Saturday, November 6, 2021

 

Hạnh Các Thánh

06/11/2021

6 Tháng Mười Một

Thánh Nicholas Tavelic và Các Bạn
(c. 1391)

 

Thánh Nicholas và các bạn là những người trong số 158 tu sĩ Phanxicô được tử đạo ở Ðất Thánh khi họ được giao cho nhiệm vụ trông coi các vương cung thánh đường ở đây vào năm 1335.

 

Nicholas sinh năm 1340 trong một gia đình giầu sang và quý phái ở Croatia. Ngài gia nhập dòng Phanxicô và được gửi đi rao giảng ở Bosnia với Deodat Rodez. Năm 1384, các ngài tình nguyện sang Ðất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh thiêng, chăm sóc các người hành hương và học tiếng Ả Rập.

 

Vào năm 1391, Nicholas, Deodat, Peter Narbonne và Stephen Cuneo quyết định thuyết phục người Hồi Giáo trở lại đạo một cách công khai. Ngày 11-11-1391, họ đến Ðền Omar ở Giêrusalem và xin được gặp Qadi (giáo sĩ Hồi Giáo). Từ một bản văn viết sẵn, họ nói mọi người phải chấp nhận phúc âm của Ðức Giêsu Kitô. Và khi được yêu cầu rút lại lời tuyên bố ấy, họ đã từ chối. Sau khi bị đánh đập và cầm tù, sau cùng họ bị chặt đầu trước đám đông.

 

Nicholas và các bạn được phong thánh năm 1970. Họ là các tu sĩ Phanxicô duy nhất được phong thánh vì tử đạo ở Ðất Thánh.

 

Lời Bàn

Thánh Phanxicô đưa ra hai đường lối truyền giáo cho các tu sĩ trong dòng. Trong nhiều năm trời, Nicholas và các bạn đã chọn đường lối thứ nhất (sống thầm lặng và làm chứng cho Ðức Kitô). Sau đó họ cảm thấy được mời gọi để đi theo đường lối thứ hai là rao giảng công khai. Các tu sĩ Phanxicô hiện vẫn hoạt động ở Ðất Thánh qua đời sống gương mẫu để nhiều người biết đến Ðức Kitô hơn.

 

Lời Trích

Trong Quy Luật 1221, Thánh Phanxicô viết cho các tu sĩ được sai đến Saracens (Hồi Giáo) "có thể tự đối xử trong hai phương cách. Một cách là tránh tranh luận hoặc cãi cọ, và 'vì Chúa, hãy tùng phục bất cứ ai' (1 Phêrô 2:13), để làm chứng rằng mình là Kitô Hữu. Một cách khác là công khai rao giảng lời Chúa, khi họ thấy đó là ý Chúa muốn mời gọi những người được rao giảng hãy tin vào Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, Ðấng Tạo Dựng muôn loài, và qua Chúa Con, Ðấng Cứu Thế, hãy rửa tội cho họ để trở nên người Kitô đích thực và thánh thiện" (Ch. 16).



Trích từ NguoiTinHuu.com

Thursday, November 4, 2021

 

Hạnh Các Thánh

04/11/2021

4 Tháng Mười Một

Thánh Charles Borromeo
(1538-1584)

 

Tên của Thánh Charles Borromeo đi liền với chữ cải cách. Ngài sống trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành, và đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối của Công Ðồng Triđentinô.

 

 Mặc dù ngài thuộc về một gia đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất uy thế, nhưng ngài lại muốn tận hiến cho Giáo Hội. Khi người bác của ngài là Ðức Hồng Y de Medici được chọn làm giáo hoàng năm 1559 với tước hiệu là Piô IV, đức giáo hoàng đã chọn ngài làm trưởng phó tế và là quản lý của Tổng Giáo Phận Milan trong khi ngài chỉ là một sinh viên giáo dân. Vì sự thông minh xuất chúng nên ngài được giao cho nhiều chức vụ quan trọng có liên hệ đến Tòa Thánh, và sau này được bổ nhiệm làm bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn thể ban hành chánh của tòa thánh. Cái chết đau đớn của người anh đã đưa ngài đến quyết định đi tu làm linh mục, mặc dù bao người thân nhân ngăn cản. Ngài được thụ phong linh mục năm 25 tuổi, và sau đó không lâu được tấn phong làm giám mục của Milan.

 

Chính thánh nhân là người đã thúc giục đức giáo hoàng phục hồi Công Ðồng Triđentinô vào năm 1562 sau 10 năm bị ngưng trệ. Ðứng ở đằng sau và âm thầm làm việc, thánh nhân là người có công trong việc duy trì sự liên tục của các khóa họp Công Ðồng mà nhiều khi tưởng đã đổ vỡ. Trong giai đoạn cuối của Công Ðồng, ngài là người chủ yếu trong việc hướng dẫn và thành hình các sắc lệnh của công đồng. Hiển nhiên ngài cũng được phép dành thời giờ để làm việc cho Tổng Giáo Phận Milan, là nơi mà tôn giáo và luân lý thật sáng tỏ.

 

Sự cải tổ cần phải thi hành trong mọi tầng lớp Công Giáo, dù là giáo sĩ hay giáo dân, và được khởi sự từ các công đồng địa phương với các giám mục phụ tá. Những quy luật rõ ràng được đặt ra cho các giám mục và tu sĩ: Nếu người ta thay đổi đời sống để trở nên tốt lành hơn, thì giáo sĩ phải là những người làm gương và phải canh tân tinh thần tông đồ của mình trước hết.

 

Chính Thánh Charles tiên phong trong việc làm gương. Ngài chia sẻ hầu hết phần lương của ngài cho công việc bác ái, tự ý từ bỏ đời sống sang trọng của một tổng giám mục, và ăn chay đền tội. Ngài hy sinh giầu sang, danh vọng, sự mến mộ và ảnh hưởng để trở nên nghèo hèn. Trong thời kỳ dịch tễ và đói kém năm 1576, ngài cố tìm cách để nuôi ăn 60,000 đến 70,000 người mỗi ngày. Ðể thực hiện điều này, ngài phải mượn một số tiền rất lớn mà nhiều năm sau mới trả hết. Khi nạn dịch hoành hành đến mức tối đa, các giới chức hành chánh dân sự bỏ trốn thì ngài vẫn ở lại thành phố để thi hành công việc mục vụ cho những người đau yếu, người hấp hối và những ai cần sự giúp đỡ.

 

Vào năm 1578, ngài thành lập một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh Ambrôsiô (bây giờ là Tu Sĩ của Thánh Charles), tích cực rao giảng, chống với sự xâm nhập của các tà thuyết, và đưa những người Công Giáo lầm lạc trở về với Giáo Hội.

 

Công việc và gánh nặng của chức vụ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Ngài từ trần khi mới 46 tuổi và được phong thánh năm 1610.

 

Lời Bàn

 

Thánh Charles đã sống theo lời Ðức Kitô: "... Khi ta đói con đã cho ta ăn, ta khát con đã cho ta uống, ta lạc lõng con đã tiếp đón, ta trần truồng con đã cho áo mặc, ta đau ốm con đã chăm sóc, ta tù đầy con đã thăm viếng" (Mt. 25:35-36). Thánh Charles đã nhận ra Ðức Kitô trong tha nhân, và ngài biết rằng công việc bác ái được thi hành cho những người bé mọn là được thi hành cho Ðức Kitô.

 

Lời Trích

 

"Trong cuộc lữ hành trần thế, Ðức Kitô luôn mời gọi Giáo Hội hãy cải tổ liên tục và đó là điều rất cần thiết, vì giáo hội là một tổ chức của con người. Do đó, nếu ảnh hưởng của các biến cố hay thời cuộc đã đưa đến những khiếm khuyết trong hành động, trong kỷ luật của Giáo Hội, hay ngay cả trong việc hình thành tín lý (cần thận trọng phân biệt với kho tàng đức tin), thì những khiếm khuyết ấy phải được chấn chỉnh một cách thích hợp và đúng lúc" (Sắc Lệnh về Ðại Kết, 6).

Wednesday, November 3, 2021

 


Hạnh Các Thánh

03/11/2021

3 Tháng Mười Một

Thánh Martin Người Nghèo
(1579-1639)

 

Hàng chữ thật lạnh lùng "không có cha" được ghi trong hồ sơ rửa tội, và danh từ "con lai" hay "vết tích cuộc chiến" là cái tên ác nghiệt mà những người "thuần chủng" gán cho những người mang hai dòng máu. Như bao người khác, Martin đã có thể trở nên một người cay đắng, nhưng ngược lại, ngay từ còn nhỏ Martin đã có lòng thương người đặc biệt, nhất là những người nghèo và bị xã hội khinh miệt.

 

 Ngài là đứa con bất hợp pháp của một nhà quý tộc Tây Ban Nha ở Lima, Peru và một phụ nữ Panama. Thánh Martin giống mẹ nên có nước da ngăm đen, và điều này làm cha ngài khó chịu, do đó mãi tám năm sau ông mới chịu nhận Martin là con. Sau khi sinh đứa thứ hai, ông bỏ rơi gia đình. Martin lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng của xã hội Lima.

 

Lúc 12 tuổi, mẹ ngài cho theo học nghề cắt tóc và giải phẫu, nên ngoài việc cắt tóc, ngài còn biết cách lấy máu (sự chữa trị rất phổ thông thời ấy), biết chăm sóc vết thương và biết chích thuốc.

 

Sau vài năm hành nghề, Martin xin vào dòng Ða Minh làm "người giúp việc," vì ngài cảm thấy không xứng đáng để làm thầy dòng. Sau chín năm, gương mẫu đời sống cầu nguyện và hãm mình, bác ái và khiêm nhường của ngài khiến cộng đoàn phải yêu cầu ngài khấn trọn. Ngài cầu nguyện hằng đêm và sống khắc khổ; công việc hàng ngày của ngài là chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Ngài coi mọi người như nhau, bất kể mầu da, sắc tộc hay địa vị xã hội. Ngài là cột trụ trong việc thành lập cô nhi viện, chăm sóc người nô lệ từ Phi Châu và trông coi việc bố thí của nhà dòng. Ngài trở nên nổi tiếng trong nhà dòng cũng như ngoài thành phố, dù đó là vấn đề "chăn màn, quần áo, đèn nến, bánh kẹo, phép lạ hay lời cầu nguyện!" Khi nhà dòng bị nợ quá nhiều, ngài nói với cha bề trên, "Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của nhà dòng. Hãy bán con đi để trả nợ."

 

Ngoài những công việc hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc bệnh nhân, Thiên Chúa còn ban cho ngài những ơn sủng đặc biệt: được xuất thần bay bổng trên không, căn phòng rực sáng khi ngài cầu nguyện, ơn lưỡng tại (ở hai nơi cùng một lúc), ơn hiểu biết cách lạ lùng, ơn chữa bệnh và chế ngự các thú vật cách tài tình. Lòng bác ái của ngài còn nới rộng đến các thú vật ở ngoài đồng hay chó mèo trong phố và ngay cả chuột bọ trong bếp.

 

Nhiều tu sĩ thời ấy coi ngài như vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự coi mình là "người nô lệ nghèo hèn." Ngài còn là bạn của Thánh Rosa ở Lima. Ngài từ trần ngày 3-11-1639.

 

Lời Bàn

 

Kỳ thị chủng tộc là cái tội mà hầu như không ai muốn thú nhận. Cũng như sự ô nhiễm, đó là "cái tội của thế giới", là trách nhiệm của mọi người nhưng không ai muốn nhận lỗi. Không ai xứng đáng là quan thầy của sự tha thứ và sự công bằng Kitô Giáo cho bằng Thánh Martin của Người Nghèo.

 

Lời Trích

 

Trong buổi lễ phong thánh (6-5-1962), Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã có lời nhận xét về Thánh Martin như sau: "Ngài đã tha thứ lỗi lầm của người khác. Ngài đã quên đi những xúc phạm thật cay đắng, vì cho rằng ngài đáng phải phạt vì những tội lỗi của chính mình. Ngài cố gắng hết sức để đền bù các lỗi lầm ấy; ngài an ủi bệnh nhân một cách trìu mến; ngài cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men cho người nghèo; ngài giúp đỡ các nông dân và người da đen, cũng như những người mang hai dòng máu mà thời ấy thường coi là nô lệ: do đó ngài xứng đáng với cái tên mà người ta thường gọi là 'Martin Nhân Hậu.'"



Trích từ NguoiTinHuu.com

Tuesday, November 2, 2021

 

Hạnh Các Thánh

02/11/2021

2 Tháng Mười Một

Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn

 

Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, "Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ." Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.

 

Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.

 

Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

 

Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.

 

Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.

 

Lời Bàn

 

Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyêän tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách nối liền với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.

 

Lời Trích

 

"Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục--hoặc ngay cả 'một thời gian ngắn của hỏa ngục.' Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác... Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng 'lửa' luyện tội là tình yêu Thiên Chúa 'nung nấu' trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì nỗi mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn" (Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).



Trích từ NguoiTinHuu.com

Monday, November 1, 2021

  Tháng Mười Một

Lễ Các Thánh

 

Ngày lễ đầu tiên trong lịch sử để vinh danh các thánh là ngày tưởng niệm "các vị tử đạo" được cử hành vào đầu thế kỷ thứ tư. Vào đầu thế kỷ thứ bảy, sau làn sóng trộm cắp đột nhập các hang toại đạo, Ðức Giáo Hoàng Boniface IV đã cho thu lượm khoảng 28 toa đầy những hài cốt và chôn cất lại bên trong đền Pantheon, là đền thờ các thần của người La Mã, và ngài thánh hiến đền thờ này như một đền thờ Kitô Giáo. Theo sử gia của Giáo Hội là Bede Ðáng Kính, đức giáo hoàng có ý định rằng "việc tưởng nhớ các thánh trong tương lai có thể thay cho việc thờ phượng mà trước đây không được dành cho thần thánh nhưng thờ ma quỷ" (Về Việc Tính Toán Thời Giờ)

 

Nhưng việc thánh hiến đền Pantheon, cũng như ngày kính nhớ đầu tiên các vị tử đạo xảy ra vào tháng Năm. Nhiều Giáo Hội Ðông Phương vẫn kính nhớ các thánh vào mùa xuân, hoặc trong mùa Phục Sinh hoặc ngay sau lễ Hiện Xuống.

 

Tại sao Giáo Hội Tây Phương cử hành lễ này vào tháng Mười Một thì không ai hiểu. Người ta chỉ biết vào năm 800, thần học gia Alcuin người Anglo-Saxon cử hành lễ này vào ngày 1 tháng Mười Một, và người bạn của ông là Arno, Giám Mục của Salzburg cũng theo như vậy. Sau cùng, trong thế kỷ chứ chín, Giáo Hội La Mã đã chấp thuận ngày lễ này.

 

Lời Bàn

 

Ðầu tiên lễ này để kính nhớ các vị tử đạo. Sau này, khi Kitô Hữu được tự do tín ngưỡng, Giáo Hội đã dùng ngày lễ này để tỏ lòng kính trọng những người thánh thiện. Vào các thế kỷ đầu tiên, được coi là thánh thì chỉ cần một tiêu chuẩn là được nhiều người công nhận, ngay cả việc chấp thuận của vị giám mục cũng được coi là bước sau cùng để đưa vào niên lịch Giáo Hội. Việc phong thánh bởi đức giáo hoàng lần đầu tiên xảy ra vào năm 973; ngày nay việc phong thánh đòi hỏi cả một tiến trình lâu dài để chứng minh các đức tính thánh thiện. Bây giờ, lễ các thánh để kính nhớ các vị thánh vô danh cũng như nổi danh.

 

Lời Trích

 

"Sau đó, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế...

[Một trong các kỳ mục] bảo tôi: "Họ là những người sống sót sau thời gian thử thách lớn lao; họ đã giặt sạch và tẩy áo mình tinh nguyên trong máu Con Chiên.'" (Khải Huyền 7:9, 14).



Trích từ NguoiTinHuu.com

Sunday, October 31, 2021

LỜI CHÚA HÔM NAY

 Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm B

Ngày  31 Tháng 10 Năm 2021

Tháng Mân Côi  -  Năm Thánh Giu-Se

 

 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.     

-Mc 12:28b-34


Jesus replied, "The first is this:
Hear, O Israel!  The Lord our God is Lord alone!  You shall love the Lord your God with all your heart, with all your soul, with all your mind, and with all your strength.  The second is this: You shall love your neighbor as yourself.      

-Mk 12:28b-34

 

 

Lời Mời Ơn Gọi.  Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận thì không tách rởi nhau, nhưng làm cho tình yêu thương trở nên giầu có hơn.  Hãy diễn tả tình yêu mến Thiên Chúa anh em có bằng cách thể hiện trong phục vụ người lân cận trong Chúa Ki-tô.

  Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời 

Dòng Nữ Tôi Tớ Chúa Thánh Thần

 Hãy Gọi 1-800-553-3321

A Call To Vocation: Love of God and love of neighbor are not mutually exclusive, but rather are mutually enriching.  Demonstrate the love you have for God by acting in service to your neighbor in Christ.

  Divine Word Missionaries and

 Sister Servants of  The Holy Spirit

  Call  1-800-553-3321

 

 

 

Trách Nhiệm Chúa Nhật 32 Thường Niên B

Ngày 07/11/2021

*Giúp Lễ: Nguyễn Long, Nguyễn Lam,    

         Jonathan, Nam Thân và Đinh Diễm.

* Đọc Thông Báo:  A. Nguyễn Phương Thành

* B.Đọc I:  A. Đào Thanh Hồng  

* Đáp Ca:   Ca Đoàn

* B.Đọc II:  A. Đinh Ngọc Diễm

* LN Giáo Dân   &   Dâng Của Lễ:  Khu 6

* Sóc Rỗ: Ô. Tuần, A. Tùng & Thiện Nguyện

* TTV Rước Lễ:  Đội 3.

 

 

Cầu Nguyện Cho Những Người Cao Niên Và Những Người Đau Yếu Trong Cộng Đoàn. Bà Võ Kiếm, Bà Chu Sử,  Bà Thuận (Mẹ chị Lan+Tùng), Ông Bà Diệm, Bà Phong, Ông Bà Phạm Nhân. Bà Cố Rật, Ông Bà Khải.  Ông Nguyễn Văn Tâm, Bà Viêm, Bà Nguyễn Hường, Vợ Ông Sinh, Bs Bùi Hải và Cha Cố Thomas Vũ Thái. 

 

 

Ngày Lễ Kính Các Thánh Thứ 2 ngày 01.11.2021. Lễ Trọng.  Thánh Lễ Cộng đoàn vào Lúc 7:30 PM.  Đọc kinh lúc 7:00 PM/Tối. Tại Nhà Thờ chính.  Chúng ta hãy đến tôn vinh các thánh.

 Ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn-Thứ 3 ngày 2.11.2021.   Có 3 Thánh Lễ trong ngày.

1) Lúc 7:30 AM/Sáng.

2) Lúc 12:00 PM/Trưa.

3) Lúc 7:30 PM/ tối  Đọc kinh  Tại Nhà Thờ .  

 Chúng ta hãy đến cầu nguyện cho mọi người thân yêu đã qua đời mau được vào Nước Chúa.

 

 

Thánh Lễ Với Mục Vụ Chữa Lành.  Thánh lễ mỗi thứ Tư Đầu mỗi tháng sẽ có Mục Vụ Chữa Lành ngay sau thánh lễ vào lúc 7:30pm tai Giáo Xứ St. Ignatius Church do Trung Tâm Nhà Sáng Canh Tân bảo trợ.  Đây là một cơ hội hoàn hảo để hiệp nhất với Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta trong khi thế giới của chúng ta luôn tập trung vào các ý kiến trần thế.  Chữa lành bao gồm thể lý, tinh thần, xúc cảm, tâm lý, và những ảnh hưởng liên quan tới đời sống của chúng ta. Sự chữa lành này không bị giới hạn vào việc chữa lành thể xác.  Anh em có thể nhận những lời cầu nguyện cho chính mình hoặc cho những người thân thương của mình.  Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể ước mơ hay tưởng tượng khi Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến giúp đỡ chúng ta.  Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta mọi sự Ngài có.  Vì thế hãy đến để trải nghiệm quyền năng chữa lành của Đức Chúa Giê-su. Muốn biết thêm thông tin, hãy gọi 513-471-5483.

 

 

Tin Các Lớp Việt Ngữ và Các Lớp Giáo Lý Trẻ Em Và Người Lớn. Chúa Nhật hôm nay ngày 31 tháng 10, mọi lớp học thuộc 2 chương trình Việt Ngữ và Giáo Lý có lớp lại với giờ giấc bình thường như đã ấn định.

 

 

Tin Đoàn Thanh Niên Công Giáo Thuộc CĐ Đức Mẹ La-vang.  Thân mời các bạn trẻ nam nữ từ 13 tới 30 tuổi tham gia vào đoàn trẻ Công Giáo này để cùng nhau sống đạo làm tông đồ bác ái với nhau.  Mỗi tháng gặp nhau sinh hoạt một lần vào ngày thứ 7 của tuần thứ 3 trong mỗi tháng. Đơn gia nhập được phát ra cho những cha mẹ phụ huynh nào muốn cho con em mình vào tham  gia vào Đoàn Thanh Niên CG này.  Hãy liên lạc ChịTrưởng Đinh Thúy số 513.435.5725 để biết thêm chi tiết và ghi danh.

 

 

Chúng Ta Có Biết Cơ Sở Giáo Xứ Cần Trùng Tu.

1)  Mái nhà Xứ quá cũ và hàng năm luôn có một số các ngói bị bung ra đưa đến sự mưa dột làm hư hại phòng ốc.  Theo địa phận chúng ta cần phải thay trọn mái như thế sẽ không có vấn đề nữa.  Tuy nhiền, CD phải trả tiền lệ phí này là $29,000, Insurance không trả giúp số tiền này.  Nếu sửa thì Insurance sẽ trả cho là $7000 mà thôi.

2) Ba phòng nhà Xứ bị tổn hại vì nước mưa trên mái ngói nhà xứ gây nên.  Chi phí sẽ được insurance phụ chi.

3) Các cột ống khói trên mái nhà thờ và nhà xứ cần phải xửa, nếu không, nếu có cơn going bão mạnh sẽ làm cho nó đỗ lên mái nhà thờ và nhà xứ sẽ gây nhiều thiệt hại cho các mái nhà.

4) Hai cánh mái nhà thờ bên đường xe và bên bãi đậu xe quá hư hao cần tu sửa.  Mái nhà bên đường xe đi mà được sửa, Cđ chúng ta phải chi giá cả.  Mái nhà bên bãi đậu xe nơi lối vào đi lên nhà thờ hay xuống hầm nhà thờ phải được trùng tu mới.  Insurance sẽ trả cho lệ phí sửa chữa này.

 

 

Tin Những Người Muốn Giúp Cộng Đoàn. Cuối cùng hiện nay có một số người xin ra giúp Cộng Đoàn trong những thời gian như sau:  Bà Lê Tâm+Long, Ông Truyện, Chị Lisa, Anh Bảy (Lợi).  Anh Xuyến Lương, Nguyễn Phương Thành, Chị Đinh Mindy, Anh Nguyễn Đức Thành. Anh Trần Vinh. Nếu có các anh chị em nào khác nữa muốn ra giúp Cộng đoàn thì gọi cho Cha Quản Nhiệm biết.

 

 

Tin Nhà Bếp.  Hãy ủng hộ Công đoàn mua các thức ăn thức uống do Ban Nhà Bếp Cộng Đoàn nấu nướng như Ổ Bánh Mì thịt nguội hay thịt nướng cùng nhìiều món ăn khác.  Cám ơn các anh chị em đã ủng hộ đặt bánh trước và mua bánh. Cám  ơn các anh chị em đã giúp nấu và tặng các các món ăn để bán gây  quỹ cho Cộng đoàn tuần này. Nếu quý ông bà anh chị em muốn đem các món thức ăn chính mình nấu cho Cộng đoàn bán gây gũy mỗi Chúa Nhật, hãy gọi 513.886.3464 cho Chị Đinh Mindy biết.  Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và Giáo Xứ chúng ta.

 

 

Báo Cáo Tài Chánh CN 24-10-2021            

  + Xóc Rổ:                             $1,266

  + Bổng lễ:                             $1,040

  + Bán thức ăn:                      $1,016

  + Giúp Truyền Giáo:            $   817