Saturday, December 16, 2023

 17 Tháng Mười Hai

Thánh Lagiarô

 

Lagiarô, người bạn của Ðức Giêsu, là anh em của bà Mácta và Maria, được các người Do Thái thời ấy nói rằng, "Kìa xem ngài quý mến ông là chừng nào." Và trước sự chứng kiến của họ, Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại sau ba ngày nằm trong mộ.

 

 Sau khi Ðức Giêsu chết và sống lại, có nhiều truyền thuyết về cuộc đời Thánh Lagiarô. Người ta nói rằng ngài đã viết lại những gì được thấy ở bên kia thế giới trước khi được Ðức Giêsu cho sống lại. Có truyền thuyết cho rằng ngài theo Thánh Phêrô đến Syria. Truyền thuyết khác lại nói rằng mặc dù người Do Thái ở Jaffa đã ép buộc ngài và các chị em của ngài lên một chiếc thuyền bị đâm thủng, nhưng họ đã cập Cyrus một cách an toàn. Ở đây, sau khi làm giám mục trong 30 năm, ngài đã từ trần cách bình an.

 

Một nhà thờ được xây cất để tôn kính ngài ở Constantinople và một số thánh tích được đưa về từ Cyrus vào năm 890. Truyền thuyết Tây Phương lại nói rằng có một chiếc thuyền không mái chèo cập bến nước Gaul (nước Pháp bây giờ). Ở đây, ngài làm giám mục của Marseilles, bị tử đạo sau khi đã hoán cải nhiều người, và được chôn cất trong một cái hang. Thánh tích của ngài được đưa về một vương cung thánh đường mới ở Autun năm 1146.

 

Có một điều chắc chắn là trước đây người ta đã sùng kính thánh nhân. Khoảng năm 390, vào thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá, người ta thường rước kiệu ngay tại ngôi mộ mà Lagiarô đã được sống lại từ cõi chết. Ở Tây Phương, Chúa Nhật Thương Khó trước đây được gọi là "Dominica de Lazaro" (Chúa Nhật Lagiarô), và Thánh Augustine cho chúng ta biết ở Phi Châu, phúc âm về đoạn Lagiarô sống lại được đọc trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá.

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

 

Friday, December 15, 2023

 16 Tháng Mười Hai

Chân Phước Philip Siphong và Các Bạn
(c. 1940)

 

Trong nhiều thế kỷ, các nhà truyền giáo ở Xiêm (bây giờ là Thái Lan) không những được nhân nhượng nhưng còn được tiếp đón niềm nở bởi quốc gia đa số theo Phật Giáo. Các quốc gia khác ở vùng Viễn Ðông không được như vậy, và nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.

 

Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1930, sự ổn định chính trị từ xưa ở Xiêm bắt đầu mất dần. Ảnh hưởng Âu Châu đang trên đà suy thoái, và sự đe dọa xâm lăng của người Nhật đã đưa đẩy nước Xiêm đến một thái độ thiếu thân thiện đối với các thế lực Tây Phương. Vài vụ bạo động đã xảy ra cho người ngoại quốc, kể cả các Kitô Hữu. Nhiều nhà truyền giáo bị tù đầy. Tài sản của Giáo Hội bị tịch thu. Những người Thái Lan tòng giáo bị ép buộc phải công khai bỏ đạo.

 

Vào năm 1940, áp lực lại càng mạnh mẽ hơn khi Thế Chiến II càn quét Âu Châu và người Nhật xâm lăng dần vào Ðông Dương (bây giờ là Việt Nam). Ở Songkhon, gần biên giới Ðông Dương, một tiểu đội cảnh sát võ trang bao vây một ngôi làng và ra lệnh cho mọi Kitô Hữu trong làng phải chối bỏ đức tin. Một nhà truyền giáo bị đuổi ra khỏi làng. Ông Philip Siphong Ouphitah là giáo lý viên cư ngụ gần đó đã lên tiếng phản đối sự ngược đãi này. Ông được bảo rằng phải lên trung tâm cảnh sát để làm đơn khiếu nại, trên đường đi ông đã bị mai phục vào ngày 16 tháng Mười Hai. Sau này, được biết ông đã bị tra tấn trước khi bị bắn chết.

 

Trong khi đó, các sơ Agnes Phila và Lucia Khambang tiếp tục giảng dạy trong trung tâm truyền giáo. Hai sơ nói với các em rằng ông Philip là vị tử đạo, điều này khiến các viên chức địa phương đã ra lệnh ngăn cấm hai sơ không được dạy giáo lý và phải mặc y phục bình thường của người Thái. Hai sơ đã làm đơn phản đối; cùng ký tên trong tờ đơn có chữ ký của bốn học sinh và người phụ bếp. Vào ngày 26 tháng Mười Hai, tất cả bị điệu ra nghĩa trang là nơi họ bị bắn chết trong khi đang quỳ gối cầu nguyện.

 

Sau đó, bảy vị tử đạo này được chôn chung với ông Philip Siphong. Tất cả được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II phong chân phước vào ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, 22 tháng Mười 1989.

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

 

 


Thursday, December 14, 2023

 15 Tháng Mười Hai

Chân Phước Mary Frances Schervier
(1819 - 1876)

 

Người phụ nữ này từng ao ước trở nên một nữ tu dòng Trappist, nhưng Thiên Chúa đã dẫn dắt ngài đến việc thành lập một tu hội cho các nữ tu chuyên lo việc chăm sóc bệnh nhân và người già ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới.

 

Sinh trưởng trong một gia đình có thế giá ở Aix-la-Chapelle, nước Pháp, sau khi người mẹ từ trần cô Frances coi sóc gia đình, và nổi tiếng là người độ lượng với người nghèo. Vào năm 1844, cô gia nhập dòng Ba Phanxicô. Ðến năm kế tiếp, cùng với bốn người cộng sự, cô thành lập một tu hội chuyên chăm sóc người nghèo. Năm 1851, tu hội Nữ Tu Nghèo Hèn của Thánh Phanxicô được đức giám mục địa phương chấp thuận thành lập; không bao lâu tu hội phát triển mau chóng. Tại Hoa Kỳ, tu hội được thành lập đầu tiên vào năm 1858.

 

Vào năm 1863, Mẹ Frances sang Hoa Kỳ để giúp các nữ tu chăm sóc các thương binh của cuộc Nội Chiến. Năm 1868, ngài lại sang Hoa Kỳ một lần nữa. Khi thầy Philip Hoever thiết lập tu hội Anh Em Nghèo Hèn của Thánh Phanxicô, thì đó là nhờ Mẹ Frances khuyến khích.

 

Khi Mẹ Frances từ trần, lúc ấy đã có khoảng 2,500 thành viên của tu hội trên khắp thế giới. Con số ngày càng gia tăng. Họ vẫn còn hoạt động trong các bệnh viện và trung tâm dưỡng lão ngày nay. Mẹ Frances được phong chân phước năm 1974.

 

Lời Bàn

Người đau yếu, nghèo khổ và già nua thường bị nguy hiểm vì bị coi là thành phần "vô dụng" của xã hội, do đó họ bị quên lãng. Chúng ta cần noi gương Mẹ Frances nếu chúng ta tôn trọng phẩm giá và định mệnh của con người mà Thiên Chúa đã ban cho.

 

Lời Trích

Năm 1868, Mẹ Frances viết cho các nữ tu, nhắc nhở họ về lời của Ðức Kitô: "Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con thi hành những gì Thầy truyền cho các con... Thầy ban các giới răn này là để các con yêu thương nhau" (Gioan 15:14,17).

 

Mẹ Frances viết tiếp: "Nếu chúng ta trung thành và hăng say thi hành điều này, chúng ta sẽ cảm nghiệm được chân lý của lời cha Thánh Phanxicô, là người đã nói rằng tình yêu làm vơi bớt mọi khó khăn và làm dịu ngọt mọi cay đắng. Cũng thế, chúng ta sẽ được hưởng những ơn lành mà Thánh Phanxicô đã hứa ban cho con cái của người, trong hiện tại cũng như tương lai, sau khi nhắc nhở họ hãy yêu thương nhau như người đã và đang yêu thương họ."

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

 

Wednesday, December 13, 2023

 14 Tháng Mười Hai

Thánh Gioan Thánh Giá
(1541 - 1591)

 

Gioan là thánh vì cuộc đời ngài là một nỗ lực quả cảm dám sống trọn vẹn với tên của ngài: "Gioan của Thánh Giá". Sự điên rồ của thập giá cuối cùng đã được thể hiện. Câu nói bất hủ của Ðức Kitô: "Ai muốn theo ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo ta" (Máccô 8:34b) là câu chuyện cuộc đời Thánh Gioan. Mầu Nhiệm Vượt Qua -- từ sự chết đến sự sống -- đã được thể hiện trong cuộc đời Thánh Gioan như một người cải cách, một nhà thơ thần bí và là một linh mục thần học.

 

 Sinh ở Tây Ban Nha năm 1542, Gioan hiểu được sự quan trọng của tình yêu tự hiến là nhờ cha mẹ. Cha ngài đã hy sinh của cải, danh vọng và sự an nhàn khi kết hôn với cô con gái của người thợ dệt và vì lý do đó đã bị gia đình từ bỏ. Sau khi cha ngài từ trần, mẹ ngài cố gắng đùm bọc gia đình trong khi họ lang thang đầu đường xó chợ để kiếm việc làm. Những tấm gương hy sinh ấy đã giúp Gioan theo đuổi tình yêu vĩ đại của chính ngài dành cho Thiên Chúa.

 

Dù gia đình đã tìm được việc làm, nhưng vẫn không đủ ăn nên Gioan phải lang thang giữa thành phố giầu có nhất Tây Ban Nha. Năm mười bốn tuổi, Gioan được nhận vào làm việc trong bệnh viện với nhiệm vụ trông coi các bệnh nhân bị chứng bệnh bất trị hoặc bị điên dại. Chính trong sự đau khổ và nghèo nàn này, Gioan đã nhận biết và đã đi tìm hạnh phúc không ở nơi trần gian, nhưng ở nơi Thiên Chúa.

 

Sau khi Gioan gia nhập dòng Camêlô, Sơ Têrêsa Avila nhờ Gioan tiếp tay trong công việc cải cách. Cả hai đều tin rằng nhà dòng phải trở về với đời sống cầu nguyện. Nhiều tu sĩ Camêlô cảm thấy bị đe dọa bởi sự cải tổ này nên một số tu sĩ đã bắt cóc thánh nhân. Ngài bị nhốt trong một xà lim nhỏ hẹp và bị tra tấn ba lần một tuần bởi chính các tu sĩ dòng. Trong cái tăm tối, lạnh lẽo, và cô quạnh của xà lim, tình yêu và đức tin của ngài bừng lên như lửa. Ngài mất hết tất cả ngoại trừ Thiên Chúa -- và Thiên Chúa đã đem cho ngài niềm vui vĩ đại trong cái xà lim nhỏ bé đó.

 

Sau chín tháng tù đầy, Cha Gioan vượt ngục bằng lối cửa sổ duy nhất của xà lim mà ngài đã leo lên đó bằng sợi dây được kết bằng tấm vải trải giường, và đem theo tất cả các bài thơ huyền nhiệm mà ngài sáng tác trong thời gian tù đầy. Vì không biết mình đang ở đâu, ngài phải theo một con chó để đi vào thành phố. Ngài trốn trong bệnh xá của một tu viện và ở đây ngài đọc thơ cho các nữ tu nghe. Từ đó, cuộc đời ngài tận tụy cho việc chia sẻ và dẫn giải tình yêu Thiên Chúa.

 

Lẽ ra cuộc đời nghèo khổ và tù đầy đã biến ngài thành một con người yếm thế cay đắng. Nhưng ngược lại, ngài đã trở thành một người đam mê bí ẩn, sống với sự tin tưởng rằng "Có ai thấy người ta yêu mến Thiên Chúa bởi sự tàn nhẫn đâu?" và "Ở đâu không có tình yêu, hãy đem lại tình yêu -- và bạn sẽ tìm thấy tình yêu."

 

Vì niềm vui chỉ xuất phát từ Thiên Chúa nên Thánh Gioan tin rằng những ai tìm kiếm hạnh phúc ở trần gian này thì giống như "một người đang chết đói mà há miệng đớp lấy không khí." Ngài dạy rằng chỉ khi nào chúng ta dám cắt bỏ sợi dây dục vọng thì chúng ta mới có thể bay lên cùng Thiên Chúa.

 

Là một tu sĩ dòng Camêlô, ngài cảm nghiệm sự thanh luyện tâm linh; là vị linh hướng, ngài cảm được cuộc chiến đấu tinh thần nơi người khác; là một thần học-tâm lý gia, ngài diễn tả và phân tích giá trị của sự đau khổ trong các văn bản của ngài. Hầu hết các văn bản của ngài đều nhấn mạnh đến cái giá phải trả của tinh thần kỷ luật, con đường hiệp nhất với Thiên Chúa là: sống kỷ luật, từ bỏ mình, thanh luyện. Một cách độc đáo và mạnh mẽ, Thánh Gioan nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn của Phúc Âm: Thập giá dẫn đến sự cứu chuộc, đau khổ dẫn đến sự ngất ngây, tăm tối dẫn đến sự sáng, khi từ bỏ là lúc làm sở hữu, hy sinh bản thân để kết hợp với Thiên Chúa. Nếu bạn muốn giữ mạng sống mình thì bạn sẽ mất. Thánh Gioan quả thật là người "của Thánh Giá." Ngài từ trần năm 49 tuổi -- cuộc đời thật ngắn ngủi, nhưng trọn vẹn.

 

Lời Bàn

 

Qua cuộc đời và văn bản, Thánh Gioan đã để lại cho chúng ta những lời quan trọng. Chúng ta muốn giầu có, an nhàn, thoải mái. Chúng ta không muốn nghe những chữ như hy sinh, hãm mình, thanh luyện, khắc khổ, kỷ luật. Chúng ta chạy trốn thập giá. Thông điệp của Thánh Gioan -- cũng như trong Phúc Âm -- thì thật rõ ràng: Ðừng chạy trốn -- nếu bạn thực sự muốn có sự sống!

 

Lời Trích

 

Thomas Merton nói về Thánh Gioan như sau: "Cũng như chúng ta không thể tách rời sự khắc khổ với sự huyền bí thì nơi Thánh Gioan Thánh Giá, chúng ta tìm thấy sự tăm tối và ánh sáng, sự đau khổ và niềm vui, sự hy vinh và tình yêu kết hợp với nhau thật chặt chẽ đến nỗi dường như lúc nào cũng chỉ là một."

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

 

Tuesday, December 12, 2023

 13 Tháng Mười Hai

Thánh Lucia
(c. 304)

 

Các thiếu nữ có tên thánh là Lucia chắc phải thất vọng khi muốn tìm hiểu về vị thánh quan thầy của mình. Các sách cổ viết dài dòng nhưng rất ít chi tiết liên hệ đến truyền thuyết. Các sách mới đây cũng dài dòng dẫn chứng một sự kiện là những truyền thuyết này không có trong lịch sử. Chỉ có một chi tiết về Thánh Lucia còn sót lại đến ngày nay, đó là người cầu hôn với thánh nữ vì bị từ chối nên đã tố cáo ngài là Kitô Hữu, do đó ngài bị xử tử ở Syracuse thuộc Sicily vào năm 304. Nhưng cũng đúng là tên của thánh nữ đã được nhắc đến trong lời cầu nguyện Rước Lễ Lần Ðầu, có những địa danh và một bài dân ca mang tên thánh nữ, và qua bao thế kỷ, hàng chục ngàn thiếu nữ đã hãnh diện chọn ngài làm quan thầy.

 

 Cũng dễ để hiểu những khó khăn của một thiếu nữ Kitô Giáo khi phải chiến đấu trong một xã hội trần tục như ở Sicily vào năm 300. Cũng tương tự như xã hội ngày nay, nhiều thói tục của xã hội đã ngăn cản chúng ta sống xứng đáng là người theo Ðức Kitô.

 

Các bạn bè của Lucia có lẽ cũng ngạc nhiên về Ðấng mà Lucia yêu quý, đó là một người đi rao giảng khắp nơi, sống trong một dân tộc nô lệ và đã bị tiêu diệt cách đó 200 năm. Người từng là một người thợ mộc, từng bị chính dân của Người kết án và chết trên thập giá. Với tất cả tâm hồn, Lucia tin tưởng rằng chính Người đã sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa đã minh chứng tất cả những gì Người nói và hành động. Ðể làm chứng cho đức tin ấy, thánh nữ đã thề giữ mình đồng trinh.

 

Thật là một điều khôi hài đối với các bạn ngoại giáo của thánh nữ! Giữ mình trong trắng trước khi thành hôn là một lý tưởng cổ hủ của người Rôma, ít người còn giữ nhưng không ai kết án lý tưởng ấy. Tuy nhiên, ngay cả cô ta không muốn kết hôn thì điều đó thật quá đáng. Chắc cô ta phải có điều gì xấu xa cần giấu diếm, như miệng lưỡi thế gian thường đồn đãi.

 

Chắc chắn Thánh Lucia đã nghe biết về nhân đức anh hùng của các vị đồng trinh tử đạo. Ngài muốn trung thành với tấm gương của các đấng ấy, cũng như theo gương của người thợ mộc, là Người mà ngài tin là Con Thiên Chúa.

 

Lời Bàn

Nếu bạn chọn Thánh Lucia làm quan thầy thì đừng thất vọng. Vị quan thầy của bạn thực sự là một nữ anh thư, hơn hẳn mọi người, là một hứng khởi vô tận cho bạn và cho mọi Kitô Hữu. Sự can đảm sống luân lý của người thiếu nữ Sicilian tử đạo ấy đã tỏa sáng như để soi dẫn giới trẻ ngày nay cũng như giới trẻ trong thời đại ấy.

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

LỜI CHÚA HÔM NAY

Chúa Nhật 02 Mùa Vọng Năm A Ngày 10 Tháng 12 Năm 2023 

 “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” 

- Mc 1:1-8 




 "One mightier than I is coming after me. I am not worthy to stoop and loosen the thongs of his sandals. I have baptized you with water; he will baptize you with the Holy Spirit."

 - Mc 1:1-8

 Lời Mời Ơn Gọi :

 Gioan Tẩy Giả đại diện cho dấu hiệu đối nghịch, gọi những người đương thời của ông trở lại mối quan hệ với Thiên Chúa hằng sống. Có lẽ anh em được kêu gọi theo Người trong các bước đi của Gioan hôm nay.

 Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời 

Và Dòng Nữ Tôi Tớ Chúa Thánh Thần.

 Hãy Gọi 1-800-553-3321 



A Call To Vocation. 

John the Baptist stands as a sign of contradiction, calling his contemporaries back to a relationship with the Living God. Perhaps you are being called to follow in John’s footsteps today.

 Divine Word Missionaries

 and Sister Servants of The Holy Spirit

 Call 1-800-553-3321

 Trách Nhiệm Chúa Nhật 03 Mùa Vọng Ngày 17/12/2023 Năm B

     * Đọc Thông Báo: Anh Nguyễn P. Thành 

 * Giúp Lễ: Phan Christina, Phan Teresa, Nguyễn Penny & A. Đinh Diễm. 

* B. Đọc I: C An Di 

* Đáp Ca: Ca Đoàn 

* B. Đọc II: C. Nguyễn Yến 

* LN Giáo Dân và *Dâng Của Lễ: Khu 2 

* Sóc Rổ : Nhóm 3: Gia Trưởng 

* TTV Thánh Thể: Giuse Nguyễn Từ, Giuse Đào Hồng, và Maria Hoàng Oanh.

 Cầu Nguyện Cho Những Người Cao Niên Và Những Người Đau Yếu Trong Cộng Đoàn.

 Bà Võ Kiếm, Bà Thuận (Mẹ chị Lan+Tùng), Ông Bà Hà Diệm, Ông Phạm Nhân. Bà Nguyễn Đề. Bà Cố Rật, Bà Cố Long, Ông Bà Nguyễn Khải. Ông Nguyễn Văn Tâm, Bà Viêm, Vợ Ông Sinh, Bs Bùi Hải (đang ở Cali), Bà Huệ, Bà Nguyễn Thao (Chính), và Ông Phạm Phú Hộ.

 Tin Ngày Cộng Đoàn Tỉnh Tâm Mùa Vọng 2023.

 Để chuẩn bị tâm hồn chào đón Chúa đến ở trong tâm hồn chúng ta vào dịp đại lễ Mừng Sinh Nhật Chúa sắp tới, Cha Nguyễn Nam Thảo, Dòng Tên. Sẽ tới từ California để giúp Cộng Đoàn cuối tuần tình tâm này. Ba Ngày Cuối Tuần tĩnh tâm đó là từ thứ 6 ngày 15 tới Chúa Nhật ngày 17 tháng 12. Chủ Đề Cuối Tuần Tĩnh Tâm: “Mùa Vọng và Những Thiết thực Cho Đời Sống!” Cha Thảo hiện là Giáo Sư Dạy môn Tôn Giáo và Thần học tại Đại Chủng Viện Santa Clara, California. Cha thường đi Giảng Tĩnh Tâm và là Tác Giả của cuốn sách Ý Nghỉa về Đức Mẹ: Maria Nữ Vương Vượt Thời Gian. 

 Chương Trình Tĩnh Tâm Như Sau:

 + Thứ 6 ngày 15/12/2023

 - 7:00pm: Thánh Lễ.

 - 7:50pm: Hát Ca Ngợi. 

 - 8:00-9:00: Giảng thuyết. 

 - 9:00-10:30pm: Giờ Xưng Tội.

 + Thứ 7 Ngày 16/12/2023

 - 7:00pm: Thánh Lễ. 

 - 7:50pm: Hát Ca Ngợi. - 8:00-10:30: Giảng thuyết. 

+ Chúa Nhật ngày 17/12/2023 

 - 10:20-10:50am: Giải tội - 11:00am-12:00pm. 

Thánh Lễ (Nghi thứ Sức Dầu Bệnh Nhân)

 - 2:00-3:00pm Giải tội Trẻ Em Chúng ta hãy ghi lịch để đến tham dự.

 Ngày Sức Dầu Bệnh Nhân.

 Trong Thánh Lễ Chúa Nhật 3 Mủa Vọng ngày 17 tháng 12 năm 2023 vào lúc 11:00 Sáng có Nghi Thức Sức Dầu Chữa Bệnh cho những người bệnh, đặc biệt cho những Người Cao Niên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người cao niên và người bệnh trong ngày sức dầu này.

 Tin Nhà Bếp.

Anh Chị Cường+Mỹ Anh và Chị Liên tặng 180 Pao thịt heo. AC. Thúy+VInh tặng 10 hộp cà-ri Gà. Chị Sáu tặng 20 hộp bánh bò. Ô.B. Hào tặng 70 pao thịt heo. Bà Tôn giúp nấu chè xôi nước. Chị Quyên giúp làm bánh giò. Một Chị tặng 15 hộp bánh khoai mì sợi. Anh Hoàng tặng 1 thùng lá gói bánh Chưng và Tét. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

 Cám Ơn Các Bàn Tay Thiện Nguyện Giúp Làm Đẹp và Tu Sữa Nhà Thờ: 



Ngay sau thánh lễ Chúa Nhật vừa qua ngày 03/12, anh chị Tùng+Lan lau sạch nền nhà thờ. Các Bà Mẹ lau trường học, và quý ông lau sạch nền nhà ăn. Thứ 3 ngày 5/12 anh Hoàng và anh Thành tráng bờ tường. Thứ Bảy ngày 9/12, Anh Vinh, Anh Phong và Anh Can giúp làm hang đá và Anh Vũ Đức giúp sơn tường. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em đã hăng say phục vụ nhà Chúa.


 Tin Nhóm Trẻ La-vang.

 Mùa Đông đến những người tỵ nạn thế giới cần các mũ hay nón và găng tay, Nhóm Trẻ La-vang tại Cộng đoàn chúng ta sẽ thu góp những nón và găng tay này để Hội Công Giáo Bác Ái phân phát cho các người đang ở trong các trại tị nạn trên thế giới. Vậy trong suốt mùa đông này, ông bà anh chị em nào có dư các nón, mũ và găng tay mới chưa dùng tới, xin đem đến bỏ vào trong thùng ở dưới Hội Trường/ Phòng Ăn dưới Hầm Nhà Thờ. Nhóm Trẻ sẽ gom góp chúng và trao cho Hội CG Bác Ái. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

 Giúp Vật Liệu Làm Bánh Chưng Bánh Tét.

 Cộng đoàn với truyền thống làm bánh chưng bánh Tét gây gũy cho Nhà Chúa. Quý ông bà nào muốn tặng thùng lá gói, đậu xanh, nếp hay thịt heo cho nhà bếp làm bánh hay tài chánh, xin liên lạc với Chị Đinh Ngọc 513-886-3464. Tuần qua có Anh Nguyễn Hoàng tặng 1 thùng lá chuối. Xin Chúa chúc lành cho gia đình anh.

 Cộng Đoàn Làm Bánh Tét Bánh Chưng Mừng Tết 2024. 



Sau Thánh Lễ Chúa Nhật 1 Mùa Vọng ngày 3 tháng 12 năm 2023, Giáo xứ bắt đầu giói bánh Chưng Bánh Tết vào lúc 1:00 pm. Mời anh chị em tới giúp làm bánh. Anh chị em nào muốn đặt bánh, xin gọi cho Chị Đinh Mindy 513-886- 3464, Chị Duyên+Hùng 513-240- 8027, Anh Cao Lợi (Bảy) 859- 384-9315 và Ông Nguyễn Hào 513-513-646-2160. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

 Báo Cáo Tài Chánh CN 03/12/2023

 + Xóc Rổ: $2,180

 + Bổng Lễ: $ 505 

 + Học phí VNg&Gly: $1,445

Monday, December 11, 2023

 12/12/2023

12 Tháng Mười Hai

Lễ Ðức Mẹ Guadalupe

 

Một Thánh Lễ để vinh danh Ðức Mẹ Guadalupe đã có từ thế kỷ 16. Niên sử của thời đại đó kể cho chúng ta biết câu chuyện sau đây.

 

Một người thổ dân nghèo hèn tên Cuatitlatoatzin được rửa tội và lấy tên là Juan Diego. Ông 57 tuổi, goá vợ và sống trong một làng nhỏ gần Mexico City. Vào buổi sáng thứ Bảy, 9 tháng Mười Hai 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Ðức Mẹ.

 

Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót. Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec. Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Ðức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu đức giám mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.

 

Dĩ nhiên vị giám mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ. Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng. Ðiều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ. Tuy nhiên, đức trinh nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị giám mục. Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp. Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị giám mục.

 

Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Ðức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac. Ðó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.

 

Lời Bàn

Việc Ðức Maria hiện ra với Juan Diego dưới hình thức một người đồng hương của ông nhắc nhở cho chúng ta thấy, Ðức Maria và Thiên Chúa, là Ðấng đã sai ngài đến, chấp nhận mọi dân tộc. Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, khi người Tây Ban Nha đối xử tệ hại và dã man với người thổ dân, việc hiện ra là lời khiển trách người Tây Ban Nha cũng như một biến cố trọng đại đối với người thổ dân Mỹ Châu. Trước khi có biến cố này, việc trở lại Kitô Giáo chỉ thưa thớt, nhưng sau đó họ trở lại cả đoàn. Theo một sử gia đương thời, có đến chín triệu người thổ dân trở lại đạo Công Giáo trong một thời gian rất ngắn. Ngày nay, chúng ta thường nghe là Thiên Chúa ưu đãi người nghèo, và Ðức Mẹ Guadalupe minh chứng rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho người nghèo, và chính Mẹ đồng hóa với người nghèo là một chân lý đã có tự ngàn xưa, được phát xuất từ Phúc Âm.

 

Lời Trích

Ðức Maria nói với Juan Diego: "Hỡi con rất yêu dấu của Mẹ, ta là Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Thiên Chúa thật, Người là Tác Giả của Sự Sống, là Tạo Hóa của muôn loài và là Chúa của Thiên Ðàng cũng như Trái Ðất... và điều ta mong muốn là một nhà thờ sẽ được xây cất ở đây cho ta, là nơi ta sẽ chứng tỏ lòng khoan dung và nhân hậu của ta đối với người thổ dân, và tất cả những ai yêu mến và tìm đến ta, như một người Mẹ đầy lòng thương xót của con và của mọi người dân của con..." (trích từ niên sử cổ).

Trích từ NguoiTinHuu.