phương quý trọng ngày lễ này. Tuy nhiên, Giáo Hội Ðông Phương thật dễ đón nhận ngày lễ này và có lúc còn bó buộc phải cử mừng. Mặc dù ngày lễ không có căn bản lịch sử, nó nói lên một chân lý về Ðức Maria: Ngay từ lúc đầu đời, người đã được dâng hiến cho Thiên Chúa. Chính người trở nên một đền thờ cao trọng hơn bất cứ đền thờ nào khác do tay con người làm ra. Thiên Chúa đã đến ngự trong bản thân người qua một phương cách kỳ diệu, và thánh hóa người vì vai trò độc đáo của người trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ðồng thời, sự tráng lệ của Ðức Maria lại ảnh hưởng đến con cái của người. Họ cũng là những đền thờ của Thiên Chúa và được thánh hóa để có thể vui hưởng và chia sẻ trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Sunday, November 19, 2023

 20 Tháng Mười Một

Thánh Bernward

 

Thánh Bernward sinh trong một gia đình thuộc sắc tộc Saxon, và được người chú là Ðức Giám Mục Volkmar của Utretch nuôi dưỡng khi ngài mồ côi cha mẹ từ nhỏ.

 

Ngài theo học trường địa phận ở Heidelburg và ở Mainz, là nơi ngài được thụ phong linh mục năm 987. Sau đó ngài làm tuyên uý cho hoàng tộc và là thầy giáo tư cho các con của hoàng đế Otto III.

 

Năm 993 ngài được chọn làm giám mục của Hildesheim, và đã xây dựng một tu viện và nhà thờ Thánh Micae ở đây. Ngài đặc biệt yêu chuộng kiến trúc, nghệ thuật và đã hoàn thành một vài tác phẩm đáng kể. Trong nhiều năm, ngài bất đồng ý kiến với Ðức Tổng Giám Mục Willigis của Mainz về các quyền giám mục đối với tu viện Gandersheim, nhưng sau đó Rôma đã tán thành ý kiến của ngài.

 

Trong những năm cuối đời, ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức và từ trần ngày 20 tháng 11. Ngài được phong thánh năm 1193.



Trích từ NguoiTinHuu.com