Saturday, November 11, 2023

 12 Tháng Mười Một

Thánh Josaphat
(1580?-1623)

 

Thánh Josaphat, vị giám mục theo lễ điển Ðông Phương, được coi là vị tử đạo cho sự hợp nhất giáo hội vì ngài cố gắng đưa Chính Thống Giáo về hợp nhất với Rôma.

 

Vào năm 1054, một sự chia cắt chính thức được gọi là đại ly giáo đã xảy ra giữa Giáo Hội Ðông Phương ở Constantinople và Giáo Hội Tây Phương ở Rôma vì những bất đồng về thần học và đời sống độc thân của giáo sĩ. Cho đến năm thế kỷ sau, một giáo chủ Chính Thống Giáo ở Kiev và năm giám mục Chính Thống Giáo quyết định đưa hàng triệu người Chính Thống Giáo dưới quyền về hợp nhất với Rôma. Khi Thượng Hội Ðồng ở Brest Litovsk khai mạc vào năm 1595 thì Thánh Josaphat Kunsevich lúc ấy chỉ là một cậu bé trai, nhưng đã được chứng kiến các kết quả tích cực cũng như tiêu cực của thượng hội đồng.

 

Hàng triệu Kitô Hữu đã không đồng ý với các giám mục về sự hiệp thông với Công Giáo, và cả đôi bên đều tìm cách giải quyết sự bất đồng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng vũ lực. Do đó cả hai phía đều có nhiều người đã tử vì đạo. Giữa những xáo trộn ấy, Thánh Josaphat là một tiếng nói hòa bình.

 

Khi còn niên thiếu, nhờ sự khuyến khích của hai vị linh mục dòng Tên nên ngài đã gia nhập tu viện Holy Trinity ở Vilna năm 1604. Trong thời gian này, ngài quen thân với Joseph Benjamin Rutsky, là người trở lại Kitô Giáo sau một thời gian theo phái Calvin. Cả hai đều muốn sự hợp nhất trong giáo hội và cải tổ đời sống tu trì.

 

Sau đó, Josaphat được gửi đi trông coi một cơ sở ở Rôma, còn Rutsky được làm tu viện trưởng ở Vilna. Khi Rutsky được làm giáo chủ của Kiev, thì Josaphat lại được thế chỗ Rutsky làm tu viện trưởng. Nhân cơ hội này, Josaphat thi hành kế hoạch cải tổ, nhưng đường hướng cải tổ phản ảnh một đời sống nghiêm nhặt và khắc khổ của ngài, nên không mấy ai hưởng ứng. Ngay cả một tu hội còn dọa ném ngài xuống sông!

 

Khi là vị giám mục đầu tiên ở Vitebsk và sau đó ở Polotsk vào năm 1617, Ðức Giám Mục Josaphat phải đối diện với nhiều khó khăn. Có thể nói giáo hội lúc ấy thật thối nát, giáo sĩ tái hôn đến hai ba lần, và họ không lo lắng gì đến việc mục vụ hoặc đời sống gương mẫu. Trong vòng ba năm, Ðức Giám Mục Josaphat phải chấn chỉnh lại giáo hội qua các thượng hội đồng, phân phát sách giáo lý khắp nơi, và áp đặt những quy luật cho hàng giáo sĩ. Nhưng đáng kể hơn cả là chính đời sống của ngài mà hầu như lúc nào cũng đi rao giảng, giáo dục đức tin, thăm viếng những kẻ đau ốm.

 

Bất kể công việc và tiếng tăm của Ðức Giám Mục Josaphat, những người Chính Thống Giáo ly khai đã bầu một tổng giám mục của họ ngay ở cùng một thành phố. Thật đau lòng cho Ðức Giám Mục Josaphat khi thấy những người ngài phục vụ bị phân ly trong những cuộc bạo loạn. Ngay cả giáo phận cũ của ngài ở Vitebsk cũng chống đối sự hợp nhất và chống chính ngài. Ðau khổ hơn cả, là chính người Công Giáo mà ngài tìm cách hợp nhất cũng chống đối ngài, chỉ vì họ không thích lễ điển Byzantine mà ngài chủ trương thay vì lễ điển Rôma. Vì sợ hãi hoặc vì ngu dốt, vị chưởng ấn của Lithuania, tin lời đồn đãi rằng ngài xúi giục dân chúng nổi loạn, nên thay vì giúp đỡ thì lại lên án Ðức Giám Mục Josaphat. Thực sự ngài chỉ dùng đến quyền lực khi các người ly khai chiếm nhà thờ Mogilev và ngài xin nhà cầm quyền giúp phục hồi lại quyền bính.

 

Vào tháng Mười 1623, Ðức Giám Mục Josaphat quyết định trở về Vitebsk để đích thân lắng dịu vấn đề. Ngài biết rất nguy hiểm nhưng cho biết, "Nếu tôi xứng đáng được phúc tử đạo, thì tôi không sợ chết."

 

Những người ly khai coi đây là cơ hội để trừ khử Josaphat và làm ngài mất uy tín nếu họ xúi giục được phe của ngài nổi loạn trước và coi đó là cái cớ để chống lại. Sự đe dọa tính mạng của ngài quá lộ liễu đến nỗi ngài phải lên tiếng, "Quý vị muốn giết tôi sao. Quý vị phục kích tôi trên đường phố, trên cầu cống, trong chợ búa, ở khắp mọi nơi. Chính tôi đây. Tôi đến với quý vị như một mục tử. Quý vị biết là tôi rất vui mừng để hy sinh cho quý vị. Tôi sẵn sàng chết cho sự hợp nhất của Giáo Hội dưới quyền Thánh Phêrô và các giáo hoàng kế vị."

 

Khi người ly khai thấy kế hoạch thất bại, họ lập mưu bằng cách đưa một linh mục tên Elias đến nơi tụ họp của phe đức giám mục để lên tiếng sỉ vả bất cứ ai đi ngang qua, nhất là vu khống Ðức Giám Mục Josaphat và Giáo Hội Công Giáo, cốt để chọc tức.

 

Biết được thâm ý của họ, Ðức Giám Mục Josaphat giữ im lặng và cầu nguyện nguyên ngày. Qua ngày hôm sau, Elias lại đến nữa và các người phục dịch của đức giám mục đã bắt nhốt Elias trong một căn phòng khi ngài đi vắng. Trở về nhà, thấy vậy ngài đã mở cửa phòng cho Elias trốn đi. Nhưng đã quá trễ. Ðám ly khai chỉ chờ có thế để báo động cả thành phố đến bao vây với gậy gộc trên tay.

 

Khi bước ra sau vườn, ngài thấy đám du côn đánh đập các người phục dịch và các linh mục khác, ngài lớn tiếng kêu: "Này các con, các con làm gì những người đó vậy? Nếu các con muốn chống đối cha, thì có cha đây, đừng đụng đến những người ấy!" Sau tiếng hô to, "Hãy giết tên theo giáo hoàng," bọn họ đánh đập Ðức Giám Mục Josaphat với gậy gộc, sau đó họ dùng rìu và cuối cùng bắn vào đầu ngài. Thi thể đầy máu của ngài bị họ kéo lê ra sông và quăng xuống đó cùng với xác con chó của ngài.

 

Những anh hùng vô danh trong thảm kịch này là các người Do Thái ở Vitebsk. Họ đã liều mạng xông vào toà giám mục để can gián và cứu những người trong toà giám mục khỏi bị sát hại. Nhờ sự can đảm của họ, nhiều người đã được cứu sống. Cũng chính những người Do Thái này đã công khai lên án các tên sát nhân và thương tiếc Ðức Giám Mục Josaphat, trong khi người Công Giáo ở thành phố lại trốn chui trốn nhủi vì sợ hãi.

 

Thông thường, sự bạo động luôn luôn có hậu quả trái ngược. Vì hối hận và kinh hoàng về cuộc bạo động khiến họ mất đi một vị giám mục thánh thiện nên công chúng lại hướng về sự hợp nhất với Rôma. Và sau cùng, đức tổng giám mục mà phe ly khai dựng lên là Meletius Smotritsky cũng đã hoà giải với Rôma.

 

Vào năm 1867, Ðức Giám Mục Josaphat là vị thánh đầu tiên của Giáo Hội Ðông Phương được Rôma tuyên phong hiển thánh.

 

Lời Bàn

Mầm mống chia rẽ được bắt đầu vào thế kỷ thứ tư, khi Ðế Quốc La Mã bị chia cắt làm hai phần Ðông và Tây. Không một lý do nào có thêå biện minh cho sự phân ly hiện nay trong Kitô Giáo, mà trong đó 64 phần trăm là Công Giáo Rôma, 13 phần trăm là các Giáo Hội Ðông Phương (hầu hết là Chính Thống Giáo) và 23 phần trăm Tin Lành, trong khi 71 phần trăm dân số thế giới chưa được biết đến Ðức Kitô thì họ phải là những người được mục kích sự hợp nhất Kitô Giáo và đức bác ái của những người mệnh danh là Kitô Hữu!



Trích từ NguoiTinHuu.com

 11 Tháng Mười Một

Thánh Martin ở Tours
(316?-397)

 

Một người chống đối hành động vô lương tâm muốn trở nên một tu sĩ; một tu sĩ bị gài ép để trở nên một giám mục; một giám mục chống đối những người vô tôn giáo nhưng cũng xin tha thứ cho những người lạc giáo -- đó là Thánh Martin ở Tours, một trong những vị thánh nổi tiếng.

 

 Ngài sinh trong một gia đình vô tôn giáo ở chỗ bây giờ là Hungary và được lớn lên ở Ý. Là con của một cựu chiến binh, ngài bị ép buộc phải gia nhập quân đội vào lúc 16 tuổi. Ngài theo học đạo và được rửa tội lúc 18 tuổi. Người ta kể rằng ngài sống như một tu sĩ hơn là một binh sĩ. Năm 23 tuổi, ngài từ chối tham dự cuộc chiến của Hoàng Ðế Julian Caesar chống với thế giới bằng lập luận sau: "Tôi đã phục vụ ngài như một người lính; bây giờ hãy để tôi phục vụ Ðức Kitô. Hãy thưởng cho những người muốn chiến đấu. Nhưng tôi là một người lính của Ðức Kitô, và thật sai lầm nếu tôi đi đánh nhau." Sau nhiều khó khăn, ngài được giải ngũ và trở thành môn đệ của Ðức Giám Mục Hilary ở Poitiers.

 

Martin được tấn phong làm người trừ quỷ và hoạt động tích cực chống với bè rối Arian. Ngài trở thành vị ẩn tu, trước hết sống ở Milan và sau đó sống ở một đảo nhỏ. Khi Ðức Hilary được phục hồi quyền bính sau thời gian lưu đầy, Martin trở về Pháp và thành lập tu viện có thể nói đầu tiên ở Pháp, gần Poitiers. Ngài sống ở đó trong 10 năm, đào tạo các môn đệ và đi rao giảng khắp nước.

 

Dân chúng ở Tours đòi hỏi ngài làm giám mục cho họ. Và ngài bị lừa đến thành phố này và được đưa đến nhà thờ, là nơi ngài lưỡng lự nhận chức giám mục. Một vài giám mục tấn phong nghĩ rằng ngài không xứng đáng làm giám mục vì cái bề ngoài xuề xòa và mái tóc thiếu chải chuốt của ngài.

 

Cùng với Ðức Ambrôsiô, Ðức Giám Mục Martin chống với Ðức Giám Mục Ithacius về đề nghị xử tử những người lạc giáo -- cũng như sự can thiệp của hoàng đế vào vấn đề này. Ngài còn thuyết phục được hoàng đế tha chết cho Priscillian (người chủ trương những điều sai lạc về nhân tính của Ðức Kitô). Vì những nỗ lực này, Ðức Giám Mục Martin bị cho là cùng phía với bọn lạc giáo, và sau cùng Priscillian bị xử tử. Sau đó Ðức Giám Mục Martin xin chấm dứt việc bách hại những người ở Tây Ban Nha theo tà thuyết của Priscillian. Ngài còn muốn cộng tác với Ðức Giám Mục Ithacius về một vài lãnh vực, nhưng vì lương tâm không thấy ổn thỏa nên ngài đã bỏ dở ý định ấy.

 

Khi đến giờ chết, các môn đệ xin ngài đừng bỏ họ. Ngài cầu nguyện, "Lạy Chúa, nếu dân của Ngài vẫn còn cần đến con, con sẽ không từ chối làm việc. Nhưng con xin vâng theo ý Chúa."

 

Lời Bàn

 

Ðiều Thánh Martin quan tâm về sự cộng tác nhắc nhở cho chúng ta biết hầu như không có gì hoàn toàn trắng hoặc hoàn toàn đen. Các thánh cũng là những tạo vật ở trần gian: Họ cũng phải do dự khi quyết định như chúng ta. Bất cứ quyết định nào của lương tâm đều ít nhiều có sự liều lĩnh. Nếu chúng ta chọn đi hướng bắc, có thể chúng ta không biết được những gì xảy ra ở hướng đông, hướng tây hay hướng nam. Tuy nhiên, quá thận trọng không dám quyết định thì cũng không phải là nhân đức khôn ngoan, thật vậy, nếu cho rằng "không quyết định là sự quyết định" thì đó là một quyết định sai lầm.



Trích từ NguoiTinHuu.com

Wednesday, November 8, 2023

 Ngày 9/11

Lễ Cung Hiến Ðền Thờ Thánh Gioan Latêranô

 

Nhiều người Công Giáo nghĩ rằng Ðền Thánh Phêrô là nhà thờ của đức giáo hoàng, nhưng sự thật không phải vậy. Ðền Thánh Gioan Latêranô mới là nhà thờ của đức giáo hoàng, là vương cung thánh đường của Giáo Phận Rôma, nơi Ðức Giám Mục của Rôma trụ trì.

 

Vương cung thánh đường đầu tiên ở đây được xây cất vào thế kỷ thứ tư khi Hoàng Ðế Constantine dâng cúng phần đất mà ông nhận được từ gia đình Latêranô giầu có. Kiến trúc đó và những đấng kế vị phải trải qua những tai nạn như hoả hoạn, động đất và chiến tranh, nhưng thánh đường Latêranô vẫn là nơi các giáo hoàng được tấn phong mãi cho đến thế kỷ 15, khi các giáo hoàng từ Avignon trở về thì thánh đường và công trường cạnh đó đã đổ nát.

 

Thánh đường hiện nay được xây cất vào năm 1646 theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Innocent X. Là một trong những thánh đường uy nghi nhất ở Rôma, ngọn tháp mặt tiền của đền Latêranô được trang hoàng với 15 bức tượng của Ðức Kitô, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Gioan Tông Ðồ và 12 vị tiến sĩ của Giáo Hội. Bên dưới bàn thờ sang trọng là một bàn nhỏ bằng gỗ mà truyền thuyết cho rằng chính Thánh Phêrô đã cử hành Thánh Lễ ở bàn này.

 

Lời Bàn

Không như lễ kỷ niệm các đền thờ khác ở Rôma (như đền Ðức Bà Cả, ngày 5-8, đền Các Thánh Phêrô và Phao-lô, 18-11), lễ này là một đại lễ. Việc cung hiến đền thờ là một đại lễ cho toàn thể giáo dân trong xứ. Trong ý nghĩa tiêu biểu, Ðền Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ của mọi người Công Giáo, vì đó là giáo xứ của đức giáo hoàng, vương cung thánh đường của Ðức Giám Mục Rôma. Nhà thờ này là mái nhà tinh thần của tất cả những ai thuộc về Giáo Hội.

 

Lời Trích

“Cũng như các bức tường được xây cao này, những gì đã được thể hiện ở đây lại được tái diễn khi chúng ta quy tụ những người tin vào Ðức Kitô. Vì, qua đức tin họ đã được gọt dũa, như thể đá và gỗ từ núi rừng; nhưng bởi việc học hỏi giáo lý, rửa tội và giáo dục, họ được khuôn đúc, được điều chỉnh, và được mài nhẵn bởi bàn tay của các thợ chuyên môn. Tuy nhiên, họ không làm nên căn nhà của Thiên Chúa, cho đến khi họ hài hòa với nhau trong đức ái” (Thánh Augustine, Bài Giảng 36).

Tuesday, November 7, 2023

 


8 Tháng Mười Một

Chân Phước John Duns Scotus
(1266-1308)

 

Chân Phước John Duns Scotus là một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ.

 

 Sinh ở Duns trong quận Berwick, Tô Cách Lan, John thuộc dòng dõi một gia đình giầu có. Trong những năm về sau, ngài được gọi là John Duns Scotus để ghi dấu nơi sinh trưởng. ("Scotus" là chữ Latinh thay cho "Scotland" [Tô Cách Lan]).

 

John mặc áo dòng Phanxicô ở Dumfries, mà bác của ngài là Cha Elias Duns làm bề trên. Sau thời kỳ tập viện, John theo học ở Oxford và Paris và thụ phong linh mục năm 1291. Sau đó ngài tiếp tục theo học ở Paris cho đến năm 1297, ngài trở về làm giáo sư ở Oxford và Cambridge. Bốn năm sau, ngài trở lại Paris để dạy học và hoàn tất luận án tiến sĩ.

 

Vào thời đại mà nhiều người chấp nhận các hệ tư tưởng không có giá trị, thì John đã vạch ra sự phong phú của truyền thống Phanxicô-Augustinô, quý trọng sự uyên thâm của Thánh Aquinas, của Aristotle và các triết gia Hồi Giáo -- nhưng ngài vẫn duy trì là một nhà tư tưởng độc lập. Ðiều đó được chứng tỏ khi Hoàng Ðế Philip, trong một tranh chấp với Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII năm 1303, đã cố chiếm lấy Ðại Học Paris về phía mình. John Duns Scotus bất đồng ý và được lệnh phải rời Pháp trong vòng ba ngày.

 

Trong thời đại của John Duns Scotus, một số triết gia chủ trương rằng con người bị định đoạt bởi các động lực ở bên ngoài cá thể. Họ cho rằng sự tự do của ý muốn là một ảo tưởng. Là một người rất thực tế, John lý luận rằng nếu tôi đánh một người nào đó mà họ khước từ sự tự do của ý muốn, thì ngay lập tức người ấy bảo tôi ngừng tay. Nhưng nếu tôi thực sự không có tự do ý muốn, làm sao tôi có thể ngừng tay? John đã khéo léo đưa ra một thí dụ mà ai ai cũng dễ nhớ!

 

Sau một thời gian ở Oxford, ngài trở về Paris, là nơi ngài lấy bằng tiến sĩ năm 1305. Ngài tiếp tục dạy ở đây và vào năm 1307 ngài đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria mà sau cùng đại học đã chính thức công nhận lập trường của ngài. Cùng năm đó, bề trên tổng quyền bổ nhiệm ngài về trông coi trường của dòng Phanxicô ở Cologne mà ngài đã từ trần ở đây năm 1308.

 

Dựa vào lý luận của John Duns Scotus, vào năm 1854 Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. John Duns Scotus, vị "Tiến Sĩ Khôn Ngoan", được phong chân phước năm 1993.

 

Lời Bàn

 

Cha Charles Balic, O.F.M., người có uy tín nhất của thế kỷ 20 về Chân Phước Scotus, đã viết: "Toàn bộ thần học của Scotus đều quy hướng về đức ái. Ðặc tính nổi bật của đức ái là sự tự do tuyệt đối. Khi đức ái ngày càng trở nên tuyệt hảo và sâu đậm, sự tự do trở nên cao quý và trọn vẹn hơn trong con người" (New Catholic Encyclopedia, Bộ. 4, tr. 1105).

 

Lời Trích

 

Sự thông thái ít khi đảm bảo sự thánh thiện. Nhưng John Duns Scotus không chỉ là một người tài giỏi mà ngài còn là một người khiêm tốn và siêng năng cầu nguyện -- đó chính là sự tổng hợp mà Thánh Phanxicô muốn nơi bất cứ tu sĩ nào có học thức. Vào lúc phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Pháp đe dọa quyền lợi của đức giáo hoàng, John Duns Scotus đã đứng về phía giáo hội và phải gánh chịu mọi hậu quả. Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định (determinism).

 

Tư tưởng thì quan trọng. John Duns Scotus đã dùng tư tưởng hay nhất của ngài để phục vụ gia đình nhân loại và Giáo Hội.



Trích từ NguoiTinHuu.com

Monday, November 6, 2023

 7 Tháng Mười Một

Thánh Didacus
(1400-1463)

 

Thánh Didacus là một bằng chứng sống động của Thiên Chúa khi Người "chọn những gì là điên dại trong thế gian để làm xấu hổ những người khôn ngoan; những gì là yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh" (1 Cor. 1:27).

 

Sinh trưởng trong gia đình nghèo nàn ở một tỉnh nhỏ thuộc giáo phận Seville, Tây Ban Nha, Didacus được cha mẹ đồng ý cho sống với một vị ẩn tu ở thành phố gần đó. Mặc dù còn trẻ, nhưng ngài đã cố bắt chước sự khắc khổ và lòng đạo hạnh của vị ẩn tu này. Họ trồng trọt và làm những dụng cụ bằng gỗ để mưu sinh.

 

Vài năm sau, ngài bị gọi trở về nhà nhưng sau đó không lâu, ngài gia nhập tu viện Phanxicô ở Arrizafa làm trợ sĩ. Sau khi khấn trọn, Didacus tình nguyện đi truyền giáo ở quần đảo Canary, và hăng say hoạt động, đem nhiều người về với Chúa. Dù là một trợ sĩ, nhưng ngài được chọn làm bề trên cả một tu viện chính ở quần đảo, là tu viện Fuerteventura. Sau đó bốn năm, ngài được gọi về Tây Ban Nha và sống trong nhiều tu viện gần Seville.

 

Vào năm 1450, nhiều tu sĩ Dòng Phanxicô quy tụ về Rôma để cử mừng năm thánh và dự lễ phong thánh cho Thánh Bernardine ở Siena. Didacus cũng đến đó và ngài phải ở lại Rôma ba tháng để chăm sóc các tu sĩ dòng lâm bệnh nặng.

 

Sau khi trở về Tây Ban Nha, ngài dành trọn thời giờ để theo đuổi đời sống chiêm niệm.

 

Vào năm 1463, ngài lâm trọng bệnh khi ở Alcala, và trong lúc hấp hối, Didacus nhìn vào thánh giá và nói: "Ôi mảnh gỗ trung tín, ôi đáng quý thay những cây đinh! Bay được sinh ra với một gánh nặng thật ngọt ngào, vì bay xứng đáng được đỡ lấy Ðức Kitô, là Thiên Chúa của thiên đàng" (Marion A. Habig, O.F.M., The Franciscan Book of Saints, t. 834)

 

Hoàng Ðế Philip II, vì nhớ ơn ngài đã cứu sống đứa con trai nên đã khẩn khoản xin phong thánh cho ngài. Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết được Giáo Hội công nhận. Ngài được phong thánh năm 1588.

 

Lời Bàn

 

Với những người thánh thiện thực sự, chúng ta không thể giữ thái độ trung dung. Hoặc chúng ta ngưỡng mộ họ, hoặc chúng ta coi họ là điên dại. Didacus là thánh vì ngài đã hiến dâng cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa. Có thể nào nhận xét ấy được áp dụng cho chính chúng ta hay không?

 

Lời Trích

 

"Ngài sinh ở Tây Ban Nha với học lực tầm thường, nhưng cũng như các vị thầy đầu tiên và các vị lãnh đạo mù chữ của chúng ta lại được coi là khôn ngoan. [Thiên Chúa chọn Didacus] để cho thấy ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa nhiều người đến con đường cứu chuộc, bởi đời sống và gương mẫu thánh thiện của ngài, và để chứng tỏ cho thế gian thấy rằng sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Người thì mạnh mẽ hơn loài người" (Sắc lệnh Phong Thánh).



Trích từ NguoiTinHuu.com

 

Sunday, November 5, 2023

 6 Tháng Mười Một

Thánh Nicholas Tavelic và Các Bạn
(c. 1391)

 

Thánh Nicholas và các bạn là những người trong số 158 tu sĩ Phanxicô được tử đạo ở Ðất Thánh khi họ được giao cho nhiệm vụ trông coi các vương cung thánh đường ở đây vào năm 1335.

 

Nicholas sinh năm 1340 trong một gia đình giầu sang và quý phái ở Croatia. Ngài gia nhập dòng Phanxicô và được gửi đi rao giảng ở Bosnia với Deodat Rodez. Năm 1384, các ngài tình nguyện sang Ðất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh thiêng, chăm sóc các người hành hương và học tiếng Ả Rập.

 

Vào năm 1391, Nicholas, Deodat, Peter Narbonne và Stephen Cuneo quyết định thuyết phục người Hồi Giáo trở lại đạo một cách công khai. Ngày 11-11-1391, họ đến Ðền Omar ở Giêrusalem và xin được gặp Qadi (giáo sĩ Hồi Giáo). Từ một bản văn viết sẵn, họ nói mọi người phải chấp nhận phúc âm của Ðức Giêsu Kitô. Và khi được yêu cầu rút lại lời tuyên bố ấy, họ đã từ chối. Sau khi bị đánh đập và cầm tù, sau cùng họ bị chặt đầu trước đám đông.

 

Nicholas và các bạn được phong thánh năm 1970. Họ là các tu sĩ Phanxicô duy nhất được phong thánh vì tử đạo ở Ðất Thánh.

 

Lời Bàn

Thánh Phanxicô đưa ra hai đường lối truyền giáo cho các tu sĩ trong dòng. Trong nhiều năm trời, Nicholas và các bạn đã chọn đường lối thứ nhất (sống thầm lặng và làm chứng cho Ðức Kitô). Sau đó họ cảm thấy được mời gọi để đi theo đường lối thứ hai là rao giảng công khai. Các tu sĩ Phanxicô hiện vẫn hoạt động ở Ðất Thánh qua đời sống gương mẫu để nhiều người biết đến Ðức Kitô hơn.

 

Lời Trích

Trong Quy Luật 1221, Thánh Phanxicô viết cho các tu sĩ được sai đến Saracens (Hồi Giáo) "có thể tự đối xử trong hai phương cách. Một cách là tránh tranh luận hoặc cãi cọ, và 'vì Chúa, hãy tùng phục bất cứ ai' (1 Phêrô 2:13), để làm chứng rằng mình là Kitô Hữu. Một cách khác là công khai rao giảng lời Chúa, khi họ thấy đó là ý Chúa muốn mời gọi những người được rao giảng hãy tin vào Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, Ðấng Tạo Dựng muôn loài, và qua Chúa Con, Ðấng Cứu Thế, hãy rửa tội cho họ để trở nên người Kitô đích thực và thánh thiện" (Ch. 16).



Trích từ NguoiTinHuu.com

LỜI CHÚA HÔM NAY

Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm A Ngày 5 Tháng 11 Năm 2023 

 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.

 -Mt 23:1-12 


The scribes and the Pharisees have taken their seat on the chair of Moses.Therefore, do and observe all things whatsoever they tell you, but do not follow their example. For they preach but they do not practice.

 -MT 23:1-12

Lời Mời Ơn Gọi :

Đức tin của chúng ta nên được sống động trong một cách mà những người khác được hấp dẫn tới với Chúa; tuy nhiên, chúng ta phải coi chừng sự kiêu ngạo. Chúng ta làm tất cả mọi việc vì Chúa.

 Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời 

Và Dòng Nữ Tôi Tớ Chúa Thánh Thần. 

 Hãy Gọi 1-800-553-3321 




A Call To Vocation. 

Our faith should be lived in such a way that others are drawn to the Lord; however, we have to be aware of pride. We do all things for God. 

Divine Word Missionaries 

and Sister Servants of The Holy.

Call 1-800-553-3321 

 Trách Nhiệm Chúa Nhật 32 Thường Niên Ngày 12/11/2023 Năm A

 * Đọc Thông Báo. A. Lương Xuyến. 

* Giúp Lễ: Phan Christina. Phan Teresa, Nguyễn Penny & A. Đinh Diễm. 

* B. Đọc I: A Vũ Khôi 

* Đáp Ca: Ca Đoàn 

* B. Đọc II: C. Cecilia Thúy+Vinh 

* LN Giáo Dân và *Dâng Của Lễ: khu 5 

* Sóc Rổ : Nhóm 2: Giới Trẻ. 

 * TTV Thánh Thể: Bà Cố Anna Ruyễn. Anna Trần Quyên, và Theresa Trần Thúy.

 Cầu Nguyện Cho Những Người Cao Niên Và Những Người Đau Yếu Trong Cộng Đoàn. 

Bà Võ Kiếm, Bà Thuận (Mẹ chị Lan+Tùng), Ông Bà Hà Diệm, Bà Nguyễn Phong, Ông Phạm Nhân. Bà Nguyễn Đề. Bà Cố Rật, Bà Cố Long, Ông Bà Nguyễn Khải. Ông Nguyễn Văn Tâm, Bà Viêm, Vợ Ông Sinh, Bs Bùi Hải (đang ở Cali), Bà Huệ, Bà Nguyễn Thao (Chính), và Ông Phạm Phú Hộ.

 Lãnh Nhận Ơn Đại Xá/Toàn Xá.

 Từ mồng 1 tới mông 8 tháng 11. Ai viềng nhà thờ, viếng nghĩa trang sẽ nhận được 1 ơn Đại Xá. Những người cao niên, hay đau yếu không thể đến nhà thờ hay nghĩa trang sẽ nhận được ơn Đại xá nếu hợp ý cầu nguyện với công đoàn tại nhà thờ. Ngoài những ngày ở trên, viếng nghĩa trang được 1 ơn Tiểu xá. Người lảnh nhận phải đọc 1 kinh lạy Cha và Đọc Kin Tin Kính, xưng tội và rước lễ cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

 Về Nhà Chúa.



 Được tin Sơ Maria Jacquer Đào Thị Mỹ, Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ, chị ruật Anh Đào Hòa, đã được Chúa gọi về vào lúc 7:45 Sáng thứ Tư ngày 1 tháng 11, 2023. Thọ 70 Tuổi. Cộng đoàn cùng Cha Quản Nhiệm xin Chúa an ủi Anh Chị Đào Hoa cùng gia quyến trong niềm tin Chúa Giê-su Phục Sinh.

 Bảo Vệ Đời Sống và Nhân Vị Con Người.


Chống lại Issue 1 của Cuộc bầu cử tháng 11 Sắp Tới. Thứ Ba ngày 7 tháng 11 năm 2023 sắp tới sẽ là Ngày Bầu Cử của toàn thể Nước Mỹ. Chúng ta hãy triệt để tham gia đi đầu phiếu để nói lên tiếng nói của chúng ta là người Công Giáo BẢO VỆ ĐỜI SỐNG HAY ỦNG HỘ ĐỜI SỐNG– Chống Phá thai (giết người). Hãy bỏ PHIẾU NO cho ISSue 1 này. Luật này nghịch lại với luật Chúa và Hội Thánh mà người Công giáo chúng ta buộc phải tuân theo. Vậy chúng ta hãy nhắc nhở rủ nhau đi đầu phiếu vào ngày này.

 Tin Hội Các Bà Mẹ.



 Buổi họp hàng tháng vào lúc 1:00 trưa Chúa Nhật ngày 5 tháng 11 nằm 2023 tại nhà nguyện Đức Mẹ Lộ Đức kế phòng ăn hầm nhà thờ. Mời các bà mẹ tới họp đúng giờ.

 Tin Ban Kiết Thiết.



Chung tay tu sửa Nhà Chúa. Nhà Chúa có rất nhiều việc để làm. Vì thế rất cần tới các bàn tay khối óc và tài năng của mỗi người chúng ta để làm Nhà Chúa và các cơ sở nhà Chúa được đẹp đẽ khang trang. Trong Chúa Nhật vừa qua sau Thánh Lễ, các anh em sau đây đã đến tiếp tục sửa chữa cửa nhà thờ và tu sửa bờ tường cuối nhà thờ đã bị ẫm ướt làm loang lỗ vì vài mái ngói đã bị bể mà đã được sửa chữa trong vài tháng qua: Anh Huy, Anh Trường, Anh Phát, Anh Lộc, Anh Trinh, Anh Phong, Anh Đức Thành. Xin Chúa chúc lành cho các anh em.

 Sóc Rổ Lần 2.



Một sóc rổ lần 2 trong các thánh lễ Chúa Nhật ngày 5 tháng 11 nằm 2023 để trợ giúp những người lính chiến đấu xa nhà và bị thương tích. Chúng ta hảy cầu nguyện cho họ và rộng tay trợ giúp.

 Buổi Họp Ban Hành Giáo Tháng 11, 2023. 


Thân mời tất cả các đại diện ban ngày đoàn thể và các khu tới tham dự buổi họp hàng tháng vào lúc 7:30 pm Thứ Bảy ngày 11 tháng 11 năm 2023 tại phòng họp Trường Học Lavang. Hãy đến tham dự đông đủ và đúng giờ. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

 Tin Đoàn Thiếu Nhi.



Vào các ngày cuối tuần này từ Thứ 6 ngày 10 tới Chúa Nhật ngày 12, vài Huynh Trưởng, vài em Hiệp Sĩ và nghĩa Sĩ (trên 14 tuổi) cùng với đoàn Dayton, Đoàn Louisville, Đoàn St. Louis, và Đoàn Detroit, đi Tỉnh Tâm tại Giáo Xú Resurrection of Our Lord Parish tại 3900 Meramec St., St. Louis, MO 63116. Chúng ta hãy cầu nguyễn cho các em đi đường bằng an, được nhiều ơn Chúa, và ngày về cũng được bằng an.

 Tin Ca Đoàn Nhà Mừng Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.



Các anh chị em thuộc Ca Đoàn nhà sẽ long trọng mừng Đại Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam vào Chúa Nhật thứ 33 Thường Niên ngày 19 tháng 11 năm 2023. Sau Thánh Lễ, có tiệc mừng ở Nhà Khánh Tiết dưới Hầm nhà Thờ chúng ta. Anh chị em Ca đoàn mời tới tham dự đông đủ.

 Cám Ơn.



 Chúa Nhật tuần qua, các anh chị đã nấu nướng tặng Giáo xứ để bán như sau: AC Việt+Nhàn nấu nồi bánh canh. Chị Liên tặng bánh bao nướng. Chị Chung tặng xôi. Thủy+Hưng tặng chè. Thúy+Vinh tặng bánh bò. Chị Quyên giúp làm bánh giò. Bà Ruyễn giúp nấu chè. Chị Vy tặng chè sữa và rau câu nước dừa. Anh Thành tặng nước Mía. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

 Tin Ban Kiến Thiết.



 Chúa Nhật ngày 27/10 qua có 11 anh em giúp tu sửa nhà Chúa như sau: A. Phước, A. Trường, A. Huy, A. Phong, A. Lộc, A. Vũ Đức, A. Hoàng, A. Trinh, A. Phát, A. Vinh và A. Đức Thành. Thứ Bảy ngày 4 / 11 qua, Anh Nguyễn Khanh giúp sửa cánh cửa nhà kho nhà thờ phía lối xe ra vào bãi đậu xe. Anh Lâm Yên giúp nướng thịt. Anh Bùi Vinh và Anh Vũ Đức giúp thu dọn nhà để xe, hốt hết lá vàng trên bãi đậu xe và giúp lát gạch phòng vệ sinh trong nhà xứ.

 Báo Cáo Tài Chánh CN 27/10/2023

 + Xóc Rổ: $1.661 

 + Bổng Lễ: $ 720 

 + Bán Thực Phẩm: $1.652