Saturday, October 15, 2022

 

Hạnh Các Thánh

16/10/2022

16 tháng 10

Thánh Marguerite d'Youville
(1701-1771)

 

Chúng ta có thể học cách thương người khi để đời sống chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những người đầy lòng nhân hậu, bởi nhìn vào đời sống qua quan điểm của họ và suy nghĩ lại những gì chúng ta coi là giá trị.

 

 Sinh ở Varennes, Gia Nã Ðại, cô Marie Marguerite Dufrost de Lajemmerais phải thôi học vào lúc 12 tuổi để giúp đỡ người mẹ goá. Tám năm sau cô kết hôn với Francois d'Youville; họ có sáu người con, trong đó bốn người chết khi còn nhỏ. Mặc dù chồng bà thích cờ bạc và buôn bán rượu lậu cho người thổ dân Mỹ Châu và đối xử với bà cách tàn tệ, bà Marguerite vẫn chăm sóc chồng với lòng thương mến trong hai năm trước khi ông từ trần vào năm 1730.

 

Dù phải chăm sóc hai con nhỏ và trông coi tiệm tạp hóa để trả nợ cho chồng, bà Marguerite vẫn thường giúp đỡ người nghèo. Khi các con đã khôn lớn, bà và một vài người bạn đã cứu nguy cho một bệnh viện ở Quebec đang trên đà suy sụp. Bà đặt tên cho cộng đoàn của bà là Các Nữ Tu Bác Ái ở Montréal; dân chúng gọi họ là các "Nữ Tu Áo Xám" vì y phục họ mặc. Vào lúc ấy, những người nghèo ở Montréal thường nói với nhau, "Ðến với các Nữ Tu Áo Xám; họ không bao giờ bị từ chối giúp đỡ." Cho đến lúc bấy giờ, năm cộng đoàn tôn giáo khác được bắt nguồn từ các Nữ Tu Áo Xám.

 

Bệnh Viện Công ở Montréal trở nên Hotel Dieu (Nhà Chúa) và đã đề ra một quy tắc về chăm sóc y tế và lòng nhân hậu Kitô Giáo. Khi bệnh viện bị hỏa hoạn vào năm 1766, bà Marguerite đã quỳ trên đám tro tàn, xướng bài Te Deum ca ngợi sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và bắt đầu xây dựng lại. Bà đã chống trả với mưu toan của chính phủ nhằm giới hạn công việc bác ái của bà cũng như thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu.

 

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã phong chân phước cho bà Marguerite vào năm 1959, và gọi bà là "Người Mẹ của Hội Từ Thiện Chung". Bà được phong thánh năm 1990.

 

Lời Bàn

 

Các thánh thường phải đương đầu với nhiều sự nản lòng, nhiều lý do để nói rằng "đời thật bất công" và tự hỏi xem Thiên Chúa ở đâu trong những vụn vỡ của cuộc đời. Chúng ta vinh danh các thánh như Marguerite vì họ cho chúng ta thấy, với ơn sủng của Thiên Chúa và sự cộng tác của họ, sự đau khổ có thể đưa đến lòng nhân hậu thay vì sự cay đắng.

 

Lời Trích

"Không chỉ một lần, công việc mà Thánh Marguerite thể hiện đã bị cản trở bởi thiên nhiên hay con người. Ðể có thể hoạt động nhằm đem lại một thế giới công chính và gần gũi hơn, thánh nữ đã phải đấu tranh trong nhiều cuộc chiến nặng nề và khó khăn" (Ðức Gioan Phaolô II, bài giảng lễ phong thánh).

 

 

VÀI HÀNG TIỂU SỬ VỀ THÁNH GIÊRAÐÔ MAJELLA

Thánh Giêrađô Majella sinh ngày 6/4/1726 và qua đời ngày 16/10/1755 vì bệnh lao phổi. Đức Giáo Hoàng Piô X đã phong thánh cho Ngài vào ngày 11/12/1904. Là một người ốm yếu và mồ côi cha lúc 12 tuổi, Giêrađô phải bỏ học để làm thợ may giúp đỡ gia đình.

 

Khi thành niên, ngài xin đi tu nhưng đi đâu cũng không được nhận vì các nhà dòng cho rằng ngài quá xanh xao gầy yếu. Ngài cũng thử đi tu rừng cùng với một người bạn, bắt đầu sống khổ hạnh, ăn cỏ và quả cây rừng nhưng không kéo dài được bao lâu. Tuy vậy Ngài vẫn không nản chí và cuối cùng được nhận vào Dòng Chúa Cứu Thế và trở thành Tu sĩ. Ngài luôn luôn chứng tỏ một đức tin mạnh mẽ tuyệt vời, sáng suốt, sống động cùng với lòng mến yêu Thiên Chúa nồng nàn. Ngài cũng có lòng yêu mến những người nghèo khó một cách nhiệt thành. Ngài năng hãm mình, phạt xác, luôn luôn cầu nguyện và sống theo Lời Chúa dậy: Mến Chúa hết lòng, hết sức lực, hết trí khôn. Lòng mến đó của Ngài đã được thể hiện qua lối sống khiêm nhường, chịu đựng những đau khổ, sự hành hạ của bạn bè. Ngài chỉ sống theo ơn Chúa soi sáng thúc bách để cuộc đời của Ngài hòa nhập vào đời sống Chúa Kitô.

 

Thiên Chúa đã ban cho Ngài thực hiện nhiều những phép lạ ngay cả khi Ngài còn sống để qua đó người Kitô hữu tăng thêm lòng tin vào Thiên Chúa. Ngài được Giáo hội tôn phong hiển thánh năm 1904 và lòng tôn sùng Thánh Nhân như là quan thày của các bà mẹ đang mang thai rất phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Canada.

 

BÁNH THÁNH GIÊRAÐÔ

 

Gốc tích Bánh Thánh Giêrađô là do lòng bác ái của Ngài đối với người nghèo, thường ngày phát bánh cho họ trước cửa nhà dòng. Một hôm, sau khi phát bánh xong, hai cô gái nghèo con của ông bà Laurentiô Miniellô đến xin. Bánh đã phát hết. Thánh nhân suy nghĩ chốc lát, đoạn vào nhà dòng, rồi quay trở lại liền với hai ổ bánh thật thơm ngon còn nóng hổi, như vừa lấy trong lò ra, nhưng hình dạng khác hẳn các bánh khác. Mọi người đều sửng sốt. Những người chứng kiến chỉ thấy Ngài bước chân vào cửa rồi bước ra, chẳng sờ tới một vật gì trong nhà cả. Mà thật sự lò bánh nhà dòng đã tắt lửa từ lâu.

 

Một phép lạ tương tự khác cũng đã xảy ra cho một người nghèo tuy có địa vị nhưng nghèo đói. Ông nghèo, nhưng lại xấu hổ, không dám đến gần xin. Khi thánh nhân phát bánh xong, người ta mới lưu ý Ngài về trường hợp ông. Ngài nói: "Tôi rất tiếc. Ông đến trễ quá!" Nhưng rồi Ngài tiếp liền: "Xin đợi cho một chút". Ngài trở vào nhà, rồi trở lại liền với một ổ bánh còn nóng bọc trong vạt áo choàng của Ngài. Bánh đó bởi đâu mà đến, trong khi lò nhà dòng đã tắt nguội từ lâu? Phép lạ rõ ràng.

 

Bánh Thánh Giêrađô còn nhắc lại những chiếc bánh lạ của Giêrađô khi còn nhỏ thỉnh thoảng mang về nhà. Mẹ hỏi thì cậu bé trả lời: "Một em nhỏ dễ thương, con của một bà sang trọng cho con." Rồi một hôm, hai mẹ con đến viếng tượng Ðức Mẹ ở Capotignado, Giêrađô nói với mẹ: "Ðây là Bà sang trọng hay cho con bánh." Lúc đó mẹ Giêrađô mới hiểu ra: Con của Bà sang trọng là Chúa Hài Ðồng.

 

Hằng năm lễ kính Thánh Giêrađô  vào ngày 16 tháng 10.

 

 

 

16 Tháng Mười

Thánh Hedwig
(1174-1243)

 

 

Rất ít người nhận thức được rằng họ có thể sử dụng của cải và quyền thế ở trần gian một cách khôn ngoan. Hedwig là một trong những người đó.

 

Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Bavaria năm 1174. Ngài là con gái của Công Tước xứ Croatia. Năm 1186, ngài được cha mẹ cho lập gia đình sớm với Henry I, Công Tước xứ Silesia và Poland, và được bảy người con. Qua sự thuyết phục và nỗ lực của ngài, nhiều tu viện dành cho các tu sĩ nam nữ được thành lập ở Silesia. Nhiều bệnh viện cũng được hình thành, trong đó một bệnh viện được dành riêng cho người phong cùi. Trong thời kỳ xáo trộn vì tranh dành quyền thế, ngài là người góp phần kiến tạo hòa bình cho các phần đất ở chung quanh. Tuy nhiên, ngài thật đau khổ vì không thể can gián được cuộc chiến ác liệt của chính hai con mình, vì chúng không hài lòng với phần chia gia tài mà Henry đã sắp đặt.

 

Sau khi sinh hạ người con thứ bảy, ngài và người chồng thề sống tiết dục, ngài sống cuộc đời còn lại trong một tu viện ở Trebnitz, là nơi ngài góp phần trong việc điều khiển cộng đoàn, dù ngài không phải là một thành viên chính thức của tu hội. Ngài từ trần năm 1243.

 

Lời Bàn

Bất cứ của cải nào chúng ta có được thì không chỉ dành cho nhu cầu và sự thụ hưởng riêng của cá nhân chúng ta, nhưng cũng được dùng để giúp đỡ người khác. Và dù của cải được sử dụng thế nào đi nữa, chúng phải giúp chúng ta thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa, chứ không cản trở. Thực sự thì của cải thế gian không thể nào đi ngược với tình yêu Thiên Chúa, nhưng là chứng cớ của tình yêu ấy; tuy nhiên, rất có thể vì quá yêu chuộng của cải nên chúng ta quên đi Ðấng đã ban phát của cải này.

 

Lời Trích

Vào lúc cuối đời, Thánh Hedwig đã hy sinh ước muốn trở nên một tu sĩ để ngài có thể dùng của cải để giúp đỡ người nghèo. Với chính bản thân, ngài chọn sự khó nghèo, từ chối những phương tiện được dành cho ngài, ngay cả những vật dụng căn bản như giầy ấm mùa đông. Ngài mặc áo tu sĩ và sống đời tu trì, nhưng không từ bỏ quyền sở hữu tài sản vì muốn dùng của cải để giúp đỡ người nghèo. Ngài đã sống trọn vẹn cuộc đời một Kitô Hữu và sử dụng tài sản của ngài để giúp người khác nhận biết và quý trọng đời sống tâm linh trong ơn sủng của Thiên Chúa.

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

Friday, October 14, 2022

 

Hạnh Các Thánh

15/10/2022

15 tháng 10

Thánh Têrêsa Avila
(1515-1582)

 

"Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.

 

 Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.

 

Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới "trọng nam khinh nữ" vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.

 

Têrêsa là một phụ nữ "vì Chúa", một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.

 

Têrêsa cũng là một phụ nữ "vì tha nhân." Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu -- luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.

 

Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.

 

Lời Bàn

 

Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.

 

Lời Trích

 

Thánh Têrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: "Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết." Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: "Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài nếu chúng con hiểu được giá trị của nó."

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

Thursday, October 13, 2022

 

Hạnh Các Thánh

14/10/2022

14 tháng 10

Thánh Giáo Hoàng Callistus I
(c. 223?)

 

Chúng ta có được những dữ kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus, vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo. Nguyên tắc phủ định được áp dụng: Nếu Callistus có làm điều gì sái quấy, chắc chắn Hippolytus sẽ nhắc đến.

 

Callistus là một nô lệ trong đám gia nhân của triều đình Rôma. Ðược giao cho công việc giữ tiền của chủ, ngài đánh mất tiền, bỏ trốn và bị bắt. Sau khi phục dịch một thời gian, ngài được thả ra để tìm lại số tiền. Vì quá hăng say, ngài lại bị bắt vì cãi nhau trong đền thờ người Do Thái. Lần này ngài bị đầy đi làm hầm mỏ ở Sardinia. Sau đó ngài được thả về nhờ sự can thiệp của bà vợ bé của hoàng đế, và sống ở Anzio.

 

Sau đó ngài được giao cho công việc quản lý nghĩa trang của người Kitô ở Rôma, có lẽ đây là phần đất đầu tiên do Giáo Hội làm chủ. Ðức giáo hoàng phong cho ngài làm phó tế, coi ngài là bạn và là người cố vấn.

 

Về sau chính ngài được bầu làm giáo hoàng với đa số phiếu của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Rôma, và do đó bị tấn công bởi Hippolytus, người thất cử, là người tự đặt mình là giáo hoàng đối lập đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Sự phân ly này kéo dài 18 năm.

 

Hippolytus được kính trọng như một vị thánh. Ngài bị lưu đầy trong thời kỳ cấm cách năm 235, và đã hòa giải với Giáo Hội. Ngài chết vì sự tra tấn ở Sardinia. Hippolytus tấn công Callistus về hai điểm -- học thuyết và kỷ luật. Dường như Hippolytus đã quá đáng khi phân biệt giữa Chúa Cha và Chúa Con (hầu như hai chúa), có lẽ vì ngôn ngữ thần học thời ấy chưa được rõ ràng. Ngài cũng kết án Callistus là quá khoan dung, vì những lý do có thể khiến chúng ta ngạc nhiên: (1) Callistus cho phép những người đã công khai sám hối về tội giết người, dâm dục và ngoại tình được Rước Lễ; (2) ngài hợp thức hóa hôn nhân giữa người nô lệ và người tự do -- trái với luật Rôma; (3) ngài cho phép truyền chức cho các ông đã lập gia đình hai hay ba lần; (4) ngài chủ trương tội trọng không phải là lý do đầy đủ để cách chức một giám mục; (5) ngài chủ trương chính sách khoan dung đối với những người đã từng chối đạo trong thời kỳ bách hại.

 

Ðức Callistus bị tử đạo trong cuộc nổi loạn ở Trastevere, Rôma, và là vị giáo hoàng đầu tiên (ngoại trừ Thánh Phêrô) được coi là tử đạo trong danh sách tử đạo tiên khởi của Giáo Hội.

 

Lời Bàn

Ðời sống của thánh nhân cho thấy con đường lịch sử của Giáo Hội, cũng như của một tình yêu chân chính, không bao giờ êm ả. Giáo Hội đã và đang phải trải qua những phấn đấu cam go để xác định các mầu nhiệm đức tin trong một từ ngữ, mà tối thiểu, phân biệt được với sự sai lầm. Về phương diện kỷ luật, Giáo Hội phải giữ được lòng thương xót của Ðức Kitô đối với sự khắt khe, trong khi vẫn giữ được lý tưởng phúc âm khi nói đến sự sám hối và kỷ luật tự giác. Mỗi một giáo hoàng -- đúng hơn mỗi một Kitô Hữu -- phải đi trên con đường khó khăn giữa sự khoan hồng "hợp lý" và sự nghiêm khắc "vừa phải".

 

Lời Trích

Ðức Giê-su nói về những người thời ấy, "giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ nói với nhau, 'Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không than khóc'. Vì ông Gio-an [Tẩy Giả] đến, không ăn không uống, thì chúng bảo: 'Ông ta bị quỷ ám'. Con Người đến, ăn uống như mọi người, thì chúng lại bảo: 'Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.'" (Matthew 11:16b-19a).

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

 

Hạnh Các Thánh

13/10/2022

13 tháng 10

Thánh Margaret Mary Alacoque
(1647-1690)

Thánh Margaret Mary được Chúa chọn để dấy động trong Giáo Hội một nhận thức về tình yêu Thiên Chúa được biểu tượng qua trái tim Chúa Giêsu.

 

 Ngài sinh trưởng ở L'Hautecour, Burgundy, nước Pháp. Sau khi cha chết vào lúc tám tuổi, ngài được gửi vào trường Nữ Tu Thánh Clara Khó Nghèo ở Charolles. Ngài phải nằm liệt giường vì bệnh thấp khớp cho đến năm mười lăm tuổi, và lúc ấy ngài đã có lòng sùng kính Thánh Thể đặc biệt.

 

Ngài từ chối việc lập gia đình và gia nhập dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial và khấn trọn vào năm tiếp đó. Một nữ tu dòng Thăm Viếng "không cần phải trở nên phi thường," nhưng người nữ tu trẻ tuổi này thật khác lạ. Một chị đệ tử sinh (thích chỉ trích) cũng phải công nhận Margaret là người khiêm tốn, đơn sơ và thành thật, nhưng trên tất cả Margaret hiền lành và kiên nhẫn khi bị sửa sai và chỉ trích.

 

Khi hai mươi tuổi, ngài được thị kiến Ðức Kitô, và từ ngày 27 tháng Mười Hai 1673, cho đến một năm rưỡi sau đó, ngài nhận được một chuỗi những thụ khải. Qua đó, Ðức Kitô cho biết thánh nữ được chọn là khí cụ của Người để lan truyền việc sùng kính Thánh Tâm Chúa, và qua tình yêu của chính mình, thánh nữ sẽ đền bù cho sự lạnh nhạt và vô ơn của thế gian -- qua sự thường xuyên và quý trọng việc Rước Lễ, nhất là trong các thứ Sáu đầu tháng, và qua một giờ cầu nguyện mỗi tối thứ Năm để tưởng nhớ sự thống khổ và cô đơn của Chúa khi trong vườn Cây Dầu. Chúa cũng yêu cầu thiết lập một ngày lễ để kính Thánh Tâm Chúa.

 

Như tất cả các thánh khác, Margaret đã phải trả giá cho sự thánh thiện của mình. Một số các sơ trong dòng chống đối ra mặt. Các thần học gia được triệu tập để tuyên bố những gì ngài được thụ khải chỉ là ảo tưởng và họ đề nghị ngài ăn uống điều độ hơn. Sau này một cha giải tội của nhà dòng, Chân Phước Claude de la Colombiere, dòng Tên, nhận ra giá trị thực của điều thụ khải và đã hỗ trợ ngài. Bất kể sự chống đối mãnh liệt, Ðức Kitô kêu gọi ngài hãy hy sinh để đền bù cho những thiếu sót của các sơ trong dòng, và để sứ điệp của Chúa được lan rộng.

 

Cho đến năm 1683, sự chống đối chấm dứt khi Mẹ Melin được chọn làm Bề Trên và bổ nhiệm Sơ Margaret Mary làm phụ tá. Sau này sơ làm Giám Ðốc Ðệ Tử Viện, và được mục kích lễ Thánh Tâm Chúa được nhà dòng cử mừng một cách riêng tư vào năm 1686, và hai năm sau, một nhà nguyện được xây cất ở Paray-le-Monial để kính Thánh Tâm Chúa.

Sơ Margaret Mary từ trần ngày 17-10 và được phong thánh năm 1920. Chính ngài cũng như Thánh Gioan Eudes và Chân Phước Claude La Colombiere được gọi là "Các Thánh của Thánh Tâm"; bảy mươi lăm năm sau, năm 1765, việc sùng kính Thánh Tâm được chính thức công nhận và được chấp thuận bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII.

 

Lời Bàn

Thời đại vật chất-khoa học của chúng ta không thể "chứng minh" những thụ khải riêng tư. Các thần học gia, nếu bị ép buộc, cũng xác nhận là chúng ta không phải tin vào điều thụ khải. Nhưng không thể khước từ sứ điệp mà Thánh Margaret Mary đã loan báo: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu nồng nàn. Thánh nữ luôn nhấn mạnh đến việc đền bù qua sự cầu nguyện, và nhắc đến sự phán xét sau cùng. Những điều ấy đủ để xoá tan tính cách dị đoan và hời hợt của việc sùng kính Thánh Tâm trong khi vẫn duy trì được ý nghĩa sâu xa của Kitô Giáo.

 

Lời Trích

Ðức Kitô nói với Thánh Margaret Mary: "Ðây là Trái Tim đã quá yêu thế gian đến nỗi không còn giữ lại chút gì, cho đến khi kiệt quệ và héo hon, để chứng minh tình yêu của trái tim Thầy. Ðền đáp lại, Thầy chỉ nhận được sự vô ơn bạc nghĩa, qua sự bất kính và phạm thượng của chúng, và qua sự lạnh nhạt và khinh miệt của chúng trong bí tích tình yêu này... Thầy đến trong trái tim mà Thầy đã ban cho con để qua sự nhiệt thành của con, con sẽ đền bù cho những xúc phạm đến Thầy vì những tâm hồn thờ ơ và lười biếng đã làm ô danh Thầy trong Bí Tích Thánh Thể" (lần thụ khải thứ ba).

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

 

Tuesday, October 11, 2022

 

Hạnh Các Thánh

12/10/2022

12 tháng 10

Thánh Seraphin ở Montegranaro
(1540-1604)

 

Sinh trong một gia đình nghèo ở Ý, khi còn nhỏ Seraphin phải đi chăn cừu và ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Sau khi cha mẹ qua đời, ngài bị người anh đối xử cách tệ hại, Seraphin đã gia nhập dòng Capuchin lúc 16 tuổi và khiến nhiều người kinh ngạc vì sự khiêm tốn và độ lượng của ngài.

 

 Phục vụ như một thầy trợ sĩ, Seraphin theo gương Thánh Phanxicô ăn chay, mặc áo nhặm và đối xử tử tế với mọi người. Ngài muốn theo gương Thánh Phanxicô cả về vấn đề truyền giáo, nhưng cha bề trên không chọn ngài trong công việc này.

 

Mỗi ngày, Seraphin trung thành dành ba giờ đồng hồ để cầu nguyện trước Thánh Thể. Những người nghèo đến gõ cửa tu viện đều được ngài ân cần tiếp đón. Mặc dù cuộc đời của ngài thật bình dị, ngài đã đạt được chiều kích tâm linh đáng kể và làm được nhiều phép lạ.

Thánh Seraphin từ trần ngày 12-10-1604, và được phong thánh năm 1767.

 

Lời Bàn

 

Ðối với nhiều người ngày nay, công việc làm không có ý nghĩa gì khác hơn là để kiếm tiền cho cuộc sống. Có bao người nghĩ rằng chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc chăm sóc trái đất này, như được viết trong sách Sáng Thế? Những công việc của Thánh Seraphin không có gì là kinh thiên động địa mà rất tầm thường, nhưng ngài đã thi hành với một tinh thần phi thường.

 

Lời Trích

 

Trong cuốn Brothers of Men, Rene Voillaume của tu hội Tiểu Ðệ Ðức Giêsu nói về công việc tầm thường và sự thánh thiện: "Giờ đây sự thánh thiện này [của Chúa Giêsu] được thể hiện trong mọi hoàn cảnh thông thường của đời sống, của công việc, của gia đình và xã hội làng mạc, và đó là một xác định rõ ràng rằng các sinh hoạt tẻ nhạt và không ai biết đến thì hoàn toàn thích hợp với sự tuyệt hảo của Con Thiên Chúa." Ngài viết, người Kitô tin tưởng rằng "sự thánh thiện của con cái Thiên Chúa thì có thể đạt được trong mọi hoàn cảnh bình thường của một người nghèo hèn và buộc phải làm việc để sinh sống."


Trích từ NguoiTinHuu.com

Monday, October 10, 2022

 

Angelo Giuseppe Roncalli, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25.11.1881, con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola.

Ngay buổi chiều hôm đó, trẻ sơ sinh được cha Francesco Rebuzzini rửa tội, lấy tên là Angelo Giuseppe, người đỡ đầu là ông Zaverio Roncalli, một trong những người bác của ông bố Battista, rất đạo đức, ở độc thân, tự nhận lấy bổn phận dạy giáo lý cho nhiều đứa cháu. Sau này, Đức Gioan XXIII đã cảm động nhớ lại nhiều kỷ niệm và biết ơn về những lo lắng chăm sóc của ông.

Ngay từ thời thơ ấu, đã có một khuynh hướng nghiêm chỉnh về đời sống Giáo Hội, nên sau khi học học bậc tiểu học, cậu chuẩn bị vào chủng viện giáo phận nhờ sự trợ giúp học thêm tiếng Ý và tiếng Latinh của một số linh mục trong khi theo học tại một trường có uy tín của Celana. Rước lễ lần đầu và được Thêm Sức năm 1889. Ngày 07.11.1892, cậu gia nhập chủng viện Bergamo, nơi đó cậu được xếp vào năm thứ ba của bậc trung học. Sau một khởi đầu khó khăn vì chưa được chuẩn bị đầy đủ, cậu tiến nhanh trong việc học tập và huấn luyện thiêng liêng, nhờ đó các bề trên đã chuẩn nhận trước khi kết thúc năm thứ mười bốn để thầy được lãnh nhận chức cắt tóc. Sau khi hoàn tất tốt đẹp năm thứ hai của thần học vào tháng Bảy năm 1900, thì vào tháng Giêng năm sau, thầy được gửi về Roma vào chủng viện Apollinare, nơi có một số học bổng cho hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Bergamo. Tuy phải thi hành nghĩa vụ quân sự một năm tại Bergamo từ ngày 30 tháng 11 năm 1901, việc huấn luyện chủng sinh cũng đặc biệt mang lại kết quả tốt đẹp.

Ngày 13 tháng 7 năm 1904, khi còn rất trẻ, mới hai mươi tuổi rưỡi, thầy đậu tiến sĩ thần học. Với sự nhận xét đặc biệt của các bề trên, ngày 10 tháng Tám năm 1904, thầy được thụ phong linh mục trong nhà thờ Đức Maria di Monte Santo; ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, dịp này ngài quyết tâm tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và hết lòng trung thành với Giáo Hội. Sau một thời gian ngắn về nghỉ tại quê nhà, vào tháng Mười, ngài bắt đầu theo học giáo luật tại Rôma, và rồi phải nghỉ học vào tháng Hai năm 1905, khi ngài được chọn làm thư ký của Giám Mục mới của giáo phận Bergamo, Đức cha Giacomo Maria Radini Tedeschi. Mười năm làm việc hết mình bên cạnh một giám mục có thẩm quyền, rất năng động và đầy sáng kiến, giúp cho giáo phận Bergamo trở nên một mô hình cho Giáo Hội Ý.

Ngoài nhiệm vụ thư ký, ngài còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Từ năm 1906, ngài còn đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học trong Chủng viện: lịch sử giáo hội, giáo phụ và biện giáo; từ 1910, ngài cũng phụ trách môn thần học cơ bản. Ngoại trừ khoảng thời gian ngắn ngưng nghỉ, ngài vẫn tiếp tục làm những công việc đó đến năm 1914. Việc học hỏi về lịch sử đã giúp ngài viết một số nghiên cứu lịch sử địa phương, như xuất bản những chuyến viếng thăm mục vụ của thánh Carlo Bergamo (1575), một nỗ lực trong nhiều thập kỷ dài và tiếp tục cho đến những ngày trước cuộc bầu cử Giáo Hoàng. Ngài cũng là chủ nhiệm tờ báo định kỳ của giáo phận “La Vita Diocesana” và kể từ năm 1910, ngài làm trợ úy cho Liên hiệp các Phụ nữ Công giáo.

Cái chết bất ngờ của Đức Giám mục Radini năm 1914 chấm dứt một kinh nghiệm mục vụ tuyệt vời của ngài, mặc dù gặp một vài đau khổ chẳng hạn như những lời buộc tội vô căn cứ chống lại ngài từ chủ nghĩa hiện đại, vị Giáo Hoàng tương lai Gioan XXIII luôn xem như điểm quy chiếu chính qua các công việc được trao phó theo từng giai đoạn. Chiến tranh bùng nổ vào năm 1915, ngài làm tuyên úy hơn ba năm với cấp bậc trung sĩ với việc chăm sóc thương binh trong các bệnh viện ở Bergamo, và ngài đã có những việc làm rất anh hùng. Vào tháng Bảy năm 1918, ngài sẵn sàng phục vụ cho những người lính bị bệnh lao, dù biết rằng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Hoàn toàn bất ngờ với lời mời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV về phụ trách công việc của Bộ Truyền Giáo tại Ý (1921), trong khi ở Bergamo, ngài mới bắt đầu kinh nghiệm “Nhà sinh viên”, một nơi vừa nội trú, vừa học viện, và đồng thời từ 1919 ngài cũng làm linh hướng trong chủng viện. Sau nhiều do dự, ngài đã nhận lời và bắt đầu công việc cách thận trọng và tế nhị đối với những liên hệ với các tổ chức truyền giáo đã có. Ngài đã thực hiện một chuyến đi lâu dài ra ngoại quốc để thi hành kế hoạch của Tòa Thánh nhằm mang về Rôma những tổ chức khác nhau để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo và viếng thăm một số giáo phận Ý để quyên góp nguồn tài trợ và giải thích về công việc mà ngài đang phụ trách.

Vào năm 1925, với sự bổ nhiệm làm Visitatore Apostolico (Kinh lược Tòa Thánh) tại Bulgaria, ngài đã bắt đầu giai đoạn phục vụ cho ngành ngoại giao của Tòa Thánh cho đến năm 1952. Sau lễ phong chức giám mục diễn ra tại Rome vào ngày 19 tháng 3 năm 1925, ngài khởi hành đi Bulgaria với nhiệm vụ giúp đỡ cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé và đang gặp nhiều khó khăn tại đó. Khởi đầu công việc và tiếp tục cả hàng chục năm, Đức cha Roncalli đã đặt nền móng cho việc thiết lập một Tông Tòa mà ngài đã được bổ nhiệm làm vị Đại diện đầu tiên vào năm 1931. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ngài đã tái tổ chức được Giáo Hội Công Giáo, phục hồi được mối quan hệ thân thiện với Chính phủ và Hoàng gia Bulgari, mặc dù có đôi chút trở ngại vì đám cưới theo nghi lễ chính thống của vua Boris với công chúa Giovanna của hoàng gia Savoia, và đó cũng là dịp để khởi động những mối quan hệ đại kết đầu tiên với Giáo hội Chính thống Bulgari. Vào ngày 27 tháng 11.1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, các nước này chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican. Khác với Hy Lạp, nơi mà đức Roncalli không mang lại một kết quả nào đáng kể, thì quan hệ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dần dần có được một sự hiểu biết và sẵn sàng thể hiện được nhờ việc đón nhận những đường lối chính trị độc lập với tôn giáo của chính phủ. Với tính nhạy bén và năng động của mình, ngài đã tổ chức được một vài lần gặp gỡ chính thức với Đức Thượng Phụ Constantinople, đó là những lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ tách biệt với Giáo Hội Công Giáo.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, ngài đã giữ được một thái độ thận trọng của tính trung lập, nhờ vậy ngài mới thực hiện được một công việc thật hữu hiệu, là giúp cho cộng đoàn Do Thái, cả hàng ngàn người, khỏi bị diệt chủng, và giúp cho người Hy Lạp thoát khỏi nạn đói.

Thật bất ngờ với quyết định của Đức Piô XII, ngài được bổ nhiệm về làm Khâm sứ tại Paris, nơi ngài đặt chân đến với nhiều lo lắng vào 30 tháng 12 năm 1944. Một hoàn cảnh khá phức tạp đang chờ đợi ngài. Chính phủ lâm thời đòi phải thoái vị ba mươi giám mục, bị buộc tội hợp tác với chính phủ Vichy. Nhờ sự bình tĩnh và linh động của vị tân sứ thần, chỉ có ba vị bị bãi nhiệm. Phẩm chất con người của ngài đã mang lại sự kính nễ trong bối cảnh ngoại giao và chính trị tại Paris, nơi mà Ngài đã thiết lập được những mối quan hệ thân thiện với một số chính khách của chính phủ Pháp. Hoạt động ngoại giao của ngài cũng mang một ý nghĩa mục vụ rõ ràng qua các lần viếng thăm tại nhiều giáo phận của nước Pháp, kể cả nước Algeria.

Tiếng vang và lòng nhiệt thành tông đồ của Giáo Hội Pháp, qua kinh nghiệm của các linh mục thợ, làm cho Đức Roncalli phải chú ý như một nhà quan sát thận trọng và khôn ngoan, ngài cho rằng cần phải có một thời gian để xem xét trước khi có quyết định dứt khoát.

Ngày 12 tháng Giêng 1953 Ngài được thăng hồng y và hai tuần sau được bổ nhiệm Thượng phụ Venice ngày 25 tháng Giêng. Với lối sống vâng phục của mình, ngài đã sẵn sàng vâng lời đến Venice, nơi ngài đã đến nhậm chức vào ngày 5 tháng 3, lúc mới được nâng lên tước vị hồng y theo quyết định trong Công Nghị cuối cùng của Đức Piô XII. Thời gian làm giám mục của ngài được mọi người biết đến qua những nỗ lực làm việc và hoàn thành nhiệm vụ giám mục cách tốt đẹp như thăm viếng mục vụ và cử hành Công Nghị giáo phận. Việc ôn lại lịch sử tôn giáo của Venezia giúp ngài thêm những sáng kiến mục vụ mới, chẳng hạn như kế hoạch làm cho các tín hữu gần gũi với Kinh Thánh, làm việc theo gương của vị giáo chủ kỳ cựu, thánh Lorenzo Giustiniani, mà ngài đã long trọng cử hành việc tưởng nhớ trong năm 1956.

Việc bầu một vị Giáo Hoàng bảy mươi bảy tuổi vào ngày 28 tháng 10.1958, đó là Đức Hồng Y Roncalli, kế vị Đức Piô XII, làm nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một triều đại chuyển tiếp. Nhưng ngay từ đầu, Đức Gioan XXIII đã chứng tỏ một lối sống đầy nhân bản và con người linh mục của mình đã chín muồi qua những kinh nghiệm ý nghĩa. Ngoài việc khôi phục lại các hoạt động đúng đắn trong các cơ quan của giáo triều, ngài còn hết lòng cho công việc mục vụ theo sứ mạng của mình, bằng cách nhấn mạnh đến bản chất giám mục với tư cách là Giám Mục Rôma. Xác tín rằng việc quan tâm trực tiếp đến giáo phận là một phần thiết yếu của Sự Vụ Giáo Hoàng, nên ngài dành nhiều thời gian gặp gỡ các tín hữu qua việc viếng thăm các giáo xứ, bệnh viện và nhà tù. Qua việc triệu tập Công nghị Giáo phận, ngài muốn bảo đảm chức năng hoạt động của các cơ cấu giáo phận bằng cách tăng cường các Giáo hạt và bình thường hóa đời sống giáo xứ.

Sự đóng góp lớn nhất của Đức Gioan XXIII, chắc chắn là việc triệu tập Công Đồng Vatican II, được loan báo trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô vào ngày 25 tháng 01.1959. Đó là một quyết định mang tính cách cá nhân của Đức Giáo Hoàng sau khi tham khảo ý kiến với một số vị thân cận và với vị Quốc Vụ Khanh là Đức Hồng Y Tardini. Các mục tiêu ban đầu của Công Đồng được nêu rõ trong bài phát biểu vào lễ Khai mạc ngày 11 tháng mười năm 1962: không phải là để xác định những chân lý mới, nhưng để xác định lại các học thuyết truyền thống phù hợp hơn với sự nhạy cảm hiện thời. Trong chiều hướng nhằm có được một sự cập nhật về tất cả đời sống của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mời gọi hướng về lòng thương xót và ủng hộ việc đối thoại với thế giới, hơn là lên án và phản đối trong một nhận thức mới về sứ mệnh của Giáo Hội, đón nhận tất cả mọi người. Trong tinh thần cởi mở phổ quát ấy, không thể loại trừ các Giáo hội Kitô khác, họ cũng được mời tham dự vào Công Đồng để khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau hơn. Trong giai đoạn đầu tiên, người ta có thể nhận thấy rằng Đức Gioan XXIII muốn một Công Đồng có tranh luận thật sự, biết tôn trọng các quyết định sau khi mọi tiếng nói đã được trình bày và thảo luận.

Vào mùa xuân năm 1963, ngài được trao giải thưởng “Balzan” về hòa bình, chứng tỏ những việc làm của ngài đối với hòa bình qua việc ban hành Thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in Terris (1963), cũng như việc nhất quyết can thiệp của ngài nhân cuộc khủng hoảng tại Cuba vào mùa thu năm 1962. Uy tín và sự ngưỡng mộ chung, người ta có thể thấy được trong những tuần lễ cuối đời ngài khi cả thế giới đều lo lắng hướng về quanh ngài lúc hấp hối và đau buồn nhận tin ngài qua đời vào tối ngày 03 tháng 06 năm 1963. 

[Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII được tôn phong ngày 03.9.2000, tại Rôma do Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II cử hành. Lễ mừng được ấn định vào ngày 11.10 ngày kỷ niệm việc Khai mạc Công đồng chung Vatican II, 11.10.1962].

Phòng Báo Chí Tòa Thánh

Linh mục Augustinô chuyển ngữ (conggiao.info) 4/23/2014

 

Hạnh Các Thánh

11/10/2022

11 tháng 10

Chân Phước Mary Angela Truszkowska
(1825-1899)

 

Sinh trưởng ở Kalisz, Ba Lan, sức khoẻ của Sophia Truszkowska trong tình trạng hiểm nghèo nên không hy vọng sống được lâu. Khi đến tuổi thiếu niên và được mạnh khoẻ hơn, cô quyết định dâng mình cho Thiên Chúa. Và trong khi còn đang phục hồi sau cơn bệnh lao thì Sophia đã khởi sự chăm sóc các trẻ mồ côi ở Warsaw.

 

Không bao lâu cô được người bà con là Clothilde cũng như các bạn khác tiếp tay. Họ gia nhập dòng Ba Phanxicô dưới sự hướng dẫn của các linh mục Capuchin và được mặc áo dòng. Năm 1855, Sophia, bây giờ là Mẹ Angela, thành lập một cộng đoàn Phanxicô mới, lấy tên Các Nữ Tu Thánh Felicia.

 

Khi công việc chăm sóc người vô gia cư của các nữ tu Thánh Felicia phát triển mạnh thì số người gia nhập cộng đoàn cũng gia tăng. Thật không dễ cho một người sáng lập như Mẹ Angela, vì ngài phải vạch ra một hướng đi rõ ràng cho cộng đoàn mà một số nữ tu khác lại muốn theo đuổi đời sống chiêm niệm. Nhưng Mẹ Angela có cái nhìn khác biệt, ngài thấy đây là một cộng đoàn nữ tu được Thiên Chúa mời gọi để cầu nguyện và làm việc ở ngoài khuôn khổ của tu viện. Bởi đó, các Nữ Tu Thánh Felicia chăm sóc bệnh nhân ngay trong nhà của họ cũng như phục vụ các người tàn tật, người già yếu, trẻ mồ côi và các người vô gia cư. Các nữ tu cũng xây cất các nhà dành riêng cho những người mắc bệnh hay lây ở làng mạc Ba Lan.

 

Vào năm 1863, khi người Ba Lan vùng lên chống lại sự đô hộ của người Nga, các nữ tu Thánh Felicia tiếp tục chăm sóc bệnh nhân bất kể quốc tịch nào. Lúc đó, Mẹ Angela ra lệnh cho các nữ tu "không được loại trừ ai" và hãy nhớ rằng "mọi người đều là người thân cận của mình."

 

Trong năm kế đó, vào tháng Mười Hai năm 1864, các nữ tu Thánh Felicia bị chính quyền Nga giải tán. Trong khi một số các nữ tu khác tập hợp lại thành cộng đoàn Nữ Tu Ba Lan, nhà cầm quyền Áo cho phép các nữ tu Thánh Felicia tái lập cộng đoàn trong phần đất của Áo ở Ba Lan. Mười năm sau các nữ tu Thánh Felicia đến Polonia, Wisconsin thuộc Hoa Kỳ, để đáp lời mời gọi của những người di dân Ba Lan. Sứ vụ của họ lan tràn cho tới bảy giáo phận.

 

Vào năm 1869, Mẹ Angela từ chức bề trên vì sức khoẻ yếu kém. Trong những năm cuối đời, ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và làm việc lao động. Ngài cũng được nhìn thấy cộng đoàn của ngài sáng lập đã được Tòa Thánh chuẩn nhận.

 

Lời Bàn

Sau khi Mẹ Angela chết không lâu, một trong các nữ tu đã nói về ngài như "một hiện thân của tình yêu tha nhân. Ðối với ngài, chỉ những gì không thể thiếu, thật cần thiết -- ngoài ra mọi sự là cho tha nhân, và đó là phương châm của ngài... không chỉ để phô trương, nhưng được thể hiện qua các công việc hàng ngày trong nhiều năm trường... Sự đau khổ, sự lo âu của người khác luôn âm vang trong tâm hồn ngài, nhưng đó không phải là một âm vang vô hiệu quả. Với một tiềm năng đáng khâm phục, dù sức khỏe mong manh, ngài đã đi tìm phương thuốc chữa trị và luôn luôn tìm thấy. Ngài thi hành việc ấy rất tự nhiên, như thể đó là một bổn phận của ngài."

 

Lời Trích

Mẹ Angela có lần khuyên các nữ tu, "Một kinh 'Sáng Danh' được cất lên khi gặp nghịch cảnh thì có giá trị gấp ngàn lần lời tạ ơn khi thành công."

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

 

 

Hạnh Các Thánh

10/10/2022

10 tháng 10

Thánh Daniel và Các Bạn
(c. 1227)

 

Daniel, vị bề trên dòng Phanxicô ở Calabria, nước Ý, hướng dẫn một nhóm các tu sĩ Phanxicô, là những người theo gương Thánh Berard để đi rao giảng Phúc Âm ở Bắc Phi vào năm 1227. Sáu vị tu sĩ khác là Angelo, Domnus, Hugolino, Leo, Nicolas và Samuel. Họ đến Ceuta, Morocco, là nơi các thương gia Kitô Giáo đã cảnh giác họ về việc bách hại các thừa sai.

 

Tuy nhiên, vì quá hăng say, các tu sĩ đã rao giảng công khai, nên đã bị bắt ngay lập tức. Không sợ hãi trước những đe dọa hay mua chuộc, họ cương quyết không chối bỏ đức tin. Cũng như các Kitô Hữu thời tiên khởi ở Colosseum, Daniel và các bạn đã ca hát trên đường tử đạo. Sau khi bị chặt đầu, xác của các ngài được đưa về Tây Ban Nha.

Tất cả được phong thánh năm 1516.

 

Lời Bàn

 

Các thánh tử đạo nhắc nhở chúng ta về giá máu mà Chúa Giêsu đã phải trả khi loan truyền Tin Mừng. Chúng ta không có chọn lựa nào khác về việc làm chứng cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Việc nhớ đến các vị tử đạo giúp chúng ta kiên trì sống phúc âm mà chúng ta đã được kêu gọi để tuân giữ.

 

Lời Trích

 

"Qua sự tử đạo người môn đệ được biến đổi nên giống hình ảnh của Thầy mình, là người đã tự chấp nhận cái chết để cứu chuộc thế gian; và họ cố đạt được hình ảnh ấy dù có phải đổ máu. Tuy không nhiều người được cơ hội ấy, nhưng tất cả phải sẵn sàng để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt người đời, và theo Người trên con đường thập giá qua những bách hại mà Giáo Hội từng bị đau khổ" (Hiến Chương về Giáo Hội, #71).

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

Sunday, October 9, 2022

LỜI CHÚA HÔM NAY

 Chúa Nhật 28 Thường Niên Năm C

Tháng Mân Côi Ngày  09  Tháng 10  Năm 2022  

 

    Đức Giê-su mới nói: « Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

 -Lc17:11-19



     Jesus said in reply, "Ten were cleansed, were they not?  Where are the other nine? Has none but this foreigner returned to give thanks to  God?"  Then he said to him, "Stand up and go; your faith has saved you." 

-Lk17:11-19

 

 

Lời Mời Ơn Gọi.  Lòng biết ơn dẫn tới ca ngợi.  Anh em tạ ơn điều gì?  Hãy chia xẽ lòng biết ơn của anh em.

 Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời Và

Dòng Nữ Tôi Tớ Chúa Thánh Thần.

Hãy Gọi 1-800-553-3321



A Call To Vocation.  Gratitude leads to praise.  For what are you thankful?  Share your gratitude.

 Divine Word Missionaries and

 Sister Servants of  The Holy Spirit

Call  1-800-553-3321

 

 

 

Trách Nhiệm Chúa Nhật 29 Thường Niên

           Ngày 16 / 10 / 2022 Năm C

* Giúp Lễ: Nguyễn Khang, Nguyễn Thùy

     Trang, Andrew Le Quan, và A. Đinh Diễm.

* Đọc Thông Báo: Ô. Nguyễn Hào.

* B. Đọc I:  A. Vũ Khôi

* Đáp Ca:   Ca Đoàn

* B. Đọc II:  C. Nguyễn Yến

* LN Giáo Dân và     * Dâng Của Lễ : Khu 4.

* Sóc Rỗ: Nhóm 3: Gia Trưởng

* TTV Thánh Thể: Maria Trúc Vy, Maria Lê

                  thị Tâm, & Anna Tô Ánh Tuyết

 

Cầu Nguyện Cho Những Người Cao Niên Và Những Người Đau Yếu Trong Cộng Đoàn. Võ Kiếm, Bà Thuận (Mẹ chị Lan+Tùng), Ông Bà Hà Diệm, Bà Nguyễn Phong, Ông Bà Phạm Nhân. Bà Nguyễn Đề. Bà Cố Rật, Bà Cố Long, Ông Bà Nguyện Khải.  Ông Nguyễn Văn Tâm, Bà Viêm, Vợ Ông Sinh, Bs Bùi Hải, Bà Huệ, Cha Cố Thomas Vũ Thái, Chị Bùi Én, và Bà Nguyễn Chính.

 

 

Tin Ủng Hộ Hứa Đóng Góp Mục Vụ Công Giáo (Catholic Ministry Appeal)  Tổng số Cộng đoàn chúng ta  cần phải đóng góp ít nhất $5,025 cho quỹ CMA năm nay 2022.  Hiện tại có 29 Gia đình/ Hộ trong 250 tổng số gia đình thuộc CĐ đã tham gia đóng góp cho Chương Trình CMA là $8,455.  Xin Chúa chúc lành cho các GĐ đã đóng góp cho chương trình CMA.

 

 

Tháng Kính Đức Mẹ Mân Côi


Chúng ta đang ở trong Tháng Mân Côi. Giáo Hội đặc biệt mời gọi chúng ta hãy sốt sang xiêng năng cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi ít ra vào tháng này để xin lòng thương xót Chúa ban cho các linh hồn nơi luyện tội mau sớm vào Nước Chúa, cho hòa bình thế giới không còn chiến tranh tại ukrain, không còn bị đại dịch Covid đe dọa, và chiến tranh thế giới thứ 3 bùng nổ.  Nhất là cho niềm vui của Tin Mừng được lan tỏa khắp nơi chưởng trị trong lòng người.

 

 

Tháng 10 Tính Số Người Tham Dư Thánh Lễ.  Bắt đầu Chúa Nhật đầu tháng 10, Cộng đoàn chúng ta sẽ tính số người tham dự trong Thánh Lễ.  Mọi Thánh Lễ CN trong tháng 10 đều được tính số người tham dự   và được báo cáo lên Tổng Giáo Phận Cincinnati.

 

 

Ngày Thế Giới Trẻ 2023.  Văn phòng Giới  Trẻ sẽ tổ chức một chuyến đi tham dự Ngày Trẻ Thế Giới 2023 tại Lisbon, Portugal (Bồ Đạo Nha). Để trải nghiệm thêm ngoài các biến cố Ngày Trẻ Thế Giới bao gồm thánh lễ, giờ chầu Thánh Thể với Đức Giáo Hoàng Phanxico, chúng ta sẽ thăm viếng đền thờ Holy Miracle tại Santarem và Đền Thánh Đức Mẹ Fatima.

  Chúng tôi cũng cho thêm một gói chọn lựa mà sẽ cho phép chúng ta để khám phá thêm Bồ Đào Nha trước  4 ngày sống tại Tây Ban Nha (Spain) thăm viếng Madrid, Avila và Toledo và nhiều nữa.  Hảy cho chúng tôi biết ý thích của anh em., hãy gọi vào đây để điền đơn.  Chúng tôi sẽ cho anh em biết thêm nhiều tin tức khi tin tức có thêm.