Saturday, July 29, 2023

 

30 Tháng Bảy


Thánh Phêrô Chrysologus
(406-450?)

 

Thánh Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Ðức Cornelius, là Giám Mục của Imola.

 

Thánh Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài. Vào năm 433, Ðức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.

 

Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét, "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Ðức Kitô."

 

Thánh Phêrô Chrysologus từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.


Lời Bàn

 

Chắc chắn rằng thái độ của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài tài hùng biện. Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc học hỏi là sự thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo. Sự ngu dốt không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến thức là nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay tài chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức -- dù kiến thức đạo hay đời -- theo khả năng và cơ hội của mỗi người.


Lời Trích

 

Eutyches, người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Ðức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: "Vì lợi ích cho đức tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của vị giám mục Rôma." Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

Friday, July 28, 2023

 

29 Tháng Bảy
Thánh Mácta

 

Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô." Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.

 

Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10:38-42, Gioan 11:1-53, và Gioan 12:1-9.

 

Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta -- thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.

 

Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.

 

Cuộc đối thoại của ngài với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

 

Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: "Mácta lo hầu hạ." Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.

 

Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.


Lời Bàn

 

Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng trong đoạn văn diễn tả việc Lagiarô sống lại, Thánh Gioan có ý nhắn nhủ chúng ta phải coi lời của Mácta nói với Maria (trước khi Lagiarô sống lại) như tóm lược những gì một Kitô Hữu phải vâng theo. "Thầy có mặt ở đây và đang hỏi đến em." Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta đến sự phục sinh -- mà sự phục sinh ấy hiện có trong đức tin khi rửa tội, được chia sẻ vĩnh viễn sự chiến thắng của Người đối với sự chết. Và tất cả chúng ta, cũng như ba người bạn của Chúa Giêsu, được mời gọi kết tình bằng hữu với Chúa trong một phương cách độc đáo.

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

Thursday, July 27, 2023

 

28 Tháng Bảy


Thánh Leopold Mandic
(1887-1942)

 

Kitô Hữu Tây Phương đang nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn với Kitô Hữu Chính Thống Giáo, có thể đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Leopold Mandic.

 

Thánh Leopold sinh ở Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban."

 

Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính. Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia nhập Dòng này.

 

Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Ðạo Thánh Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.

 

Sau khi chịu chức linh mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Ðông Âu đang tan nát vì tranh chấp tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.

 

Từ 1890 đến 1906, Cha Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.

 

Chính ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.

 

Vào tháng Chín 1940, Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào năm 1976 và sau cùng, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1983.


Lời Bàn

 

Thánh Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ "hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện của Chúa" (Quy Luật 1223, Chương 10) -- đó là những lời mà Thánh Leopold đã sống. Khi bề trên tổng quyền dòng Capuchin viết thư cho các tu sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold đã chứng tỏ "sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu."


Lời Trích

 

Thánh Leopold thường hay tự nhủ: "Hãy nhớ rằng ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các linh hồn... Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó là: 'Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên'" (Gioan 10:16).

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

Wednesday, July 26, 2023


 27 Tháng Bảy


Chân Phước Antôniô Lucci
(1682-1752)

 

Antôniô cùng học chung và là người bạn của Thánh Francesco Antonio Fasani, là người đã ra tòa án Giáo Hội để làm chứng cho sự thánh thiện của Antôniô sau khi ngài từ trần.

 

Sinh ở Agnone miền nam nước Ý, đó là một thành phố nổi tiếng về sản xuất chuông và đồ đồng, Antôniô có tên rửa tội là Angelo. Ngài theo học trường của các tu sĩ Phanxicô và gia nhập cộng đoàn này khi 16 tuổi. Antôniô hoàn tất chương trình tu tập ở Assisi và thụ phong linh mục năm 1705. Sau đó, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và được bổ nhiệm làm giáo sư ở Agnone, Ravello và Naples. Ngài cũng là cha bề trên nhà dòng ở Naples.

 

Ðược bầu làm bề trên giám tỉnh năm 1718, và năm sau đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư trường Thánh Bônaventura ở Rôma. Ngài giữ chức vụ này cho đến năm 1729, ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII chọn làm giám mục của Bovino (gần Foggia). Ðức giáo hoàng cho biết, "Tôi vừa chọn được một thần học gia xuất chúng và vị đại thánh làm giám mục Bovino."

 

Trong 23 năm làm giám mục, Ðức Lucci thường đến thăm các giáo xứ và canh tân đời sống phúc âm của giáo dân trong địa phận. Ngài dùng tiền lương của một giám mục để hỗ trợ cho công việc giáo dục và bác ái. Theo sự thúc giục của bề trên dòng, Ðức Giám Mục Lucci đã viết cuốn sách về các thánh và các chân phước của dòng Phanxicô trong 200 năm đầu tiên.

 

Ngài được phong chân phước năm 1989, ba năm sau khi người bạn của ngài là Cha Francesco Antonio Fasani được phong thánh.


Lời Bàn

 

Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong năm 1975, con người ngày nay "được cảm kích bởi các chứng nhân hơn là người giảng dạy, và nếu họ nghe những người này, đó là vì người giảng dạy cũng là các chứng nhân" (Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay, #41).

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

LỜI CHÚA HÔM NAY

 

Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm A Ngày 23 Tháng 07 Năm 2023 

  “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.

-Mt 13:24-43



“The kingdom of heaven may be Likened to a man who sowed good seed in his field. While everyone was asleep his enemy came and sowed weeds all through the wheat, and then went off. When the crop grew and bore fruit, the weeds appeared as well.

 -Mt 13:24-43

 Lời Mời Ơn Gọi : 

Đức Chúa là Thiên Chúa nhân từ và từ bi, giầu lòng nhân từ và thành tín. Lời đáp của chúng ta là một lời tạ ơn vì Chúa đã gọi chúng ta trở thành môn đệ của Người.

 Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời 

Và Dòng Nữ Tôi Tớ Chúa Thánh Thần. 

 Hãy Gọi 1-800-553-3321 



A Call To Vocation: 

The Lord is a God of mercy and graciousness, abounding in kindness and fidelity. Our response is one of gratitude for calling us to be his disciples. 

Divine Word Missionaries 

and Sister Servants of The Holy Spirit 

 Call 1-800-553-3321

 Trách Nhiệm Chúa Nhật 17 Thường Niên Ngày 30/ 07/ 2023 Năm A 

 * Đọc Thông Báo. A. Nguyễn P. Thành. 

* Giúp Lễ: Trần Jacqueline, Trần Justin, Trần Joe, và A. Đinh Diễm 

 * B. Đọc I: Đoàn TNTT 

* Đáp Ca: Ca Đoàn 

* B. Đọc II: Đoàn TNTT

 * LN Giáo Dân & Dâng Của Lễ: Đoàn TNTT 

* Sóc Rổ : Nhóm 4: Đoàn TNTT 

* TTV Thánh Thể: Giuse Nguyễn Phong, Đaminh Trần Vinh, Teresa Đào Phượng.

 Cầu Nguyện Cho Những Người Cao Niên Và Những Người Đau Yếu Trong Cộng Đoàn. 

Bà Võ Kiếm, Bà Thuận (Mẹ chị Lan+Tùng), Ông Bà Hà Diệm, Bà Nguyễn Phong, Ông Bà Phạm Nhân. Bà Nguyễn Đề. Bà Cố Rật, Bà Cố Long, Ông Bà Nguyễn Khải. Ông Nguyễn Văn Tâm, Bà Viêm, Vợ Ông Sinh, Bs Bùi Hải, Bà Huệ, Bà Nguyễn Thao (Chính), Bà Nguyễn Thị Xinh, và Ông Phạm Phú Hộ.

 Tin Việt Ngữ và Giáo Lý 2023-2024.

 Các chương trình Việt Ngữ và Giáo Lý niên khóa 2023 –2024 sẽ được khai giản vào Chúa Nhật ngày 27 tháng 8 năm 2023. Cha mẹ và phụ huynh có các con nhỏ chưa được Lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức trở xuống hãy lo cho con mình tham dự các lớp học Giáo Lý để các em hiểu biết về Thiên Chúa, Hội Thánh và Đức Tin. Hãy nhận đơn ghi danh ở cuối nhà thờ sớm như có thể để giúp xắp xếp lớp cho các em được tốt đẹp. Các đơn được để ở trên bàn trước cửa chính Đền Thờ.

 Ơn Toàn Xá. 

Chúa Nhật hôm nay ngày 23 tháng 7 năm 2023 là Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Niên. Trong ngày này người Ki -tô hữu nào muốn đón nhận Ơn Toàn Xá thì cần những điều kiện như sau: Xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Quý ông bà, người cao niên và tất cả các tính hữu, những người được thức đẩy bởi tính thần sám hối và bác ái thực sự, tham dư thánh lể thì được ơn toàn xá. Ơn Toàn Xá cũng có thể được áp dụng như lời cầu bầu cho các linh hồn trong luyện ngụy. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

 Bầu Cử Ngày 8 Tháng 8 Năm 2023. 

 Sự Sống mỗi ngày bị vi phạm trầm trọng. Con người không có quyền sống mà tùy thuộc vào chính quyền. Chính quyền tiểu bang Ohio đang muốn thông qua đạo luật phá thai từ khi ngày đầu thụ thai cho tới khi đứa bé được sinh ra. Nếu đạo luật này được đa số người dân thuộc tiểu bang Ohio chấp nhận vào ngày 8 tháng 8 này, đạo luật này sẽ được quyết đinh vào cuộc bầu cử Thứ 3 ngày 7 tháng 11 năm 2023. Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr kêu gọi mọi người tín hữu Vote “NO” vào ngày bầu cử này để lên tiếng Bảo Vệ Sự Sống.

 Cộng Đoàn Có 6 Khu Thay vì 8 Khu Có Trước Đây.

 +Trưởng Khu 1: Ông Nguyễn Hào

 Zip codes: 45002, 45047, 45052, 45205, 45206, 45207, 45208,45211, 45215, 45218, 45224, 45229, 45231, 45233, 45238, 45239, 45246, 45247, 45248, 45251. 

 +Trường Khu 2: A.Nguyễn Đ. Thành 

 Zip codes: 45013, 45014, 45030, 45032, 45056, 45240, & 45252. 

+ Trưởng Khu 3: Maria Trương Hạ 

 Zipcode: 45011, 45015, 45044. 

+ Trưởng Khu 4: Têrêsa Đào Phượng 

 Zip codes: 45069, 45050. 

+Trường Khu 5: Chị Hoàng Duyên. 

 Zip codes: 45034, 45036, 45040, 45065, 45102, 45103, 45111, 45122, 45131, 45139, 45140, 45150, 45174, 45208, 45212, 45213, 45226, 45230, 45231, 45236, 45237, 45241, 45242, 45243, 45244, 45245, 45249. 45255, 45257. 

 +Trưởng Khu 6: Giuse Đinh Trung (Người Việt ở Kentucky) 

 Mỗi gia đình hãy nhận biết các Trưởng Khu của mình mà liên lạc khi gia đình có người đau yếu, qua đời, hôn phối, hay rửa tội..v.v. Gia đình nào không biết mình thuộc Khu nào, hãy gọi cho Cha Quản Nhiệm để biết.

 Tham Dự Đại Hội Thánh Mẫu 2023 Tại Bang Missouri.

 Từ Thứ 5 ngày 3 tới Thứ 7 ngày 5 tháng 8 năm 2023. Có một xe bus 50 chỗ ngồi, ai muốn đi xin gọi cho Anh Nguyễn Hoàng người tổ chức sổ 513-725- 7015. Ai gọi trước sẽ có chỗ ngồi. Vẫn còn 2 chỗ nữa cho những ai muốn.

 Tham Dự Tổng Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc 2024 Tại Indianapolis. 



Hội Đồng Giám Mục Toàn Nước Mỹ sẽ tổ chức 3 ngày Tổng Nghi Thánh Thề và mời gọi mọi người thuộc mọi Giáo Xứ trên toàn Nước Mỹ tham dư. Tổng Đại Nghị Thánh Thể Toàn Quốc lần thứ 10 này sẽ được tổ chức từ chiều ngày Thứ Sáu 17 tới sau trưa Chúa Nhật ngày 21 tháng 7 năm 2024 tại Vận Động Trường Luca Oil / Lucas Oil Stadium tại Down Town Indianapolis bang Indiana. Hãy vào mạng ghi danh tham dự nhanh như có thể.

 Muốn Tham Gia Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc 2024. 

Anh chị em nào muốn tham dự 3 ngày cuối tuần Tổng Hội Nghị Thánh Thể Toàn Quốc lần thứ 10 này mà muốn ở Hotel trong những ngày này, Chị Đinh Ngọc (Mindy) sẽ giúp ghi danh Hotel cho những anh chị nào muốn và ghi danh tham dự. Hãy nhớ, ai muốn tham dư phải ghi danh tham dự vì sẽ có nhiều buổi Hội Thảo tùy theo mình thích tham dư. Hãy gọi Chị Đinh Ngọc số 513-886-3464.

 Ngày Píc-níc Cộng Đoàn 2023. 

 Đó là Chúa Nhật ngày 20 Tháng 8, 2023 tại Sân Đậu Xe Nhà Thờ. Thánh Lễ vào lúc 11:00 Sáng. Sau Thánh Lễ có bữa ân với nhau từ 1:00 trưa tới 5:00 chiều với Ca nhạc Karaoke lâu dài như có thể. Chúng ta hảy ghi lịch để dành ngày đó cùng nhau chung vui. Một năm chỉ có một ngày Píc níc này thôi.

 Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo 2023.

 Năm nay Ngày Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo sẽ vào ngày 22 tháng 10 năm 2023. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Sứ Mạng Truyền Giáo của Hội Thánh được mạnh mẽ và kết quả tốt đẹp.

 Tết Trung Thu 2023.

 Đây là Tết Nhi Đồng, Tết Trẻ Em. Trăng rằm Tết Trung Thu năm nay vào ngày Thứ Sáu ngày 29 tháng 9 năm 2023. Các em trong Cộng đoàn sẽ mừng Tết này vào Thứ 7 ngày 30 tháng 9 từ 6:00pm cho tới 9:00pm ?

 Cám Ơn. 

Nhà Bếp cám ơn Anh Chị Trình+Lan ủng bánh mì trị giá $50 trong tuần qua. Cô giáo Lisa tặng mấy chậu hoa kiểng. Chi Trương Liên tặng 78 cân thịt heo. Bà Lê Tâm giúp làm sạch cỏ bãi đậu xe. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

 Báo Cáo Tài Chánh CN 16/7/2023

 +Xóc Rổ: $1.191 

 +Bổng Lễ: $ 105 

 +Bán Thực Phẫm: $1.566 

 +SócRổ lần2 giúpLĐGS:$ 679 

 +1 Lương Dân giúp: $ 10

Tuesday, July 25, 2023


  26 Tháng Bảy


Thánh Gioankim và Thánh Anna

 

Trong Kinh Thánh, các thánh sử Mátthêu và Luca cung cấp cho chúng ta phả hệ của Ðức Giêsu. Các ngài đi ngược trở về tổ tiên dòng họ của Người chỉ để chứng minh rằng Ðức Giêsu là cực điểm của các lời hứa trọng đại. Nhưng bên ngoại của Ðức Giêsu thì bị lãng quên, chúng ta không có một dữ kiện gì về các đấng sinh thành ra Ðức Maria. Ngay cả tên Gioankim và Anna cũng xuất phát từ một truyền thuyết được viết lại sau khi Ðức Giêsu về trời khoảng hơn một thế kỷ.

 

Tuy nhiên, đức tính anh hùng và thánh thiện của các ngài được suy đoán từ bầu khí của toàn thể gia tộc Ðức Maria. Dù chúng ta dựa trên truyền thuyết về thời kỳ thơ ấu của Ðức Maria hoặc suy đoán từ các dữ kiện trong Phúc Âm, Ðức Maria là một thể hiện của biết bao thế hệ những người siêng năng cầu nguyện mà chính ngài là một người đắm chìm trong các truyền thống đạo đức của người Do Thái.

 

Các đức tính nổi bật của Ðức Maria khi ngài thi hành các quyết định, khi liên lỉ cầu nguyện, khi trung thành với quy luật tôn giáo, khi bình tĩnh trước những khủng hoảng và khi tận tâm với người bà con -- tất cả những điều này cho thấy một gia tộc khắng khít, yêu thương nhau biết nhìn đến các thệ hệ tương lai trong khi vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của quá khứ.

 

Thánh Gioankim và Thánh Anna -- dù những tên tuổi này có thật hay không -- đã đại diện cho một chuỗi thế hệ của những người trung tín thi hành bổn phận, kiên trì sống đức tin để tạo nên một bầu khí thuận tiện cho sự giáng trần của Ðấng Thiên Sai, nhưng họ vẫn âm thầm không ai biết đến.


Lời Bàn

 

Ðây là "ngày lễ của các ông bà". Nó nhắc nhở cho các ông bà về trách nhiệm của họ là phải thiết lập gia phong cho các thế hệ tương lai: Họ phải làm sống lại các truyền thống và trao truyền cho con cháu. Nhưng ngày lễ này cũng có ý nghĩa cho các thế hệ trẻ. Nó nhắc nhở người trẻ rằng cái nhìn chín chắn, giầu kinh nghiệm của người già là sự khôn ngoan không nên coi thường hoặc bỏ qua.


Lời Trích

 

"... Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong đó, nhiều thế hệ đến với nhau để giúp đỡ nhau lớn lên trong sự khôn ngoan và để hòa hợp quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của đời sống xã hội" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 52).

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

 

25 Tháng Bảy


Thánh Giacôbê Tông Ðồ

 

Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Ðức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê. Trước đó, Ðức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrê. "Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người" (Máccô 1:19-20).

 

Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Ðức Giêsu trong vườn Giệtsimani.

 

Có hai biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến với Ðức Giêsu để xin cho hai ôngï được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Ðức Giêsu). "Ðức Giê-su bảo: 'Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?' Họ đáp: 'Thưa được'" (Mt 20:22). Sau đó Ðức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Ðức Giêsu -- chỗ đó "được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị" (Mt 20:23b).

 

Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Ðức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Ðây là vị thế của chính Ðức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.

 

Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Ðức Giêsu đặt cho họ -- "con của sấm sét"- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Ðức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. "Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?' Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông..." (Luca 9:54-55).

 

Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. "Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa" (CVTÐ 12:1-3a).

 

Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với tác giả của Thư Thánh Giacôbê, hoặc vị lãnh đạo của cộng đồng Giêrusalem.


Lời Bàn

 

Phương cách mà Phúc Âm đề cập đến các tông đồ là một nhắc nhở tốt đẹp về ý nghĩa của sự thánh thiện. Trong Phúc Âm, chúng ta không thấy đề cập nhiều đến các đức tính của các ngài như những sở hữu cố định mà nhờ đó họ được phần thưởng thiên đàng. Thay vào đó, Phúc Âm nhấn mạnh đến Nước Trời, đến quyền năng rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn về phần đời sống cá nhân của các ngài, chúng ta thấy Ðức Giêsu đã thanh luyện họ khỏi những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất.


Lời Trích

 

"... Chúa Kitô, trong Người mà sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa tối cao được hoàn tất (x. 2 Cor. 1:20; 2:16; 4:6), truyền dạy các tông đồ rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, đó là nguồn mạch của mọi chân lý cứu độ và lời luân lý, và vì thế thông ban cho họ ơn sủng của Thiên Chúa... Mệnh lệnh này được trung tín thực hiện bởi các tông đồ, là những người, qua lời giảng, qua gương mẫu, và qua các quy định, đã truyền lại những gì họ nhận được từ miệng Ðức Kitô, bởi sống với Người, và bởi những gì Người làm hoặc những gì các tông đồ học hỏi được qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần" (Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa, 7).

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

Monday, July 24, 2023

 


24 Tháng Bảy


Thánh Christina

 

Thánh Christina sinh trong thế kỷ thứ ba và là con gái của một quan tòa giầu có và thế lực tên Urbain. Cha của ngài, là người đắm chìm trong việc thờ cúng tà thần, có rất nhiều các tượng thần bằng vàng mà thánh nữ đã tiêu hủy và lấy vàng phân phát cho người nghèo

 

Tức giận vì hành động này, ông Urbain trở nên người hành hạ chính con gái mình. Ông ra lệnh dùng roi đánh con và ném con vào ngục tối. Christina vẫn không lay chuyển đức tin. Người cha ra lệnh dùng móc sắt để xé thân thể con gái mình và cột cô vào tấm vỉ mà bên dưới đang cháy lửa. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ tôi tớ Người bằng cách khiến lửa bắn tung vào kẻ hành hình. Sau đó Christina bị quấn cổ bằng một tảng đá lớn và ném xuống hồ Balsena, nhưng ngài được thiên thần cứu sống, trong khi cha ngài, vì tức giận mà chết.

 

Quan toà kế vị Urbain cũng tàn nhẫn không kém. Ông ra lệnh thiêu sống Christina, nhưng ngài vẫn sống sót. Ngài bị ném vào chuồng đầy rắn, sau đó bị cắt lưỡi và sau cùng bị tên đâm thâu qua người. Ngài được triều thiên tử đạo ở Tyro. Di tích của thánh nữ hiện vẫn còn giữ ở Palermo thuộc Sicily.

 

********************************************************************

 


Chân Phước Louise ở Savoy


(1461-1503)

 

Vào ngày 28 tháng Mười Hai, ngày lễ các Thánh Anh Hài, một bé gái được sinh trong gia đình Công Tước ở Savoy và là em của vua Louis IX nước Pháp. Em bé được đặt tên là Louise, để nói lên sự ngây thơ và thánh thiện của em.

 

Khi còn trẻ Louise đã yêu quý sự cầu nguyện và cô độc. Trong các ngày lễ kính Ðức Mẹ, cô thường ăn chay, chỉ có bánh mì và nước lạnh. Mặc dù bề ngoài, cô cũng mặc các y phục đắt tiền và đeo nữ trang quý báu phù hợp với địa vị của cô, nhưng bên trong lớp nhung lụa đó là chiếc áo nhặm để nhắc nhở với cô rằng, linh hồn là điều cần được chăm sóc hơn cả.

 

Do sự dàn xếp của người chú, Louise kết hôn với Thái Tử xứ Chalon, một thanh niên đức hạnh biết quý trọng nếp sống thanh bạch của Louise. Trong cung điện của họ, không có những xa hoa phung phí. Ðôi vợ chồng này còn thuyết phục các tiểu thư, hoàng tử của triều đình sống sát với Phúc Âm hơn.

 

Vào năm 27 tuổi, Louise trở thành người goá bụa và sau đó bà lui về một đời sống đơn giản để cho phép bà tận tụy trong công việc bác ái và ăn chay đền tội. Vì không có con, bà gia nhập Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn ở Orbe. Trong thời gian ấy, bà chứng tỏ là một gương mẫu xứng đáng của sự khiêm tốn và vâng phục.

 

Sau một cơn trọng bệnh, bà từ trần ngày 24 tháng Bảy 1503, khi mới 42 tuổi.

 

Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI đã phong chân phước cho bà vào năm 1839.

 

 


Trích từ NguoiTinHuu.com