Saturday, December 11, 2021
Hạnh Các Thánh
11 Tháng Mười Hai
Thánh Giáo Hoàng Damasus I
(305? - 384)
Theo chứng từ của người thư ký là Thánh Giêrôme, Thánh Damasus là "một người không ai sánh bằng, rất hiểu biết Phúc Âm, một tiến sĩ trinh trắng của một Giáo Hội trinh trắng, rất yêu quý sự khiết tịnh."
Thánh Damasus có khi nào được nghe những lời tán dương đó. Những tranh giành nội bộ có tính cách chính trị, các tà thuyết, các tương giao căng thẳng với chính các giám mục của ngài và của Giáo Hội Ðông Phương đã làm lu mờ sự bình an trong triều đại giáo hoàng của ngài.
Là con của một tư tế Rôma, có lẽ thuộc gốc Tây Ban Nha, Damasus khởi sự là một phó tế trong nhà thờ của cha mình, sau đó ngài là tư tế (linh mục) của một đền thờ mà sau này là vương cung thánh đường San Lorenzo ở Rôma. Ngài phục vụ Ðức Giáo Hoàng Liberius (352-366) và đi theo đức giáo hoàng khi bị lưu đầy.
Khi Ðức Liberius từ trần, Damasus được bầu làm Giám Mục Rôma; nhưng một thiểu số khác lại chọn và tấn phong một phó tế khác là Ursinus làm giáo hoàng. Cuộc tranh luận giữa Damasus và giáo hoàng đối lập gây nên nhiều xung đột trong hai nhà thờ lớn, gây tiếng xấu cho các giám mục Ý. Trong một thượng hội đồng do Damasus triệu tập nhân ngày sinh nhật của ngài, Ðức Damasus yêu cầu các giám mục tán thành các hành động của ngài. Nhưng câu trả lời của các giám mục thật cộc lốc: "Chúng tôi quy tụ để mừng sinh nhật, chứ không để kết án một người chưa bao giờ nghe biết." Khoảng năm 378, những người ủng hộ vị giáo hoàng đối lập còn tìm cách đưa Ðức Damasus ra toà về một tội phạm -- có lẽ tội dâm dục. Ngài đã phải thanh minh trước toà dân sự cũng như trước một thượng hội đồng của Giáo Hội.
Khi là giáo hoàng, ngài có lối sống thật đơn giản trái ngược với các giáo sĩ ở Rôma, và ngài rất hăng say chống lại tà thuyết Arian và các tà thuyết khác. Một sự hiểu lầm trong văn từ về Ba Ngôi Thiên Chúa đã đe dọa mối giao hảo thân thiện với Giáo Hội Ðông Phương, và Ðức Damasus là người ôn hoà đã dàn xếp cách tốt đẹp.
Chính trong thời giáo hoàng của ngài (380) mà Kitô Giáo được tuyên bố là tôn giáo chính thức của Rôma, và tiếng Latinh trở nên ngôn ngữ chính thức trong phụng vụ nhờ sự cải cách của đức giáo hoàng. Cũng nhờ ngài khuyến khích Thánh Giêrôme học hỏi kinh thánh mà bộ Vulgate được chào đời, đó là bộ Kinh Thánh bằng tiếng Latinh mà Công Ðồng Triđentinô (11 thế kỷ sau) tuyên bố là "có giá trị để đọc giữa công chúng, được dùng để tranh luận, và để rao giảng."
Lời Bàn
Lịch sử của triều đại giáo hoàng và lịch sử Giáo Hội đã bị pha trộn với tiểu sử của Ðức Damasus. Trong một giai đoạn then chốt và nhiều khó khăn của Giáo Hội, ngài đã xuất hiện như một người bảo vệ đức tin đầy nhiệt huyết, biết khi nào phải tiến và khi nào phải thủ. Thánh Damasus giúp chúng ta ý thức hai đức tính của một người lãnh đạo xứng đáng: luôn nhận ra sự thôi thúc của Thần Khí và phục vụ. Cuộc chiến đấu của ngài nhắc cho chúng ta biết rằng Ðức Kitô không bao giờ hứa che chở Ðá Tảng của Người khỏi cơn phong ba, bão táp hay những người theo Người không gặp các khó khăn. Người chỉ đảm bảo sự chiến thắng sau cùng.
Lời Trích
"Ngài là đấng đi trên biển đã làm câm nín các ngọn sóng ác liệt, là đấng ban sự sống cho những hạt mầm tàn tạ của thế gian; Ngài là đấng tháo gỡ xiềng xích tử thần, và đã đưa về cho Martha người anh của cô sau ba ngày trong mộ tối. Tôi tin rằng, Ngài sẽ đưa Damasus chỗi dậy từ tro bụi" (văn mộ chí mà Ðức Damasus đã viết cho chính ngài).
Trích từ NguoiTinHuu.com
Friday, December 10, 2021
Hạnh Các Thánh
10 Tháng Mười Hai
Chân Phước Honoratus Kosminski
(1829 - 1916)
Ngài sinh ở Biala Podlaska (Ba Lan), và học về kiến trúc tại trường Nghệ Thuật ở Warsaw. Khi Wenceslau lên 16 tuổi thì mồ côi cha. Vì bị tình nghi là có tham gia trong nhóm phản loạn, ngài bị bắt và bị cầm tù từ tháng Tư 1846 đến tháng Ba năm sau. Năm 1848, ngài gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Honoratus Kosminski. Năm 1855 ngài giúp Chân Phước Mary Angela Truszkowska thành lập dòng Nữ Tu Felix.
Năm 1860, Cha Honoratus làm giám đốc một tu viện ở Warsaw. Ngài dành mọi nỗ lực trong việc rao giảng, hướng dẫn tinh thần các đệ tử sinh và giải tội. Ngoài ra ngài còn làm việc không biết mệt cho dòng Ba Phanxicô.Cuộc cách mạng năm 1864, nhằm lật đổ Nga hoàng Alexander III, đã bất thành đưa đến việc đàn áp các dòng tu ở Ba Lan. Các tu sĩ Capuchin bị đẩy ra khỏi Warsaw và buộc phải sống ở Zakroczym, là nơi Cha Honoratus tiếp tục sứ vụ của ngài và thành lập 16 tu hội nam cũng như nữ, mà các thành viên không phải mặc áo tu sĩ cũng như không phải sống trong khuôn viên của tu hội. Họ sinh hoạt giống như các tổ chức dòng ba bây giờ. Cho đến nay, vẫn còn mười bảy tu hội ấy hoạt động.Các văn bản của Cha Honoratus thì vô số kể: 42 tập bài giảng, 21 tập thư tín và 52 ấn bản thần học về sự khổ hạnh, sự sùng kính Ðức Maria, về lịch sử, về mục vụ -- chưa kể các thư từ ngài viết cho các tu hội mà ngài sáng lập.
Vào năm 1906, một vài giám mục tìm cách đưa các tu hội ấy dưới thẩm quyền của họ; Cha Honoratus chống lại quyết định đó để bảo vệ sự độc lập của các tu hội, và ngài bị cách chức giám đốc vào năm 1908. Sau đó, ngài khuyên các thành viên của các tu hội hãy vâng phục quyết định của Giáo Hội dù tương lai có ra sao.
Một người đương thời với ngài cho biết, Cha Honoratus "luôn luôn bước đi trong con đường của Thiên Chúa." Vào năm 1895, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Ðại Diện cho các tu sĩ Capuchin ở Ba Lan.
Ngài được phong chân phước năm 1988.
Lời Bàn
Chân Phước Honoratus đã làm việc hăng say để phục vụ Giáo Hội, một phần qua việc thiết lập các tu hội nhằm đáp ứng với hoàn cảnh đặc biệt của Ba Lan thời bấy giờ. Ngài đã có thể rút lui một cách cay đắng và oán hờn khi đường hướng các tu hội ấy bị tước đoạt khỏi tầm tay; nhưng ngài đã coi đó là những "niềm vui tuyệt đối." Ngài khuyên các thành viên hãy sẵn sàng và vui vẻ vâng phục, đem khả năng của mình để phục vụ Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô.
Lời Trích
Khi Giáo Hội lấy đi quyền điều khiển các tu hội của ngài và thay đổi đường hướng các tu hội ấy, Chân Phước Honoratus viết: "Ðấng Ðại Diện Ðức Kitô đã cho chúng ta biết thánh ý của Thiên Chúa, và tôi lãnh nhận mệnh lệnh này với đức tin& Anh chị em thân mến, hãy nhớ rằng đây là cơ hội để anh chị em chứng tỏ sự tuân phục một cách quả cảm đối với Giáo Hội."
Trích từ NguoiTinHuu.com
Thursday, December 9, 2021
Hạnh Các Thánh
9 Tháng Mười Hai
Chân Phước Gabriel Ferretti
(1385 - 1456)
Gabrien sinh trưởng trong một gia đình giầu có, đạo đức nên ngài được thừa hưởng nền giáo dục tôn giáo vững chắc. Vào năm 18 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô và được thụ phong linh mục năm 25 tuổi. Sau đó không lâu, ngài đi giảng phòng trong các giáo xứ trên toàn nước Ý, và đó là một công việc ngài đã thi hành trong 25 năm một cách thành công.
Ngài có nhiều nhân đức cũng như nhiều chức vụ mà ngài được giao phó. Ngài không bao giờ né tránh việc lao động, hoặc ngần ngại đương đầu với những vấn đề giao tế cá nhân. Là một người đạo đức và khiêm tốn, có lần trên đường đến Assissi, khi dừng chân cầu nguyện tại nhà thờ ở Foligno, ngài bị tưởng lầm là một thầy dòng Phanxicô nên bị thầy dọn lễ gọi lên giúp lễ cho một linh mục. Cha Gabrien khiêm tốn vâng lời. Thánh Lễ cử hành một cách tốt đẹp, cho đến khi có một linh mục nhận ra ngài là vị bề trên tỉnh dòng thì đã quá trễ, và thầy phụ trách việc dọn lễ bị khiển trách. Cha Gabrien đã bênh vực thầy, và nói, "Ðược giúp lễ là một đặc ân cao trọng. Các thiên thần cũng muốn được như thế. Do đó đừng khiển trách thầy ấy vì đã cho tôi vinh dự này!"
Tình yêu Thiên Chúa và Ðức Trinh Nữ Maria của Cha Gabrien được biểu lộ trong các bài giảng. Tình yêu ấy đã được đáp trả bằng cách Thiên Chúa cho ngài được thị kiến Ðức Kitô cũng như Mẹ Maria.
Ngài từ trần năm 1456 giữa sự luyến tiếc của các anh em tu sĩ dòng.
9 Tháng Mười Hai
Chân Phước Juan Diego
(1474-1548)
Lúc đầu người ta gọi ngài là Cuauhtlatohuac ("Con đại bàng cất tiếng"), tên Juan Diego thì mãi mãi đi liền với Ðức Mẹ Guadalupe vì chính ngài là người được Ðức Mẹ hiện ra ở đồi Tepeyac lần đầu tiên vào ngày 9-12-1531.
Ông là một thổ dân nghèo hèn, 57 tuổi, goá vợ, tên thật là Cuatitlatoatzin và sau khi rửa tội có tên là Juan Diego. Vào buổi sáng thứ Bảy, 9 tháng Mười Hai 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Ðức Mẹ. Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót. Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec. Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Ðức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu đức giám mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.
Dĩ nhiên vị giám mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ. Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng. Ðiều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ. Tuy nhiên, đức trinh nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị giám mục. Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp. Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị giám mục.
Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Ðức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac. Ðó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.
Sau đó, người ta không đề cập gì nhiều đến Juan Diego. Có lúc ông sống gần một ngôi đền được dựng ở Tepeyac, được mọi người kính trọng như một giáo lý viên thánh thiện, vô vị lợi và đầy lòng nhân ái qua lời nói cũng như gương mẫu.
Trong chuyến tông du năm 1990 đến Mễ Tây Cơ, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận một nghi thức có từ lâu đời nhằm vinh danh Juan Diego qua việc phong chân phước cho ông.
Lời Bàn
Thiên Chúa mong đợi Juan Diego đóng một vai trò khiêm tốn nhưng bao la trong việc đem Tin Mừng cho người dân Mễ Tây Cơ. Cố vượt qua sự lo sợ cũng như sự hồ nghi của Ðức Giám Mục Juan de Zumarraga, chân phước Juan Diego đã cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa khi ông cho dân chúng thấy rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu thì không riêng cho một ai. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhân cơ hội phong chân phước này để thúc giục người Mễ Tây Cơ hãy nhận lấy trách nhiệm rao truyền cũng như làm chứng cho Tin Mừng.
Lời Trích
"Cũng như các nhân vật trong phúc âm xưa đại diện chung cho mọi dân tộc, chúng ta cũng có thể nói rằng Juan Diego đại diện cho những người thổ dân đã chấp nhận Tin Mừng của Ðức Giêsu, nhờ sự trợ giúp của Mẹ Maria, là người luôn luôn sát cánh với hành động của Con Mẹ và sự phát triển của Giáo Hội, như khi ngài hiện diện với các Tông Ðồ trong ngày Hiện Xuống" (Bài giảng lễ phong chân phước của ÐGH Gioan Phaolô II).
Trích từ NguoiTinHuu.com
Wednesday, December 8, 2021
Hạnh Các Thánh
8 Tháng Mười Hai
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lc 1, 26-38
Mỗi người chúng ta đều có một bà mẹ trần thế. Mẹ là người sinh ra ta, cho ta bú mớm vỗ về, an ủi ta. Mẹ là người dậy ta tiếng nói đầu đời. Mẹ đưa ta tới trường ,mở rộng chân trời cho ta tiến bước. Mẹ dậy ta biết vượt thắng gian nan, đẩy lui thử thách, biết quí trọng thời gian. Mẹ làm gương cho ta về lòng bao dung, chia sẻ, nhân ái. Mẹ dậy ta phải sống công bằng bác ái. Mẹ giúp ta ham sống và tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Mẹ là niềm an ủi, là hạnh phúc và là sức mạnh để ta lướt thắng gian nguy .Vâng, Chúa đã trao cho mỗi người một bà Mẹ đáng yêu, đáng quí trọng, Chúa lại ban tặng cho nhân loại một bà Mẹ vượt trổi trên mọi bà Mẹ thế trần. Mẹ có tên tuyệt vời không tên nào dưới thế có thể diễn tả hết như Mẹ đã được gọi : MARIA .
-Maria là ai ?
-Tại sao Mẹ lại vô nhiễm nguyên tội ?
-Đặc ân vô nhiễm nguyên tội giúp ích gì ta ?
I. MARIA LÀ AI ?
Ở đây , ta chỉ nói lướt qua về Maria qua đoạn suy niệm này vì bài này không phải là một nghiên cứu về tiểu sử của Mẹ theo nhãn giới Kinh Thánh hay suy tư thần học mà người viết chỉ phác hoạ đôi nét cơ bản để người đọc dễ nhận ra Maria là ai. Maria là Mẹ Đấng cứu thế, đã sinh ra Chúa Giêsu. Maria được sinh ra trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Cha Người là thánh Gioankim và mẹ Người là bà thánh Anna. Maria được sinh ra vào lúc hai ông bà Gioankim và Anna đã già nua, tuổi tác .Maria sống ở làng quê Nazarét, miền Bắc nước Palestina. Lớn lên như mọi người con gái thời đó, Maria đã đính hôn với Giuse, làm nghề thợ mộc ở làng Nagiarét, thuộc dòng dõi vua Đavít.
Tuy đã đính hôn với Giuse, nhưng Maria đã khấn giữ mình đồng trinh để đời đời dành riêng cho Thiên Chúa, nên chính trong thời điểm này, ý định của Thiên Chúa đã đổ xuống trên trinh nữ Maria. Thiên Chúa đã sai Thiên sứ Gabrien đến gặp trinh nữ Maria và nói lên ý định tuyệt vời của Thiên Chúa, chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế . "...và này đây bà sẽ thụ thai,sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu "(Lc 1, 31 )
Maria bối rối, hoang mang, thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !"(Lc 1,34 ). Thiên sứ đã giải thích cho Maria rằng: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa "(Lc 1, 35 ) Sau khi được giải thích về việc thụ thai mà vẫn giữ mình thuộc trọn Thiên Chúa, Maria dứt khoát nói lời xin vâng: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói "(Lc 1,38 ) . Và Ngôi Hai là Chúa Giêsu đã ngự trị trong lòng Đức Trinh nữ Maria .
Rồi lúc đến ngày sinh con, Mẹ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem(Lc 2,7 ), khi hai ông bà Giuse và Maria phải trở về quê quán để khai hộ khẩu theo lệnh của hoàng đế Au-gút-tô (Lc 2,1 ) . Sau đó hai ông bà Giuse và Maria lại phải đem Chúa Giêsu lánh qua nước Aicập để tránh việc tàn sát con trẻ của hoàng đế Hêrôđê cho tới khi Hêrôđê băng hà; hai ông bà Giuse và Maria lại bồng bế Hài nhi Giêsu trở về Nazarét quê nhà.
Mẹ Maria đã sống một cuộc đời hết sức âm thầm với Chúa Giêsu và thánh Giuse suốt 30 năm Chúa ở với hai ông ba. Trong ba năm Chúa đi rao giảng và kết nạp các môn đệ, chúng ta chỉ gặp Đức Mẹ một lần ở tiệc cưới Cana. Lần khác nữa khi Mẹ Maria và vài người bà con đi tìm Chúa Giêsu, Chúa đã trả lời : "...Những người nghe và giữ lời Ta giảng dậy, đó là Mẹ và anh em của Ta " (Mc 3,31-35 ) . Một lần nữa , chúng ta bắt gặp Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu trên đồi Canvê(Ga 19,25 ). Lần cuối cùng,chúng ta thấy Mẹ Maria và các môn đệ cầu nguyện chung trong nhà tiệc ly để chờ đợi Chúa Thánh Thần (Cv 1,14 ). Rồi sau đó, có lẽ Đức Mẹ đã theo thánh Gioan đi rao giảng Tin Mừng ở Tiểu Á và đã qua đời ở Êphêsô .
Maria đã sống ẩn dật, âm thầm nhưng vì Mẹ là Mẹ Đấng cứu thế , nên muôn đời mọi thế hệ đều ngợi khen, tung hô Mẹ .
II. TẠI SAO MẸ LẠI VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI ?
Tội nguyên tổ do hai ông bà tổ tiên Adong và Eva đã truyền lại cho con cháu muôn đời. Riêng Mẹ Maria vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng cứu Thế, Thiên Chúa đã dành cho Người đặc ân vô cùng quí giá ngay khi Người còn đang trong cung lòng bà thánh Anna, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Con Mẹ sẽ sinh ra sau này, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria nguyên tuyền, trinh trắng,không hề mang tì vết : đó là đặc ân vô nhiễm nguyên tội Thiên Chúa dành riêng cho mình Mẹ mà thôi .
Chính vì thế, không một phút, một giây nào trong đời sống, Đức Mẹ đã phải khuất phục ma quỉ, đã ở trong tình trạng tội lỗi. Dù khi thụ thai, dù lúc sinh con, Mẹ Maria luôn thuộc trọn về Chúa, nghĩa là lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần, lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân phúc. Mẹ không hề mắc tội dù tội riêng mình làm vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, Mẹ phải là Đấng hoàn toàn nhất để xứng đáng làm Mẹ Ngôi Hai làm người. Mẹ là "Evà mới " như Giáo Hội đã ca tụng Mẹ "Thiên Chúa đã dọn cho con Ngài một chỗ ở xứng đáng nhờ đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Trinh Nữ" . "Mẹ được giữ sạch không vương chút tội lỗi nhờ vào ân sủng do cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ".
Đức thánh Cha Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Mẹ vô nhiễm nguyên tội ngày 8 tháng 12 năm 1854 và chỉ bốn năm sau đó chính Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadetta tại Lộ Đức ngày 25 tháng 3 năm 1858 đã xác nhận: "Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".
III. ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM GIÚP GÌ CHO TA ?
Chúng ta là con cái Đức Mẹ,Một người Mẹ hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất vì Mẹ luôn trong trắng, luôn tươi xinh, không một vết tì ố nào có thể làm ô nhiễm tâm hồn Mẹ .
Với đặc ân vô nhiễm nguyên tội, đặc ân được gìn giữ hồn xác vẹn toàn , Mẹ Maria là "Evà mới ", Evà mang sự sống, chứ không mang cái chết, chỉ có tội mới đem lại sự dữ, mang lại cái chết cho con người , còn Mẹ vì là người vẹn toàn được Thiên Chúa ấp ủ, bao bọc như Chúa gìn giữ con ngươi mắt Chúa, nên Maria đã trở nên mẫu gương trung thành tuyệt đối cho ta về đức trinh khiết Mẹ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Mẹ trở thành sao mai dẫn lối nhân loại vượt qua cuộc hải hành trần gian đầy cam go thử thách nhờ lòng tin kiên vững không hề lay chuyển qua lời thưa Xin Vâng của Mẹ. Maria đã cho ta hiểu qua đặc ân vô nhiễm nguyên tội , Mẹ bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng nguyên vẹn, ngàn trùng chí Thánh , Đấng vô cùng chung thủy đối với nhân loại này .
Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội ,xin cho chúng con hiểu được rằng Chúa đã yêu thương Mẹ, yêu thương mọi người chúng con và không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được .
Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết ngước nhìn lên Mẹ dù cuộc đời chúng con có muôn ngàn vấp ngã , để chúng con luôn chỗi dậy và được Mẹ dắt tay chỗi dậy.
Xin Mẹ giúp chúng con và nhân loại biết bước đi trong vâng phục, tin tưởng và cậy trông như Mẹ đã luôn tuân phục ý Chúa, làm theo ý Chúa và thực thi Lời Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Tuesday, December 7, 2021
Hạnh Các Thánh
7 Tháng Mười Hai
Thánh Ambrôsiô
(340?-397)
Một trong các người viết tiểu sử về Thánh Ambrôsiô nói rằng: vào ngày Phán Xét Chung sẽ vẫn còn sự tách biệt giữa những người thích thánh nhân và những người cực kỳ ghét bỏ ngài. Thánh Ambrôsiô nổi tiếng là một người có những quyết định táo bạo ảnh hưởng đến đời sống của những người cùng thời.
Vào năm 33 tuổi, Thánh Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự -- một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan, ngoài ra ngài còn là người bạn và đồng chí với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.
Và rồi vị giám mục của Milan từ trần. Vào lúc ấy, khoảng năm 374, nhiều tà giáo muốn tiêu diệt Giáo Hội. Vị cố giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Arian chống lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô. Vậy ai sẽ là người kế vị -- người Công Giáo hay người của phe Arian? Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một cuộc bạo động xảy ra.
Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình. Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nẩy và chọn lựa giám mục mà không cần phải xô xát.
Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người hô to, "Bầu Ambrôsiô làm giám mục!" Thế là tất cả mọi người đều đồng thanh, "Ambrôsiô là giám mục!"
Các vị giám mục khác của tỉnh thì quá vui mừng khi được phủi tay trước vấn đề khó khăn này. Nhưng Ambrôsiô không dễ hy sinh một sự nghiệp đầy hứa hẹn để chấp nhận công việc của một giám mục đầy nguy hiểm -- một công việc ảnh hưởng đến tính mạng trong thời lạc giáo. Bởi thế Ambrôsiô bỏ trốn. Khi ngài cầu viện đến hoàng đế để thay đổi quyết định nói trên với lý do là ngài chưa rửa tội, vị hoàng đế lại tuyên bố rằng ông rất vui mừng khi chọn được quan tổng trấn thích hợp với chức giám mục. Ambrôsiô trốn tránh trong nhà của một nghị sĩ, nhưng ông này đã đem nộp Ambrôsiô khi ông biết quyết định của hoàng đế.
Không còn biết trốn vào đâu nữa, Ambrôsiô ra đầu hàng. Vì ngài bị ép buộc phải chấp nhận chức giám mục, nên sẽ không ai ngạc nhiên nếu ngài vẫn tiếp tục lối sống cũ, như trước khi được tấn phong. Tuy nhiên, ngay sau đó Ambrôsiô đã phân phát tài sản cho người nghèo và tự đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Thánh Simplician để học thần học và Kinh Thánh.
Phe Arian tưởng rằng Ambrôsiô sẽ là giám mục "của họ" vì ngài từng là một viên chức của triều đình, và nhiều người trong chính quyền đều thuộc phe Arian. Nhưng Ambrôsiô đã dùng sở trường của một luật sư và tài hùng biện để chống lại phe Arian bất cứ nơi nào, dù ở nhà thờ, triều đình, thượng viện, hay ngay cả trong hoàng tộc. Tính ngoan cố của ngài khi không chấp nhận chức giám mục lúc đầu, nay lại trở thành vũ khí trong cuộc chiến chống lại lạc giáo và giúp ngài quyết tâm theo đuổi sự thánh thiện.
Khi người Goth xâm chiếm đế quốc và bắt nhiều người làm con tin, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã phải dùng chính tài sản của mình để chuộc. Ngài nói sự bác ái có giá trị nhất là chuộc kẻ tù đầy. Ngay cả các bình vàng của Giáo Hội, ngài cũng đem bán để lấy tiền chuộc. Ngài nói, "Cứu vớt các linh hồn cho Chúa thì tốt hơn là duy trì tài sản. Ðức Kitô đã sai các tông đồ đi rao giảng mà không có vàng bạc, và cũng không cần vàng bạc để thành lập Giáo Hội của Người. Giáo Hội làm chủ vàng bạc, không phải để tích trữ, nhưng để phân phối và giúp đỡ những người kém may mắn."
"Chắc chắn Chúa sẽ hỏi chúng ta: 'Tại sao con lại để quá nhiều người nghèo đói? Vì con có vàng bạc, con phải cấp dưỡng cho họ'& Có thể nào chúng ta trả lời rằng: 'Vì con không muốn để đền thờ của Chúa không được trang hoàng.' Nhưng những gì không mua được bởi vàng bạc thì cũng không có giá trị bởi vàng bạc. Phương cách tốt nhất để sử dụng vàng bạc của Ðấng Cứu Thế và hãy cứu vớt những người lâm cảnh hoạn nạn."
Ðức Giám Mục Ambrôsiô luôn luôn lưu tâm đến người nghèo hơn là quyền lực. Ngài thường khiển trách người giầu khi lãng quên người nghèo: "Thiên Chúa tạo nên vũ trụ trong một phương cách để tất cả những gì là của chung sẽ đem lại no ấm cho con người, và trái đất là sở hữu chung của tất cả mọi người. Tại sao bạn lại từ chối một người cũng có quyền đối với thiên nhiên như bạn? Của cải bạn cho người ăn xin không phải của chính bạn, nhưng đó là phần của người ấy mà bạn phải hoàn trả cho họ. Trái đất thuộc về tất cả mọi người. Bởi thế, bạn đang trả nợ mà lại nghĩ đang ban bố một ơn huệ."
Khi hoàng đế từ trần, Hoàng Hậu Justina, một người phe Arian, trở thành nhiếp chính cho đứa con trai bốn tuổi. Maximus, một cựu sĩ quan Rôma, biết rằng cái chết của hoàng đế sẽ làm suy yếu đế quốc nên dự định tấn công. Justina xin Ambrôsiô thương lượng với tên này. Mặc dù Justina là một kẻ thù, Ambrôsiô đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã thuyết phục được Maxima ngừng xâm lăng.
Thay vì biết ơn Ambrôsiô, Hoàng Hậu Justina lại yêu cầu Ðức Giám Mục Ambrôsiô trao lại vương cung thánh đường cho phe Arian. Thánh nhân trả lời rằng ngài không bao giờ nhường đền thờ của Thiên Chúa.
Dân chúng đứng về phe Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Ngài thừa khả năng để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Justina. Nhưng ngài thận trọng không dùng bất cứ lời nói hay hành động nào để khích động dân chúng.
Khi một số người Công Giáo bắt giữ một linh mục phe Arian và kết án tử hình, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã nhân danh hòa bình xin tha cho vị linh mục này và nói rằng: Thiên Chúa sẽ phải đau khổ khi thấy cảnh máu chảy thịt rơi. Ðức Ambrôsiô gửi các linh mục và phó tế của ngài đến giải thoát cho vị linh mục Arian này.
Sau đó Hoàng Hậu Justina thuyết phục con mình ban bố luật lệ để hợp pháp hóa lạc giáo Arian và cấm người Công Giáo không được chống đối người Arian. Không ai có thể đệ trình một thỉnh cầu chống với một tổ chức tôn giáo đang có thế lực.
Vào Chúa Nhật Lễ Lá, trong bài giảng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô tuyên bố không nhường lại các nhà thờ. Cả giáo đoàn, vì lo sợ cho tính mạng, đã phòng thủ trong nhà thờ với vị chủ chăn là Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Quân triều đình bao vây chung quanh ngăn chặn mọi đường tiếp tế, để dân chúng vì đói mà phải ra đầu hàng. Cho đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả mọi người vẫn kiên trì phòng thủ.
Khi chạm trán với lực lượng bao vây, Ðức Giám Mục Ambrôsiô nói, "Vũ khí của tôi chỉ là nước mắt. Tôi không muốn từ bỏ nơi đây, nhưng tôi không chống cự bằng võ lực."
Ðể trấn an dân chúng đang khiếp sợ, Ðức Giám Mục Ambrôsiô dạy họ hát thánh vịnh do chính ngài sáng tác. Ngài chia cộng đoàn làm hai bên để đối đáp. Ðây là lần đầu tiên việc hát đáp ca được ghi nhận trong lịch sử Giáo Hội.
Tiếng nhạc và lời kinh vượt ra ngoài bốn bức tường của thánh đường và làm rúng động tâm hồn các binh lính. Không bao lâu, chính họ cũng cất tiếng phụ họa. Sự vây hãm chấm dứt.
Vì biết quân triều đình đang tập trung vào việc chống đối người Công Giáo, Maximus một lần nữa lại quyết định tấn công Rôma. Justina và hoàng tộc thật kinh hãi. Không biết trông vào ai, sau cùng họ lại quay về với người mà họ từng tấn công và đe dọa. Họ xin Ðức Giám Mục Ambrôsiô đến gặp Maximus và ngăn chặn sự tấn công.
Trong một hành động tha thứ có thể nói lạ lùng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô lại thi hành nhiệm vụ cho kẻ thù. Khi Maximus từ chối thoả hiệp, ngài vội vã trở về để chuẩn bị. Justina và hoàng tộc trốn sang Hy Lạp, trong khi Ðức Giám Mục Ambrôsiô ở lại chống đỡ. May mắn thay, vị hoàng đế đông phương là Theodosius đã can thiệp và đánh bại Maximus. Tuy nhiên, sau đó Theodosius đã chiếm quyền kiểm soát toàn thể đế quốc Rôma. Theodosius là người Công Giáo và sau này trở thành người bạn chí thiết của Ðức Giám Mục Ambrôsiô.
Ðức Giám Mục Ambrôsiô từ trần năm 397, khoảng 57 tuổi. Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng Mười Hai, là ngày ngài "bị" tấn phong giám mục.
Trích từ NguoiTinHuu.com
Monday, December 6, 2021
Hạnh Các Thánh
6 Tháng Mười Hai
Thánh Nicholas
(c. 350?)
Việc thiếu những dữ kiện "xác thực" của lịch sử không ảnh hưởng đến sự nổi tiếng của các thánh, như trường hợp của Thánh Nicholas cho thấy. Cả hai giáo hội Ðông Phương và Tây Phương đều vinh danh ngài, có thể nói, sau Ðức Mẹ, ngài là vị thánh thường được các nghệ sĩ Kitô Giáo mô tả. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, chúng ta chỉ biết một dữ kiện, Thánh Nicholas là giám mục ở Myra vào thế kỷ thứ tư -- Myra là một thành phố nằm trong Lycia, một tỉnh của Tiểu Á.
Tuy nhiên, như nhiều vị thánh khác, chúng ta có thể biết được mối quan hệ giữa thánh nhân và Thiên Chúa qua sự ngưỡng mộ mà các Kitô Hữu dành cho ngài -- sự ngưỡng mộ được diễn tả qua các câu truyện đầy màu sắc và thường được kể đi kể lại trong nhiều thế kỷ.
Có lẽ câu truyện nổi tiếng nhất về Thánh Nicholas là lòng bác ái của ngài đối với một gia đình nghèo khổ mà ông bố không có của cải để cho ba cô con gái làm của hồi môn. Vì không muốn trông thấy họ phải lâm vào cảnh đĩ điếm, Thánh Nicholas đã bí mật ném ba gói vàng qua cửa sổ nhà ông này vào ba trường hợp khác nhau, để giúp các cô con gái ấy đi lấy chồng. Qua các thế kỷ, huyền thoại này trở thành thói quen tặng quà nhân ngày lễ kính thánh nhân. Trong thế giới nói tiếng Anh, Thánh Nicholas trở thành Santa Claus và người Việt thường gọi là ông già Noel. Ông già Noel ngày nay đã bị xã hội tục hóa quá nhiều khiến lu mờ đi ý nghĩa chính của câu truyện, đó là tấm gương quảng đại của vị giám mục thánh thiện này.
Lời Bàn
Cái nhìn có tính cách phê phán của lịch sử hiện đại giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa sâu xa hơn của các huyền thoại về Thánh Nicholas. Có lẽ, bài học thiết thực nhất của ngài là lòng bác ái. Hãy nhìn đến thái độ của chúng ta đối với vật chất trong mùa Giáng Sinh, và hãy tìm ra các phương cách để chia sẻ của cải ấy cho những người có nhu cầu.
Lời Trích
"Ðể có thể nhận ra các nhu cầu phúc lợi thích hợp cho tín hữu tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, vị giám mục phải cố gắng quen thuộc với nhu cầu của họ trong các hoàn cảnh xã hội mà họ sinh sống... Ngài phải bày tỏ sự lưu tâm đến tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, tình trạng, hay quốc tịch, dù họ là người bản xứ, người xa lạ, hay người nước ngoài" (Sắc Lệnh về Văn Phòng Mục Vụ của các Giám Mục, 16).
Trích từ NguoiTinHuu.com
Sunday, December 5, 2021
LỜI CHÚA HÔM NAY
Chúa
Nhật Thứ 2 Mùa Vọng Năm C
Ngày 05 Tháng 12 Năm 2021
Năm Thánh Giuse
Như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
- Lc3: 1-6
A voice of one crying out in the desert: "Prepare the way of the Lord, make straight his paths. Every valley shall be filled and every mountain and hill shall be made low. The winding roads shall be made straight, and the rough ways made smooth, and all flesh shall see the salvation of God."
- Lk 3:1-6
Lời Mời Ơn Gọi. Gioan Tẩy Giả loan báo và đã chuẩn bị cho Đức Chúa. Hãy đề xướng Tin Mừng trong cộng đoàn của anh em.
Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời Và
Dòng Nữ Tôi Tớ Chúa Thánh Thần
Hãy Gọi 1-800-553-3321
A Call To Vocation: John Baptist cried out and made ready for the Lord. Promotes the gospel in our community
Divine Word Missionaries and
Sister Servants of The Holy Spirit
Call 1-800-553-3321
Tin Các Giám Mục Ohio. Bắt đầu từ Chúa nhật hôm nay ngày 5.12.2021. Mọi người Ki-tô hữu buộc tham dự các thánh lễ Chúa Nhật và các Lễ trọng. Tham dự Thánh Lễ trực tuyến chỉ dành cho người đau yếu, cao niên hay tù nhân hay những người dễ bị nhiễm bệnh mà thôi. Chúng ta buộc tới nhà Chúa đễ cầu nguyện ngày Chúa Nhật.
Tin Đoàn Thanh Niên Công Giáo Thuộc CĐ Đức Mẹ La-vang.
Trong xuất 4 tuần Mùa Vọng 2021 này, Đoàn Thanh Niên Trẻ thuộc Cộng đoàn mời gọi các ông bà anh chị em tham gia chiến dịch giúp những người nghèo qua việc cung cấp : các lon thức ăn, đặc biệt các cục xà phòng, bàn chải và kem đánh rang,găng tay và mũ đội. Tất cả những vật dụng cá nhân này sẽ được giới trẻ thu góp để trao cho những nơi giúp người nghèo thuộc TGP Cincinnati chúng ta.
Các cha mẹ nào muốn cho con tham gia Đoàn và muốn biết thêm chi tiết, hãy gọi Chị Trưởng Đinh Thúy số 513-435-5725 để ghi danh cho con cái của mình tham gia.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta đã cảm thông và chia xẻ với những người túng thiếu đang sống chung quanh chúng ta.
Chương Trình Mục Vụ Mùa Vọng.
1) Chúng ta hãy dọn mình xưng tội từ bây giờ càng sớm càng tốt. Đừng để gần tới ngày lễ mới lo dọn mình xưng tội, chúng ta sẽ gặp khó khăn. Có thể được hãy gọi gặp Cha QN xin xưng tội trong ngày thường như có thể.
2) Các vị Cao niên và những người đau yếu sẽ được sức dầu trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng ngày 12 tháng 12 năm 2021 vào lúc 11:00 sáng.
3) Lúc 8:00 tối Thứ Bảy ngày 18 tháng 11 năm 2021 sẽ có nghi thức hòa giải xưng tôi ngay sau Thánh lễ lúc 7:00pm. Chúng ta hãy đến tham dự
Cộng Đoàn Nấu Bánh Chưng Bánh Tết. Như mọi năm, Cộng đoàn chúng ta năm nay cũng sẽ gói bánh Bánh Chưng Bánh Tét giúp chúng ta chuẩn bị ăn Tết Tây và Tết Ta. Rất mong anh chị em đặt bánh trước để Ban Nhà Bếp biết trước mà sẽ ra bánh. Các Chúa Nhật sẽ ra Bánh như sau:
Chúa nhật ngày 12 & 19 tháng 12 năm 2021 và các Chúa Nhật ngày 09, 16 và 23 tháng 1 năm 2022. Quý anh chị em nào muốn ủng hộ Lá gói, Thịt Heo, Đậu Xanh, Nếp hay Ngân Quỹ và đặt bánh, hãy liên lạc những người chịu trách nhiệm như sau: Ông Nguyễn Hào 513-646-2160, hoặc Anh Nguyễn Bảy 859-468-7078 hoặc Chị Ngọc Diễm số 513-886-3464. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người chúng ta chung nhau xây dựng Giáo Xứ/Cộng Đoàn.
Hãy Ũng Hộ Cộng Đoàn Đặt Mua Bánh Chưng Bánh Tét. Giá ủng hộ Đặt Mua mỗi Bánh $20 một cái. Anh chị em nào muốn đặt bánh để có bánh cho gia đình ăn, hay tặng bà con hãy liên lạc.
1) Ông Nguyễn Hào 513-646-2160.
2) Anh Bùi Lợi/ Bảy 859-468-7078.
3) Chị Ngọc+Diễm 513-886-3464. Anh chị em hãy giúp Cộng đoàn loan báo tin này. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
Anh Em Nên Biết ! Cộng Đoàn Có Phòng Cho Thuê Tổ Chức Tiệc Cưới, Tiệc Sinh Nhật, Tiệc Giỗ hay Tiệc Gia đình dưới 250 người. Cần Nhà Bếp Cộng Đoàn nấu thức ăn cho lễ giỗ hay tiệc gia đình với các món ăn như xôi, chè, nem chua, bún, cơm..v.v. Muốn biết thêm chi tiết, hãy liên lạc với A. Nguyễn Thành 513-668-8182. Chị Đinh Loan 859-802-9925 và Chị Ngọc-Diễm số 513-886-3464.
Tin Nhà Bếp. Cám ơn qúi vị đã ũng hộ mua các thức ăn do nhà bếp nầu. Cám ơn các anh chị em đã giúp nấu và tặng các các món ăn để bán gây quỹ cho Cộng đoàn trong tuần này. Nếu quý ông bà anh chị em muốn tặng các món thức ăn chính mình nấu cho Cộng đoàn bán gây gũy mỗi Chúa Nhật, hãy gọi cho Chị Đinh Mindy 513.886.3464 biết. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và Gx chúng ta.
Hạnh Các Thánh
5 Tháng Mười Hai
Thánh Sabas
(s. 439)
Sinh ở Cappadocia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), Thánh Sabas là một trong những thượng phụ đáng kính của các đan sĩ Palestine và được coi là một trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của Ðông Phương.
Sau thời thơ ấu thiếu hạnh phúc mà ngài thường bị đánh đập và bỏ nhà một vài lần, sau cùng Sabas đã đến trú ẩn trong một tu viện. Mặc dù gia đình đã nhiều lần dụ dỗ trở về nhà, người thiếu niên ấy cảm thấy bị thu hút bởi đời sống đan viện. Và mặc dù là một đan sĩ trẻ nhất trong cộng đoàn, ngài trổi vượt về nhân đức.
Vào năm 18 tuổi, ngài đến Giêrusalem, tìm hiểu biết thêm về lối sống cô độc. Không bao lâu, ngài xin được làm đệ tử của một vị ẩn tu nổi tiếng ở địa phương, dù rằng lúc đầu ngài được coi là quá trẻ để có thể theo được lối sống khắc khổ. Trong thời gian ở tu viện, vào ban ngày ngài làm việc quần quật và ban đêm ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Vào lúc 30 tuổi, ngài được phép dành năm ngày mỗi tuần để sống trong một hang động thật xa vắng, để cầu nguyện và lao động chân tay dưới hình thức đan rổ rá.
Sau khi vị linh hướng là Thánh Euthymius từ trần, Sabas đi sâu vào sa mạc hơn nữa, gần Jericho. Ở đây ngài sống trong một hang động gần con suối Cedron mà lối ra vào chỉ là sợi dây thừng, còn thức ăn là rau cỏ dại mọc trên đá sỏi. Thỉnh thoảng có người đem cho ngài các thực phẩm và đồ gia dụng cần thiết, trong khi ngài phải tự đi tìm nước uống.
Một số người đến với ngài để xin gia nhập đời sống ẩn dật. Lúc đầu ngài từ chối. Nhưng không lâu sau khi ngài cho phép, những người theo ngài lên đến trên 150 người, tất cả đều sống trong các túp lều tranh riêng rẽ quây quần thành một cộng đoàn, gọi là laura.
Trong thời gian ngài khoảng 50 tuổi, đức giám mục thuyết phục Sabas chuẩn bị chịu chức linh mục để ngài có thể phục vụ cộng đoàn đan viện của ngài tốt đẹp hơn trong vai trò lãnh đạo. Mặc dù điều khiển một cộng đoàn đan sĩ với tư cách tu viện trưởng, ngài vẫn cảm thấy ơn gọi sống đời ẩn dật. Hàng năm -- thường vào mùa Chay -- ngài bỏ cộng đoàn trong một thời gian khá lâu khiến các đan sĩ thật lo lắng. Một nhóm khoảng 60 người rời bỏ tu viện, thành lập một cộng đoàn ở gần đó mà không có phương tiện cần thiết. Khi Sabas nghe biết về các khó khăn họ phải gánh chịu, ngài đã rộng lượng cấp dưỡng cho họ và giúp đỡ xây dựng cộng đoàn.
Trong nhiều năm trời, Sabas đi khắp Palestine, rao giảng đức tin chân chính và đem được nhiều người về với Giáo Hội. Vào lúc 91 tuổi, theo lời thỉnh cầu của Ðức Thượng Phụ Giêrusalem, Sabas thực hiện cuộc hành trình đến Constantinople cùng lúc với cuộc nổi loạn của người Samaritan và sự đàn áp đầy võ lực. Ngài cảm thấy đau yếu và, sau khi trở về nhà không lâu, ngài từ trần tại tu viện Mar Saba. Ngày nay tu viện này vẫn còn các đan sĩ của Giáo Hội Chính Thống Giáo, và Thánh Sabas được coi là một trong những nhân vật sáng giá của đời sống ẩn tu thời tiên khởi.
Trích từ NguoiTinHuu.com