Saturday, November 13, 2021

 

Hạnh Các Thánh

13/11/2021

13 Tháng Mười Một

Thánh Frances Xavier Cabrini
(1850-1917)

 

Thánh Frances Xavier Cabrini là công dân Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh. Chính lòng tin tưởng mãnh liệt vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ sức mạnh để trở nên một phụ nữ dũng cảm làm việc cho Ðức Kitô.

 

 Thánh Frances sinh ở Lombardi, nước Ý vào năm 1850, trong một gia đình có đến 13 người con. Khi 18 tuổi, ngài ao ước trở thành một nữ tu nơi ngài theo học sư phạm, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên bị từ chối. Sau đó thánh nữ làm việc bác ái ở Cô Nhi Viện Ðấng Quan Phòng ở Cadogne, nước Ý. Vào tháng Chín 1877, ngài tuyên khấn và mặc áo dòng.

 

Khi đức giám mục đóng cửa cô nhi viện vào năm 1880, ngài đặt sơ Frances làm tu viện trưởng tu hội Nữ Tu Thánh Tâm Truyền Giáo và bảy phụ nữ khác làm việc ở cô nhi viện cũng đã gia nhập tu hội này.

 

Ngay từ khi còn nhỏ, Thánh Frances đã có ý định đi truyền giáo ở Trung Cộng, nhưng theo sự khuyên bảo của Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII, cùng với sáu nữ tu khác, ngài đến thành phố Nữu Ước để phục vụ hàng ngàn người Ý di dân đang sinh sống ở đây.

 

Ngài gặp nhiều chán nản và khó khăn trên bước hành trình. Khi đến thành phố Nữu Ước, căn nhà được hứa để làm cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ thì lại không có. Ðức tổng giám mục khuyên ngài trở về Ý. Nhưng Frances, một phụ nữ can đảm có thừa, đã rời bỏ tư dinh của đức tổng và tự tay gầy dựng cô nhi viện. Và ngài đã thành công.

 

Trong 35 năm, Thánh Frances Xavier Cabrini đã thành lập 67 trung tâm để chăm sóc người nghèo, trẻ mồ côi, người ít học và bệnh nhân. Nhận thấy nhu cầu cần thiết của người di dân Ý trước viễn ảnh bị mất đức tin, ngài mở trường học và các lớp dạy giáo lý cho người lớn.

 

Cho đến ngày ngài qua đời ở Chicago, tiểu bang Illinois ngày 22-12-1917, tu hội của ngài đã có mặt tại các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Nam Mỹ.

 

Vào năm 1946, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong hiển thánh và đặt làm quan thầy của người di dân.

 

Lời Bàn

 

Lòng thương người và sự tận tụy của Mẹ Cabrini vẫn còn được nhận thấy qua hàng trăm ngàn nữ tu của ngài, họ chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, viện dưỡng lão và các trung tâm quốc gia. Chúng ta than phiền về sự tốn kém y tế trong một xã hội giầu có, nhưng tin tức hàng ngày cho thấy hàng triệu người khác trên thế giới không có một chút gì được gọi là y tế, và họ đang mời gọi những người noi gương Mẹ Cabrini đến để phục vụ người dân trên đất nước của họ.

 

Lời Trích

 

Trong nghi lễ phong thánh cho Mẹ Cabrini ngày 7-7-1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố: "Mặc dù hiến pháp của tu hội ngài rất đơn sơ, nhưng ngài được ban cho một tinh thần phi thường đến nỗi, một khi tin rằng đó là ý Chúa, ngài không để bất cứ điều gì cản trở việc thực hiện mà những công trình ấy vượt quá sức lực của một phụ nữ."



Trích từ NguoiTinHuu.com

Friday, November 12, 2021

 

Hạnh Các Thánh

12/11/2021

12 Tháng Mười Một

Thánh Josaphat
(1580?-1623)

 

Thánh Josaphat, vị giám mục theo lễ điển Ðông Phương, được coi là vị tử đạo cho sự hợp nhất giáo hội vì ngài cố gắng đưa Chính Thống Giáo về hợp nhất với Rôma.

 

Vào năm 1054, một sự chia cắt chính thức được gọi là đại ly giáo đã xảy ra giữa Giáo Hội Ðông Phương ở Constantinople và Giáo Hội Tây Phương ở Rôma vì những bất đồng về thần học và đời sống độc thân của giáo sĩ. Cho đến năm thế kỷ sau, một giáo chủ Chính Thống Giáo ở Kiev và năm giám mục Chính Thống Giáo quyết định đưa hàng triệu người Chính Thống Giáo dưới quyền về hợp nhất với Rôma. Khi Thượng Hội Ðồng ở Brest Litovsk khai mạc vào năm 1595 thì Thánh Josaphat Kunsevich lúc ấy chỉ là một cậu bé trai, nhưng đã được chứng kiến các kết quả tích cực cũng như tiêu cực của thượng hội đồng.

 

Hàng triệu Kitô Hữu đã không đồng ý với các giám mục về sự hiệp thông với Công Giáo, và cả đôi bên đều tìm cách giải quyết sự bất đồng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng vũ lực. Do đó cả hai phía đều có nhiều người đã tử vì đạo. Giữa những xáo trộn ấy, Thánh Josaphat là một tiếng nói hòa bình.

 

Khi còn niên thiếu, nhờ sự khuyến khích của hai vị linh mục dòng Tên nên ngài đã gia nhập tu viện Holy Trinity ở Vilna năm 1604. Trong thời gian này, ngài quen thân với Joseph Benjamin Rutsky, là người trở lại Kitô Giáo sau một thời gian theo phái Calvin. Cả hai đều muốn sự hợp nhất trong giáo hội và cải tổ đời sống tu trì.

 

Sau đó, Josaphat được gửi đi trông coi một cơ sở ở Rôma, còn Rutsky được làm tu viện trưởng ở Vilna. Khi Rutsky được làm giáo chủ của Kiev, thì Josaphat lại được thế chỗ Rutsky làm tu viện trưởng. Nhân cơ hội này, Josaphat thi hành kế hoạch cải tổ, nhưng đường hướng cải tổ phản ảnh một đời sống nghiêm nhặt và khắc khổ của ngài, nên không mấy ai hưởng ứng. Ngay cả một tu hội còn dọa ném ngài xuống sông!

 

Khi là vị giám mục đầu tiên ở Vitebsk và sau đó ở Polotsk vào năm 1617, Ðức Giám Mục Josaphat phải đối diện với nhiều khó khăn. Có thể nói giáo hội lúc ấy thật thối nát, giáo sĩ tái hôn đến hai ba lần, và họ không lo lắng gì đến việc mục vụ hoặc đời sống gương mẫu. Trong vòng ba năm, Ðức Giám Mục Josaphat phải chấn chỉnh lại giáo hội qua các thượng hội đồng, phân phát sách giáo lý khắp nơi, và áp đặt những quy luật cho hàng giáo sĩ. Nhưng đáng kể hơn cả là chính đời sống của ngài mà hầu như lúc nào cũng đi rao giảng, giáo dục đức tin, thăm viếng những kẻ đau ốm.

 

Bất kể công việc và tiếng tăm của Ðức Giám Mục Josaphat, những người Chính Thống Giáo ly khai đã bầu một tổng giám mục của họ ngay ở cùng một thành phố. Thật đau lòng cho Ðức Giám Mục Josaphat khi thấy những người ngài phục vụ bị phân ly trong những cuộc bạo loạn. Ngay cả giáo phận cũ của ngài ở Vitebsk cũng chống đối sự hợp nhất và chống chính ngài. Ðau khổ hơn cả, là chính người Công Giáo mà ngài tìm cách hợp nhất cũng chống đối ngài, chỉ vì họ không thích lễ điển Byzantine mà ngài chủ trương thay vì lễ điển Rôma. Vì sợ hãi hoặc vì ngu dốt, vị chưởng ấn của Lithuania, tin lời đồn đãi rằng ngài xúi giục dân chúng nổi loạn, nên thay vì giúp đỡ thì lại lên án Ðức Giám Mục Josaphat. Thực sự ngài chỉ dùng đến quyền lực khi các người ly khai chiếm nhà thờ Mogilev và ngài xin nhà cầm quyền giúp phục hồi lại quyền bính.

 

Vào tháng Mười 1623, Ðức Giám Mục Josaphat quyết định trở về Vitebsk để đích thân lắng dịu vấn đề. Ngài biết rất nguy hiểm nhưng cho biết, "Nếu tôi xứng đáng được phúc tử đạo, thì tôi không sợ chết."

 

Những người ly khai coi đây là cơ hội để trừ khử Josaphat và làm ngài mất uy tín nếu họ xúi giục được phe của ngài nổi loạn trước và coi đó là cái cớ để chống lại. Sự đe dọa tính mạng của ngài quá lộ liễu đến nỗi ngài phải lên tiếng, "Quý vị muốn giết tôi sao. Quý vị phục kích tôi trên đường phố, trên cầu cống, trong chợ búa, ở khắp mọi nơi. Chính tôi đây. Tôi đến với quý vị như một mục tử. Quý vị biết là tôi rất vui mừng để hy sinh cho quý vị. Tôi sẵn sàng chết cho sự hợp nhất của Giáo Hội dưới quyền Thánh Phêrô và các giáo hoàng kế vị."

 

Khi người ly khai thấy kế hoạch thất bại, họ lập mưu bằng cách đưa một linh mục tên Elias đến nơi tụ họp của phe đức giám mục để lên tiếng sỉ vả bất cứ ai đi ngang qua, nhất là vu khống Ðức Giám Mục Josaphat và Giáo Hội Công Giáo, cốt để chọc tức.

 

Biết được thâm ý của họ, Ðức Giám Mục Josaphat giữ im lặng và cầu nguyện nguyên ngày. Qua ngày hôm sau, Elias lại đến nữa và các người phục dịch của đức giám mục đã bắt nhốt Elias trong một căn phòng khi ngài đi vắng. Trở về nhà, thấy vậy ngài đã mở cửa phòng cho Elias trốn đi. Nhưng đã quá trễ. Ðám ly khai chỉ chờ có thế để báo động cả thành phố đến bao vây với gậy gộc trên tay.

 

Khi bước ra sau vườn, ngài thấy đám du côn đánh đập các người phục dịch và các linh mục khác, ngài lớn tiếng kêu: "Này các con, các con làm gì những người đó vậy? Nếu các con muốn chống đối cha, thì có cha đây, đừng đụng đến những người ấy!" Sau tiếng hô to, "Hãy giết tên theo giáo hoàng," bọn họ đánh đập Ðức Giám Mục Josaphat với gậy gộc, sau đó họ dùng rìu và cuối cùng bắn vào đầu ngài. Thi thể đầy máu của ngài bị họ kéo lê ra sông và quăng xuống đó cùng với xác con chó của ngài.

 

Những anh hùng vô danh trong thảm kịch này là các người Do Thái ở Vitebsk. Họ đã liều mạng xông vào toà giám mục để can gián và cứu những người trong toà giám mục khỏi bị sát hại. Nhờ sự can đảm của họ, nhiều người đã được cứu sống. Cũng chính những người Do Thái này đã công khai lên án các tên sát nhân và thương tiếc Ðức Giám Mục Josaphat, trong khi người Công Giáo ở thành phố lại trốn chui trốn nhủi vì sợ hãi.

 

Thông thường, sự bạo động luôn luôn có hậu quả trái ngược. Vì hối hận và kinh hoàng về cuộc bạo động khiến họ mất đi một vị giám mục thánh thiện nên công chúng lại hướng về sự hợp nhất với Rôma. Và sau cùng, đức tổng giám mục mà phe ly khai dựng lên là Meletius Smotritsky cũng đã hoà giải với Rôma.

 

Vào năm 1867, Ðức Giám Mục Josaphat là vị thánh đầu tiên của Giáo Hội Ðông Phương được Rôma tuyên phong hiển thánh.

 

Lời Bàn

Mầm mống chia rẽ được bắt đầu vào thế kỷ thứ tư, khi Ðế Quốc La Mã bị chia cắt làm hai phần Ðông và Tây. Không một lý do nào có thể biện minh cho sự phân ly hiện nay trong Kitô Giáo, mà trong đó 64 phần trăm là Công Giáo Rôma, 13 phần trăm là các Giáo Hội Ðông Phương (hầu hết là Chính Thống Giáo) và 23 phần trăm Tin Lành, trong khi 71 phần trăm dân số thế giới chưa được biết đến Ðức Kitô thì họ phải là những người được mục kích sự hợp nhất Kitô Giáo và đức bác ái của những người mệnh danh là Kitô Hữu!



Trích từ NguoiTinHuu.com

Thursday, November 11, 2021

 

Hạnh Các Thánh

11/11/2021

11 Tháng Mười Một

Thánh Martin ở Tours
(316?-397)

 

Một người chống đối hành động vô lương tâm muốn trở nên một tu sĩ; một tu sĩ bị gài ép để trở nên một giám mục; một giám mục chống đối những người vô tôn giáo nhưng cũng xin tha thứ cho những người lạc giáo -- đó là Thánh Martin ở Tours, một trong những vị thánh nổi tiếng.

 

 Ngài sinh trong một gia đình vô tôn giáo ở chỗ bây giờ là Hungary và được lớn lên ở Ý. Là con của một cựu chiến binh, ngài bị ép buộc phải gia nhập quân đội vào lúc 16 tuổi. Ngài theo học đạo và được rửa tội lúc 18 tuổi. Người ta kể rằng ngài sống như một tu sĩ hơn là một binh sĩ. Năm 23 tuổi, ngài từ chối tham dự cuộc chiến của Hoàng Ðế Julian Caesar chống với thế giới bằng lập luận sau: "Tôi đã phục vụ ngài như một người lính; bây giờ hãy để tôi phục vụ Ðức Kitô. Hãy thưởng cho những người muốn chiến đấu. Nhưng tôi là một người lính của Ðức Kitô, và thật sai lầm nếu tôi đi đánh nhau." Sau nhiều khó khăn, ngài được giải ngũ và trở thành môn đệ của Ðức Giám Mục Hilary ở Poitiers.

 

Martin được tấn phong làm người trừ quỷ và hoạt động tích cực chống với bè rối Arian. Ngài trở thành vị ẩn tu, trước hết sống ở Milan và sau đó sống ở một đảo nhỏ. Khi Ðức Hilary được phục hồi quyền bính sau thời gian lưu đầy, Martin trở về Pháp và thành lập tu viện có thể nói đầu tiên ở Pháp, gần Poitiers. Ngài sống ở đó trong 10 năm, đào tạo các môn đệ và đi rao giảng khắp nước.

 

Dân chúng ở Tours đòi hỏi ngài làm giám mục cho họ. Và ngài bị lừa đến thành phố này và được đưa đến nhà thờ, là nơi ngài lưỡng lự nhận chức giám mục. Một vài giám mục tấn phong nghĩ rằng ngài không xứng đáng làm giám mục vì cái bề ngoài xuề xòa và mái tóc thiếu chải chuốt của ngài.

 

Cùng với Ðức Ambrôsiô, Ðức Giám Mục Martin chống với Ðức Giám Mục Ithacius về đề nghị xử tử những người lạc giáo -- cũng như sự can thiệp của hoàng đế vào vấn đề này. Ngài còn thuyết phục được hoàng đế tha chết cho Priscillian (người chủ trương những điều sai lạc về nhân tính của Ðức Kitô). Vì những nỗ lực này, Ðức Giám Mục Martin bị cho là cùng phía với bọn lạc giáo, và sau cùng Priscillian bị xử tử. Sau đó Ðức Giám Mục Martin xin chấm dứt việc bách hại những người ở Tây Ban Nha theo tà thuyết của Priscillian. Ngài còn muốn cộng tác với Ðức Giám Mục Ithacius về một vài lãnh vực, nhưng vì lương tâm không thấy ổn thỏa nên ngài đã bỏ dở ý định ấy.

 

Khi đến giờ chết, các môn đệ xin ngài đừng bỏ họ. Ngài cầu nguyện, "Lạy Chúa, nếu dân của Ngài vẫn còn cần đến con, con sẽ không từ chối làm việc. Nhưng con xin vâng theo ý Chúa."

 

Lời Bàn

 

Ðiều Thánh Martin quan tâm về sự cộng tác nhắc nhở cho chúng ta biết hầu như không có gì hoàn toàn trắng hoặc hoàn toàn đen. Các thánh cũng là những tạo vật ở trần gian: Họ cũng phải do dự khi quyết định như chúng ta. Bất cứ quyết định nào của lương tâm đều ít nhiều có sự liều lĩnh. Nếu chúng ta chọn đi hướng bắc, có thể chúng ta không biết được những gì xảy ra ở hướng đông, hướng tây hay hướng nam. Tuy nhiên, quá thận trọng không dám quyết định thì cũng không phải là nhân đức khôn ngoan, thật vậy, nếu cho rằng "không quyết định là sự quyết định" thì đó là một quyết định sai lầm.

Wednesday, November 10, 2021

 

Hạnh Các Thánh

10/11/2021

10 Tháng Mười Một

Thánh Lêo Cả
(c. 461)

 

Ý thức được tầm quan trọng của vị Giám Mục Rôma, và của Giáo Hội lữ hành như dấu chỉ sự hiện diện của Ðức Kitô trong trần thế, Thánh Lêo Cả đã hết sức tận tụy trong vai trò của một giáo hoàng. Ðược chọn làm "đấng kế vị Thánh Phêrô" vào năm 440, ngài làm việc không ngừng, hướng dẫn các giám mục dưới quyền như "những người ngang hàng về quyền bính cũng như sự yếu đuối con người."

 

Thánh Lêo nổi tiếng là một trong các giáo hoàng giỏi về quản trị trong thời Giáo Hội xưa. Sự nghiệp của ngài được chia ra làm bốn lãnh vực chính, chứng tỏ ngài có cái nhìn chính xác về trách nhiệm tổng quát của một giáo hoàng đối với đàn chiên của Ðức Kitô. Thứ nhất, ngài kiên trì chống với bè rối Pelagian, Manichae và các bè rối khác, ngoài ra ngài cũng áp đặt các quy luật để duy trì sự chân thực của đức tin Kitô Giáo. Lãnh vực thứ hai mà ngài lưu tâm là sự mâu thuẫn với Giáo Hội Ðông Phương về bản tính của Ðức Kitô mà ngài đã giải quyết bằng thư từ. Thứ ba, với đức tin mạnh mẽ, ngài còn lãnh đạo Rôma chống lại sự tấn công của quân man rợ, xứng đáng với vai trò bảo vệ hòa bình.

 

Sự nghiệp của Ðức Giáo Hoàng Lêo luôn được đề cao trong ba lãnh vực này. Ngoài ra, sự thánh thiện của ngài dựa trên nền tảng tâm linh sâu xa mà qua đó ngài thi hành công tác mục vụ cho đoàn chiên là lãnh vực thứ tư mà ngài hằng lưu tâm. Ngài nổi tiếng về những bài giảng thật sâu xắc. Là một khí cụ mời gọi mọi người nên thánh, được thấm nhuần Phúc Âm và luôn ý thức đến Giáo Hội, Ðức Lêô đã đáp ứng được những nhu cầu tâm linh của các tín hữu thời ấy.

 

Ngài từ trần năm 461, để lại nhiều văn bản và thư từ có giá trị lịch sử.

 

Lời Bàn

 

Khi có những chỉ trích về cơ cấu Giáo Hội, thì chúng ta cũng được nghe nói rằng các giám mục, linh mục -- có thể nói, tất cả chúng ta -- đã quá bận tâm với kiểu cách hành chánh theo thói đời. Ðức Giáo Hoàng Lêô là gương mẫu của một người quản trị biết dùng tài năng của mình trong các lãnh vực mà cơ cấu và tinh thần không thể tách biệt: đó là vấn đề giáo lý, công việc mục vụ và sự hài hòa. Ngài tránh cảnh "đi trên mây," sống mà không có thân xác, nhưng ngài cũng như tránh cảnh "quá thực tế," chỉ lo cho những sự bề ngoài.



Trích từ NguoiTinHuu.com

Tuesday, November 9, 2021

 Ngày 9/11

Lễ Cung Hiến Ðền Thờ Thánh Gioan Latêranô

 

Nhiều người Công Giáo nghĩ rằng Ðền Thánh Phêrô là nhà thờ của đức giáo hoàng, nhưng sự thật không phải vậy. Ðền Thánh Gioan Latêranô mới là nhà thờ của đức giáo hoàng, là vương cung thánh đường của Giáo Phận Rôma, nơi Ðức Giám Mục của Rôma trụ trì.

 

Vương cung thánh đường đầu tiên ở đây được xây cất vào thế kỷ thứ tư khi Hoàng Ðế Constantine dâng cúng phần đất mà ông nhận được từ gia đình Latêranô giầu có. Kiến trúc đó và những đấng kế vị phải trải qua những tai nạn như hoả hoạn, động đất và chiến tranh, nhưng thánh đường Latêranô vẫn là nơi các giáo hoàng được tấn phong mãi cho đến thế kỷ 15, khi các giáo hoàng từ Avignon trở về thì thánh đường và công trường cạnh đó đã đổ nát.

 

Thánh đường hiện nay được xây cất vào năm 1646 theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Innocent X. Là một trong những thánh đường uy nghi nhất ở Rôma, ngọn tháp mặt tiền của đền Latêranô được trang hoàng với 15 bức tượng của Ðức Kitô, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Gioan Tông Ðồ và 12 vị tiến sĩ của Giáo Hội. Bên dưới bàn thờ sang trọng là một bàn nhỏ bằng gỗ mà truyền thuyết cho rằng chính Thánh Phêrô đã cử hành Thánh Lễ ở bàn này.

 

Lời Bàn

Không như lễ kỷ niệm các đền thờ khác ở Rôma (như đền Ðức Bà Cả, ngày 5-8, đền Các Thánh Phêrô và Phao-lô, 18-11), lễ này là một đại lễ. Việc cung hiến đền thờ là một đại lễ cho toàn thể giáo dân trong xứ. Trong ý nghĩa tiêu biểu, Ðền Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ của mọi người Công Giáo, vì đó là giáo xứ của đức giáo hoàng, vương cung thánh đường của Ðức Giám Mục Rôma. Nhà thờ này là mái nhà tinh thần của tất cả những ai thuộc về Giáo Hội.

 

Lời Trích

“Cũng như các bức tường được xây cao này, những gì đã được thể hiện ở đây lại được tái diễn khi chúng ta quy tụ những người tin vào Ðức Kitô. Vì, qua đức tin họ đã được gọt dũa, như thể đá và gỗ từ núi rừng; nhưng bởi việc học hỏi giáo lý, rửa tội và giáo dục, họ được khuôn đúc, được điều chỉnh, và được mài nhẵn bởi bàn tay của các thợ chuyên môn. Tuy nhiên, họ không làm nên căn nhà của Thiên Chúa, cho đến khi họ hài hòa với nhau trong đức ái” (Thánh Augustine, Bài Giảng 36)

Monday, November 8, 2021

 

Hạnh Các Thánh

08/11/2021

8 Tháng Mười Một

Chân Phước John Duns Scotus
(1266-1308)

 

Chân Phước John Duns Scotus là một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ.

 

 Sinh ở Duns trong quận Berwick, Tô Cách Lan, John thuộc dòng dõi một gia đình giầu có. Trong những năm về sau, ngài được gọi là John Duns Scotus để ghi dấu nơi sinh trưởng. ("Scotus" là chữ Latinh thay cho "Scotland" [Tô Cách Lan]).

 

John mặc áo dòng Phanxicô ở Dumfries, mà bác của ngài là Cha Elias Duns làm bề trên. Sau thời kỳ tập viện, John theo học ở Oxford và Paris và thụ phong linh mục năm 1291. Sau đó ngài tiếp tục theo học ở Paris cho đến năm 1297, ngài trở về làm giáo sư ở Oxford và Cambridge. Bốn năm sau, ngài trở lại Paris để dạy học và hoàn tất luận án tiến sĩ.

 

Vào thời đại mà nhiều người chấp nhận các hệ tư tưởng không có giá trị, thì John đã vạch ra sự phong phú của truyền thống Phanxicô-Augustinô, quý trọng sự uyên thâm của Thánh Aquinas, của Aristotle và các triết gia Hồi Giáo -- nhưng ngài vẫn duy trì là một nhà tư tưởng độc lập. Ðiều đó được chứng tỏ khi Hoàng Ðế Philip, trong một tranh chấp với Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII năm 1303, đã cố chiếm lấy Ðại Học Paris về phía mình. John Duns Scotus bất đồng ý và được lệnh phải rời Pháp trong vòng ba ngày.

 

Trong thời đại của John Duns Scotus, một số triết gia chủ trương rằng con người bị định đoạt bởi các động lực ở bên ngoài cá thể. Họ cho rằng sự tự do của ý muốn là một ảo tưởng. Là một người rất thực tế, John lý luận rằng nếu tôi đánh một người nào đó mà họ khước từ sự tự do của ý muốn, thì ngay lập tức người ấy bảo tôi ngừng tay. Nhưng nếu tôi thực sự không có tự do ý muốn, làm sao tôi có thể ngừng tay? John đã khéo léo đưa ra một thí dụ mà ai ai cũng dễ nhớ!

 

Sau một thời gian ở Oxford, ngài trở về Paris, là nơi ngài lấy bằng tiến sĩ năm 1305. Ngài tiếp tục dạy ở đây và vào năm 1307 ngài đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria mà sau cùng đại học đã chính thức công nhận lập trường của ngài. Cùng năm đó, bề trên tổng quyền bổ nhiệm ngài về trông coi trường của dòng Phanxicô ở Cologne mà ngài đã từ trần ở đây năm 1308.

 

Dựa vào lý luận của John Duns Scotus, vào năm 1854 Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. John Duns Scotus, vị "Tiến Sĩ Khôn Ngoan", được phong chân phước năm 1993.

 

Lời Bàn

 

Cha Charles Balic, O.F.M., người có uy tín nhất của thế kỷ 20 về Chân Phước Scotus, đã viết: "Toàn bộ thần học của Scotus đều quy hướng về đức ái. Ðặc tính nổi bật của đức ái là sự tự do tuyệt đối. Khi đức ái ngày càng trở nên tuyệt hảo và sâu đậm, sự tự do trở nên cao quý và trọn vẹn hơn trong con người" (New Catholic Encyclopedia, Bộ. 4, tr. 1105).

 

Lời Trích

 

Sự thông thái ít khi đảm bảo sự thánh thiện. Nhưng John Duns Scotus không chỉ là một người tài giỏi mà ngài còn là một người khiêm tốn và siêng năng cầu nguyện -- đó chính là sự tổng hợp mà Thánh Phanxicô muốn nơi bất cứ tu sĩ nào có học thức. Vào lúc phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Pháp đe dọa quyền lợi của đức giáo hoàng, John Duns Scotus đã đứng về phía giáo hội và phải gánh chịu mọi hậu quả. Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định (determinism).

 

Tư tưởng thì quan trọng. John Duns Scotus đã dùng tư tưởng hay nhất của ngài để phục vụ gia đình nhân loại và Giáo Hội.



Trích từ NguoiTinHuu.com

Sunday, November 7, 2021

LỜI CHÚA HÔM NAY

Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm B

Ngày  07 Tháng 11 Năm 2021

Năm Thánh Giu-Se


   Thầy bảo thật anh em: " Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân "

Mc 12:38-44
He said to them, "Amen, I say to you, this poor widow put in more than all the other contributors to the treasury.  For they have all contributed from their surplus wealth, but she, from her poverty, has contributed all she had, her whole livelihood." 

Mc 12:38-44



                                                                              



 


 

 

Lời Mời Ơn Gọi.  Đức Giê-su đề cao gương bà góa người đã bỏ 2 đồng tiền nhỏ vào trong ngân quỹ Đền thờ như là một kho tàng lớn nhất đã được cho.  Chúng ta không chỉ cho sự dư thừa của chúng ta, nhưng cả chính chúng ta.

  Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời 

Dòng Nữ Tôi Tớ Chúa Thánh Thần

 Hãy Gọi 1-800-553-3321

A Call To Vocation: Jesus upholds the example of the widow who puts two small coins into the Temple treasury as the greatest treasure given.  We are to give not out of our surplus, but from our very selves.

 Divine Word Missionaries and

 Sister Servants of  The Holy Spirit

 Call  1-800-553-3321

 

 

 

Trách Nhiệm Chúa Nhật 33 Thường Niên B

Kính Các Thánh Tử Đạo VN Ngày 14/11/2021

*Giúp Lễ:  Nguyên Khang, Nguyễn Linh,

     Andrew Lê Quan, Nam Thân và Đinh Diễm.

* Đọc Thông Báo:  A. Nguyễn Hào

* B.Đọc I:  C. An Di

* Đáp Ca:   Ca Đoàn

* B.Đọc II:  A. Vũ Khôi

* LN Giáo Dân   &   Dâng Của Lễ:  Khu 1

* Sóc Rỗ: Ô. Tuần, A. Tùng & Thiện Nguyện

* TTV Rước Lễ:  Đội 4.

 

 

Cầu Nguyện Cho Những Người Cao Niên Và Những Người Đau Yếu Trong Cộng Đoàn. Bà Võ Kiếm, Bà Chu Sử,  Bà Thuận (Mẹ chị Lan+Tùng), Ông Bà Diệm, Bà Phong, Ông Bà Phạm Nhân. Bà Cố Rật, Ông Bà Khải.  Ông Nguyễn Văn Tâm, Bà Viêm, Bà Nguyễn Hường, Vợ Ông Sinh, Bs Bùi Hải và Cha Cố Thomas Vũ Thái. 

 

 

Tin Đoàn Thanh Niên Công Giáo Thuộc CĐ Đức Mẹ La-vang.  Chị Đinh Thúy Trưởng Đoàn Thanh Niên Công Giáo thuộc Cộng đoàn chúng ta ra mắt Cộng đoàn hôm nay trong thánh lễ Chúa Nhật ngày 07 tháng 11 năm 2021.  Thân mời các bạn trẻ nam nữ từ 13 tới 30 tuổi tham gia vào đoàn trẻ Công Giáo này để cùng nhau sống đạo làm tông đồ bác ái với nhau.  Mỗi tháng gặp nhau sinh hoạt một lần vào ngày thứ 7 của tuần thứ 3 trong mỗi tháng. Đơn gia nhập được phát ra cho các cha mẹ phụ huynh nào muốn cho con em mình tham  gia vào Đoàn Thanh Niên CG này.  Hãy liên lạc Chị Trưởng Đinh Thúy số 513.435.5725 để biết thêm chi tiết và ghi danh.

 

 

Tin Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Trong Cộng Đoàn.  Mời các chị em là các Bà Mẹ thuộc Hội Các Bà Mẹ tới tham dự buổi họp đầu tháng 11 sau Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay ngày 07 tháng 11 năm 2021 tại Phòng Họp Trường La Vang. Xin đén họp mặt đông đủ

 

 

Mừng Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo VN.  Ca đoàn Các Thánh Tử Đạo VN sẽ Mừng Đại Lễ Kính các ThánhTĐVN vào Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 33 Thường niên tuần tới  ngày 14 tháng 11 năm 2021.  Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các anh chị em Ca Đoàn luôn biết sống hiêng ngang trong đức tin làm sáng danh Chúa như Các Thánh Tử Đạo Xưa đã sống và đã chết trung thành với Tình Giê-su.

 

 

HỌP HỌP HỌP! Thân mời nhân viên  Hội Đồng Mục Vụ cùng với  các đại diện các ban ngành cùng các đại diện 6 Khu và cùng với những anh chị em thiện nguyện giúp Cộng Đoàn Giáo Xứ trong Nhiệm Kỳ 2022-2024 tới tham dự buổi họp vào lúc 7:30 PM   Thứ 7 ngày 13 tháng 11 năm 2021 tại Phòng Họp Trường La Vang để chuẩn bị cho Mùa Vọng , Mùa Giáng Sinh và Tết  Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 xắp tới.  Hãy đến cùng nhau bàn luận phục vụ Công đoàn.

 

 

Tin Những Người Muốn Giúp Cộng Đoàn. Cuối cùng hiện nay có một số người xin ra giúp Cộng Đoàn trong những thời gian như sau:  Bà Lê Tâm+Long, Ông Truyện, Chị Lisa, Anh Bảy (Lợi).  Anh Xuyến Lương, Nguyễn Phương Thành, Chị Đinh Mindy, Anh Nguyễn Đức Thành. Anh Trần Vinh. Nếu có các anh chị em nào khác nữa muốn ra giúp Cộng đoàn, hãy gọi cho Cha Quản Nhiệm biết tin. Xin Chúa chúc lành cho Cộng Đoàn chúng ta.

 

 

Rao Hôn Phối Lần 1.

1) Anh Gioan Nguyễn Công Danh (Cin.Ohio), con Ông Gioan Nguyễn Trí Toàn và Bà Maria Nguyễn Thị Phượng Nga, Muốn Kết Hôn với Chị Maria Phạm Ngọc Linh

2) Anh Cao Như Trung Thành (Liberty Twp, Ohio), con ông Cao Như Sơn và Bà Phan Thị Tuyết Hồng, Muốn Kết Hôn với Chị Trần Vivian (Liberty Twp, OH), con Ông Trần Đắt Tinh và Bà Đào Thị Hương.

Ai biết 2 đôi này mắc luật không thể kết hôn với nhau theo giáo luật buộc trình Cha Quản Nhiệm biết càng sớm càng tốt.

 

 

Tin CMA 2022.  Chương trình Hứa  Đóng Góp Mục Vụ Công Giáo thuộc TGP Cincinnati hàng năm sẽ được bắt đầu với buổi cầu nguyện và huấn luyện vào lúc 7:00pm/ Tối thứ 3 ngày 9 tháng 11 năm 2021 và sẽ được khởi động vào lúc 7:00pm/ Tối Chúa Nhật ngày 21 tháng 11 năm 2021 trên online.  Hãy ghi danh trên online : aocstewardship.org/virtual.  Muốn biết thêm chi tiết xin gọi Ông Matt Reinkemeyer số 513-263-6672 hoặc mreinkeneyer @catholicaoc.org.

 

 

Tin Nhà Bếp.  Hãy ủng hộ Công đoàn mua các thức ăn thức uống do Ban Nhà Bếp Cộng Đoàn nấu nướng như Ổ Bánh Mì thịt nguội hay thịt nướng cùng nhìiều món ăn khác.  Cám ơn các anh chị em đã ủng hộ đặt bánh trước và mua bánh. Cám  ơn các anh chị em đã giúp nấu và tặng các các món ăn để bán gây  quỹ cho Cộng đoàn tuần này. Nếu quý ông bà anh chị em muốn đem các món thức ăn chính mình nấu cho Cộng đoàn bán gây gũy mỗi Chúa Nhật, hãy gọi 513.886.3464 cho Chị Đinh Mindy biết.  Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và Giáo Xứ chúng ta.

 

 

Báo Cáo Tài Chánh CN 31-10-2021            

  + Xóc Rổ:                             $1,620

  + Bổng lễ:                             $   480

  + Bán thức ăn:                      $ 1,026

 

 

Ủng Hộ.  Một ẩn danh ũng hộ Cộng Đoàn $200. Xin Chúa chúc lành cho ân nhân và mọi người chúng ta.

 


Hạnh Các Thánh

07/11/2021

7 Tháng Mười Một

Thánh Didacus
(1400-1463)

 

Thánh Didacus là một bằng chứng sống động của Thiên Chúa khi Người "chọn những gì là điên dại trong thế gian để làm xấu hổ những người khôn ngoan; những gì là yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh" (1 Cor. 1:27).

 

Sinh trưởng trong gia đình nghèo nàn ở một tỉnh nhỏ thuộc giáo phận Seville, Tây Ban Nha, Didacus được cha mẹ đồng ý cho sống với một vị ẩn tu ở thành phố gần đó. Mặc dù còn trẻ, nhưng ngài đã cố bắt chước sự khắc khổ và lòng đạo hạnh của vị ẩn tu này. Họ trồng trọt và làm những dụng cụ bằng gỗ để mưu sinh.

 

Vài năm sau, ngài bị gọi trở về nhà nhưng sau đó không lâu, ngài gia nhập tu viện Phanxicô ở Arrizafa làm trợ sĩ. Sau khi khấn trọn, Didacus tình nguyện đi truyền giáo ở quần đảo Canary, và hăng say hoạt động, đem nhiều người về với Chúa. Dù là một trợ sĩ, nhưng ngài được chọn làm bề trên cả một tu viện chính ở quần đảo, là tu viện Fuerteventura. Sau đó bốn năm, ngài được gọi về Tây Ban Nha và sống trong nhiều tu viện gần Seville.

 

Vào năm 1450, nhiều tu sĩ Dòng Phanxicô quy tụ về Rôma để cử mừng năm thánh và dự lễ phong thánh cho Thánh Bernardine ở Siena. Didacus cũng đến đó và ngài phải ở lại Rôma ba tháng để chăm sóc các tu sĩ dòng lâm bệnh nặng.

 

Sau khi trở về Tây Ban Nha, ngài dành trọn thời giờ để theo đuổi đời sống chiêm niệm.

 

Vào năm 1463, ngài lâm trọng bệnh khi ở Alcala, và trong lúc hấp hối, Didacus nhìn vào thánh giá và nói: "Ôi mảnh gỗ trung tín, ôi đáng quý thay những cây đinh! Bay được sinh ra với một gánh nặng thật ngọt ngào, vì bay xứng đáng được đỡ lấy Ðức Kitô, là Thiên Chúa của thiên đàng" (Marion A. Habig, O.F.M., The Franciscan Book of Saints, t. 834)

 

Hoàng Ðế Philip II, vì nhớ ơn ngài đã cứu sống đứa con trai nên đã khẩn khoản xin phong thánh cho ngài. Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết được Giáo Hội công nhận. Ngài được phong thánh năm 1588.

 

Lời Bàn

 

Với những người thánh thiện thực sự, chúng ta không thể giữ thái độ trung dung. Hoặc chúng ta ngưỡng mộ họ, hoặc chúng ta coi họ là điên dại. Didacus là thánh vì ngài đã hiến dâng cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa. Có thể nào nhận xét ấy được áp dụng cho chính chúng ta hay không?

 

Lời Trích

 

"Ngài sinh ở Tây Ban Nha với học lực tầm thường, nhưng cũng như các vị thầy đầu tiên và các vị lãnh đạo mù chữ của chúng ta lại được coi là khôn ngoan. [Thiên Chúa chọn Didacus] để cho thấy ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa nhiều người đến con đường cứu chuộc, bởi đời sống và gương mẫu thánh thiện của ngài, và để chứng tỏ cho thế gian thấy rằng sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Người thì mạnh mẽ hơn loài người" (Sắc lệnh Phong Thánh).



Trích từ NguoiTinHuu.com